Việt Nam đứng 5 thế giới về sản lượng thịt lợn móc hàm. Thế nhưng, trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn.
Điều đáng nói, năm 2020, nhập khẩu thịt lợn tăng gấp 3 lần, trong khi gần như không có xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để Việt Nam trở thành "cường quốc" xuất khẩu thịt lợn?
Nông dân chăn nuôi lợn liên tục bị những "cơn bão" không từ trên trời rơi xuống mà từ chính nền chăn nuôi gây ra. Đó là "bão rớt giá" năm 2017 -2018; dịch tả lợn châu Phi năm 2018-2019. Năm 2020, giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng nhưng nông dân chăn nuôi không được hưởng lợi gì bởi không còn lợn để bán.
TỪ THỪA ĐẾN THIẾU
Với số lượng đầu lợn cuối năm 2016 đạt 30 triệu con, sản lượng thịt lợn cả năm đạt 3,8 triệu tấn, thời điểm đó Việt Nam đã vượt qua Nga để vươn lên trở thành quốc gia có đàn lợn lớn thứ 3 thế giới và sản lượng thịt lợn cao thứ 5 thế giới. "Bão giá lợn" xuất hiện vào năm 2017 càn quét từ Bắc vào Nam, kéo giá lợn giảm kỷ lục xuống có lúc chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg.
Để chống chọi với tình trạng giá lợn giảm xuống mức kỷ lục, người nuôi vét nhẵn túi, cắm sổ đỏ lấy tiền mua cám cho lợn ăn nhưng lợn đến kỳ xuất chuồng không ai mua. Với mức lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con, khiến 900 nghìn hộ chăn nuôi lợn trên cả nước lâm vảo cảnh phá sản, trắng tay và nợ nần chồng chất (báo cáo của Cục Chăn nuôi năm 2017).
Một cuộc giải cứu "thịt lợn" rầm rộ được nâng lên tầm cấp độ quốc gia khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục họp khẩn, gửi công văn "cầu cứu" Thủ tướng, gửi công văn hỏa tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn.
Từ cuối năm 2018, dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước. Theo thống kê, số lượng lợn nhiễm dịch trên cả nước buộc phải tiêu hủy trong năm 2019 lên tới 6 triệu con, ước trên 340.000 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, dịch tả lợn châu Phi đã khiến GDP toàn ngành nông nghiệp giảm khoảng 1,1% trong năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2019 là 3,32 triệu tấn giảm khoảng 13,8% so với 2018 và tỷ trọng sản lượng thịt lợn so với tổng sản lượng thịt giảm từ 71,5% xuống 65,6%.
Việt Nam từ vị trí thứ 5 tụt xuống vị trí thứ 6 toàn cầu về sản lượng thịt lợn. Vào thời điểm 30/4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,48 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ 2019; riêng quý 3/2020 đạt 846.200 tấn, tăng 9,7% so với quý 3/2019.
Giá lợn hơi xuất chuồng trên cả nước liên tục tăng trong suốt 5 tháng đầu năm 2020, luôn ở mức trên 90.000 đ/kg, có thời điểm cuối tháng 5/2020 giá lên trên 100.000 đ/kg. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy tăng đàn và tăng nhập khẩu thịt lợn, giá thịt lợn giảm dần từ tháng 6/2020 đến nay. Tháng 10/2020, giá lợn hơi dao động từ 60.000 - 70.000 đ/kg, giảm 10-18.000 đ/kg so với tháng 9/2020. Tuy vậy, trong nửa đầu tháng 11/2020, do ảnh hưởng của những cơn bão ở miền Trung, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng, hiện ở mức 66.000-74.000 đồng/kg.
NHẬP KHẨU THỊT LỢN TĂNG
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhập khẩu thịt lợn liên tục tăng mạnh những tháng vừa qua. Riêng tháng 9/2020, nhập khẩu thịt lợn tăng hơn 350% so với tháng 9/2019. Giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng 2020 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ 2019.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 64.660 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 152,56 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ 2019. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt heo từ 5 thị trường lớn, gồm Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Hiện Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Không chỉ nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, trong mấy tháng qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 800.000 con lợn thịt sống.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng 2020 đạt 256 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, những năm trước Việt Nam xuất khẩu được lợn sữa và lợn thịt sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận nhưng năm nay, gần như không xuất khẩu thịt lợn.
Trong Chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đem về 1,2 – 1,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn 500 – 800 triệu USD/năm. Thế nhưng, mục tiêu trên đã thất bại.
Năm 2017 khi thịt lợn dư thừa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Sẽ thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn bằng việc tổ chức một số chuỗi sản xuất có quy mô lớn, các doanh nghiệp có tiềm lực lớn về kinh tế và năng lực quản trị, nhất là kinh nghiệm xuất khẩu để làm hạt nhân thí điểm. Phải xuất khẩu thịt lợn, đây là lối ra lớn nhất để khai thông thị trường lợn nuôi".
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, có một số mục tiêu đáng chú ý: trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu. Sản lượng thịt các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm.
Có nghĩa là đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải xuất khẩu được khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỷ USD. Mục tiêu là vậy nhưng vấn đề đặt ra là giải pháp nào để đưa chăn nuôi lợn vào ổn định, không để xảy ra các "cơn bão" như thời gian qua, từ đó trở thành nước xuất khẩu thịt lợn?
BỘC LỘ NHIỀU KHIẾM KHUYẾT
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Trước hết, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất còn rất kém, thường xuyên để xảy ra tình trạng số lượng đầu lợn biến động thất thường, lúc tăng vượt quá nhu cầu thị trường, lúc lại sụt giảm nguồn cung. Trong đó, khâu điều tiết sản xuất lợn giống cho thấy rõ điều đó.
Năm 2018, tổng đàn lợn nái cả nước ở mức 4 triệu con. Cục Chăn nuôi hối thúc các doanh nghiệp sản xuất lợn giống cắt giảm 0,5 triệu con lợn nái. Năm 2019, đàn nái giảm chỉ còn 2,72 triệu con, dẫn đến năm nay khi muốn thúc đẩy tăng đàn thì nông dân lại không có con giống để đưa vào chăn nuôi.
Thứ hai là khâu phòng chống dịch bệnh rất kém, năng lực bộ máy quản lý nhà nước về dịch bệnh chưa phù hợp, khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho người chăn nuôi lợn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có 4 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục thú y với các ngành khác; 32/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm Thú y với các ngành khác và chuyển thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý; 23 tỉnh hiện không có nhân viên thú y xã. Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam theo quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh sẽ khó khăn khi bộ máy quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi ngày càng suy giảm cả nhân lực và vật lực.
Thứ ba, giá thành sản xuất chăn nuôi lợn ở nước ta quá cao so với mức bình quân trên thế giới, khiến thịt lợn trong nước không thể cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp ở nước ta cao hơn 10% so với các nước trong khu vực. Chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng cao. Thịt lợn còn bị đội giá bởi qua từ 2-5 khâu trung gian làm giá thành đội lên trên đơn vị thịt lợn tăng khoảng 43% khi đến tay người tiêu dùng.
Giết mổ và chế biến được nhận định là khâu yếu nhất của ngành hàng thịt lợn Việt Nam. Dù có khá nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác quản lý, quy hoạch các cơ sở giết mổ như Tp.HCM, Hà Nội song hoạt động giết mổ lợn nhỏ lẻ hiện chiếm tỷ lệ cao.
Tại các cơ sở giết mổ này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp (5%), hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm, gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, toàn Tp.Hà Nội có tới 749 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 718 cơ sở giết mổ thủ công.
PHÁT TRIỂN NHÀ MÁY CHẾ BIẾN LỚN
Theo Cục Chăn nuôi, phần lớn lượng thịt sản xuất ra hiện vẫn đến tay người tiêu dùng dưới dạng tươi sống, tỷ lệ nhóm sản phẩm thịt chế biến mới chiếm khoảng 9% tổng sản lượng thịt. Sau cuộc khủng hoảng thừa và thiếu của chăn nuôi lợn, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu. Nhiều chuyên gia nhận định, giết mổ và chế biến đang là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 30 công ty có nhà máy chế biến thịt công nghệ hiện đại, tổng công suất 500.000 tấn/năm. Một số DN đã tạo dựng được thương hiệu như: Tổng công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan); Công ty Animex; Công ty Thực phẩm Đức Việt; Công ty C.P, Công ty Mavin, Tập đoàn Dabaco, Công ty Japfa, Công ty Massan... Đây cũng là những doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đạt các tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế.
Trong đó, Nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn MNS MEAT Hà Nam tại Hà Nam với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng có công suất giết mổ lên tới 1,4 triệu con lợn mỗi năm đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Ngày 3/10/2020, dự án Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn đã được khánh thành tại Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) cũng có công suất giết mổ 1,4 triệu con heo/năm với tổng số vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, tổ hợp chế biến thịt heo có quy mô sản xuất khoảng 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành chăn nuôi lợn muốn phát triển ổn định và bền vững, chế biến thịt phải được coi là vấn đề then chốt. Đây cũng là giải pháp để xuất khẩu được thịt lợn ra thị trường thế giới. Hiện đang có khoảng 60 dự án nhà máy chế biến thịt hiện đại đã được các DN đăng ký đầu tư với tổng trị giá đầu tư hơn 2 tỷ USD. Những năm tới, chế biến thịt lợn sẽ rất sôi động.
Ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng giám đốc Công ty C.P. Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đang tổ chức giết mổ heo khoảng 20% trong tổng số lượng 17.000- 20.000 con lợn sống xuất bán mỗi ngày, Heo giết mổ của C.P và cung cấp cho hơn 700 cửa hàng thịt sạch CP Porkshop hợp tác với công ty. Để giảm bớt tầng nấc trung gian, góp phần giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, công ty đang triển khai một số dự án giết mổ-pha lóc- chế biến hiện tại ở một số tỉnh phía Nam và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay, C.P. Việt Nam sẽ xây dựng Nhà máy giết mổ và pha lóc thịt lợn công suất 2.000 con/ngày tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là dự án thứ 2 của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa sau Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội.
Theo ông Thép, C.P cũng đang chuẩn bị khánh thành một tổ hợp nhà máy giết mổ và chế biến gia súc gia cầm rất lớn ở Bình Phước, nhằm mục đích xuất khẩu sản phẩm thịt. Tuy nhiên, khi giá bán thịt lợn trong nước đang quá cao so với thế giới, việc xuất khẩu thịt lợn lúc này không nên tính đến, mà chỉ nên tập trung vào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm thịt xuất khẩu là vấn đề dài hơi, sẽ chỉ nên xuất khẩu khi cung trong nước đã đủ cầu.
TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn
Đã đến lúc không thể để từng hộ chăn nuôi lợn hoạt động đơn độc. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng thịt lợn, hỗ trợ hình thành HTX và tăng liên kết với doanh nghiệp. Qua đó, kiểm soát chất lượng thịt lợn theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, cần tăng đầu tư vào công nghệ cao, vùng chuyên canh nguyên liệu thức ăn gia súc, cải thiện chất lượng con giống, cải thiện kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành. Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn cần tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm thịt lợn của Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho thịt lợn nhập khẩu, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu.
PGS.TS. Phạm Kim Đăng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Trong chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn, có thể khẳng định chi phí trung gian từ sản xuất đến người tiêu dùng chưa được kiểm soát tốt và cần phải giải quyết. Không phải lúc thiếu thịt lợn như hiện này mà ngay cả lúc thừa vẫn không kiểm soát được, vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành quản lý chi phí trung gian, từ đó quản lý giá để đảm bảo lợi nhuận cho các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất và cung ứng thịt lợn nói riêng, cũng như các loại nông sản khác nói chung.
Về giải pháp lâu dài, theo tôi cần phát triển một nền chăn nuôi lợn bền vững. Đó là nền chăn nuôi mà ở đó chăn nuôi được quy hoạch (quy hoạch vùng chăn nuôi vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa có lợi thế vùng), chăn nuôi được sản xuất theo kế hoạch (cân đối cung cầu) và đặc biệt vận hành trên cơ sở đảm bảo: lợi ích kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm phúc lợi động vật. Sản xuất phải theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải làm tốt hơn nữa công tác phân tích dự báo diễn biến thị trường, trên cơ sở nhu cầu thị trường xây dựng kế hoạch và quy hoạch chăn nuôi phù hợp. Có chính sách, chiến lược phù hợp để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi trên cơ sở tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.