September 20, 2022 | 16:06 GMT+7

WHO công bố dịch Ebola (sốt xuất huyết Ebola) tại Uganda

Hà Lê -

Ngày 20/9, Bộ Y tế Uganda và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh do virus Ebola gây ra bùng phát tại nước này...

WHO công bố dịch Ebola (sốt xuất huyết Ebola) tại Uganda
WHO công bố dịch Ebola (sốt xuất huyết Ebola) tại Uganda

Trong tài khoản Twitter, Bộ Y tế Uganda cho biết có 1 ca mắc bệnh Ebola được xác nhận tại khu vực Mubende ở miền Trung. Bệnh nhân là một thanh niên 24 tuổi có triệu chứng mắc bệnh và sau đó đã tử vong.

Văn phòng WHO tại châu Phi thông báo ca bệnh này do chủng virus Ebola Sudan tương đối hiếm gặp gây ra, được phát hiện sau khi cơ quan y tế Uganda điều tra 6 trường hợp tử vong nghi nhiễm virus Ebola tại Mubende trong tháng 9 này.

WHO châu Phi cũng cho biết có 8 ca nghi nhiễm mới đây đang điều trị tại một cơ sở y tế và WHO đang giúp các cơ quan y tế Uganda điều tra và triển khai nhân viên đến khu vực bị ảnh hưởng.

 

Virus Ebola thuộc họ Filoviridae, có hình thon dài, cấu trúc dạng sợi với độ dài khác nhau. Khi bị nhiễm virus này, hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể sẽ bị tấn công, gây tổn thương nghiêm trọng. 

Virus Ebola lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 sau hai đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát tại các quốc gia khác nhau thuộc vùng trung tâm của châu Phi. Đợt dịch đầu tiên xảy ra tại quốc gia Congo, tại một làng nhỏ gần sông Ebola. Do vậy, Ebola đã được đặt tên cho virus gây ra dịch bệnh này. Đợt dịch thứ hai xảy ra tại phía Nam quốc gia Sudan.

Bệnh do virus Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola, là một căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây nguy cơ tử vong cao ở người. Các đợt dịch bùng phát thường xuyên xảy ra chủ yếu ở lục địa châu Phi. Virus này được truyền từ động vật hoang dã sang người và lây lan trong quần thể người thông qua việc truyền từ người sang người.

Tỷ lệ tử vong do virus Ebola trung bình vào khoảng 50% số ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong đã thay đổi từ 25% đến 90% trong các vụ dịch trước đây.

Nhiễm virus Ebola thường không biểu hiện bệnh ngay sau khi nhiễm mà thường xuất hiện các triệu chứng khi nhiễm bệnh từ 2 – 21 ngày, trung bình là 8 – 10 ngày.

Ban đầu, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức. Sau đó, là tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức dữ dội, đau bụng, đau cơ và khớp. Cơ thể người bệnh sẽ mệt lả, yếu dần.

Một vài triệu chứng nặng hơn mà người bệnh có thể phải đối mặt đó là tiêu chảy và nôn, thậm chí xuất huyết không rõ nguyên nhân và bị chảy máu, bầm tím. Khi bệnh ở giai đoạn muộn còn xuất hiện thêm tình trạng mắt đỏ, phát ban, nấc cụt.

Các giai đoạn mới đầu của nhiễm virus Ebola có thể gần giống như cảm lạnh, sốt bình thường nên khó được phát hiện.

 

Virus Ebola còn có khả năng làm giảm yếu tố đông máu, khiến máu khó đông, chảy không kiểm soát và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì các triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus Ebola dễ nhầm với các bệnh cảm lạnh, sốt thương hàn, sốt rét bình thường nên chỉ dựa vào triệu chứng thì khó phát hiện được bệnh. Vì thế, cần áp dụng các phương pháp hiện đại hơn để giúp chẩn đoán chính xác.

Có thể áp dụng các kỹ thuật sau: Xét nghiệm máu để phát hiện kháng nguyên; Xét nghiệm hấp thu miễn dịch liên kết với enzym; Xét nghiệm trung hòa huyết thanh; Soi mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi điện tử; Nuôi cấy tế bào để phân lập virus.

Virus Ebola rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đối với người nhiễm bệnh. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là việc làm có vai trò quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Khi nhiễm virus Ebola, người bệnh cần được chăm sóc bằng phương pháp sử dụng dung dịch uống hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm bù nước cho cơ thể, nhất là đối với những trường hợp có triệu chứng tiêu chảy.

Hiện nay, chưa có một phương pháp đặc trưng nào có khả năng điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Vì thế, những phương pháp như sử dụng thuốc, truyền máu, liệu pháp miễn dịch chỉ có tác dụng làm tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân chứ không chữa trị dứt điểm ngay được.

Cho đến nay, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh do vi rút Ebola xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập, Bộ Y tế nên có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế đối với các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đến từ quốc gia có dịch bệnh.  

Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời.

Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh thành công.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate