July 14, 2025 | 09:41 GMT+7

Xác định “điểm nghẽn” pháp luật, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế

Đỗ Mến -

Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 8/7/2025 đã ghi nhận các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nêu giải pháp xác định điểm nghẽn pháp lý, tạo đà giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số...

Các chuyên gia cho rằng cần xác định điểm nghẽn pháp luật, cải cách thể chế, giải phóng các nguồn lực kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng cần xác định điểm nghẽn pháp luật, cải cách thể chế, giải phóng các nguồn lực kinh tế.

Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và là thời điểm bản lề chuẩn bị cho Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hướng tới phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là mục tiêu mang tính bước ngoặt, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng cần xác định "điểm nghẽn" pháp luật, cải cách thể chế, giải phóng các nguồn lực kinh tế.

XÁC ĐỊNH “ĐIỂM NGHẼN” PHÁP LUẬT ĐỂ CẢI CÁCH THỂ CHẾ

Trong tham luận gửi đến Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới khẳng định thể chế là “đột phá của đột phá”. Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp ngày 5/6/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện pháp luật đã yêu cầu cần rà soát khó khăn vướng mắc của pháp luật và cơ bản giải quyết trong năm 2025.

Tổng bí thư Tô Lâm cũng khẳng định đây không phải là mục tiêu mà là “mệnh lệnh chính trị”; như vậy mới có thể tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số từ năm 2026.

Tinh thần Nghị quyết 66 đã thay đổi từ tư duy thiên về quản lý sang kiến tạo và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành về địa phương để các bộ, ngành tập trung hoạch định chính sách và kiểm tra, giám sát.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp,  vấn đề chính đó là phải xử lý các vướng mắc trong nhóm các “luật đinh”. Tuy nhiên, nếu dùng cách sửa các luật thì sẽ không đầy đủ, không giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc, vừa qua Bộ Tư pháp tham mưu trình Chính phủ Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành tổ chức rà soát các khó khăn vướng mắc do quy định pháp luật và xác định có 3 nhóm "điểm nghẽn" pháp luật, gồm quy định pháp luật còn “mâu thuẫn, chồng chéo”, “không khả thi”, “tạo ra gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, không khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Bên cạnh đó, nguồn để xác định các "điểm nghẽn" này, bao gồm: việc tự rà soát của các bộ ngành, rà soát của các địa phương, rà soát qua các hiệp hội, các doanh nghiệp và qua các cơ quan tố tụng, điều tra, thanh tra, kiểm tra, luật sư, luật gia và ứng dụng công nghệ thông tin.

Do đó, Bộ Tư pháp đã khai trương Cổng Pháp luật quốc gia để tiếp nhận vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là phải rà soát các điểm nghẽn pháp luật qua kênh các hiệp hội, doanh nghiệp lớn.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khi phát biểu tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh đến bốn nhóm cải cách cần phải thực hiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững.

Nhóm cải cách thứ nhất là thể chế. Để hỗ trợ, Việt Nam cần thực hiện cơ chế hiệu quả hơn trong phối hợp, giám sát và cân bằng các nhánh quyền lực và cơ chế đảm bảo sự tham gia rộng rãi của công chúng vào quá trình ra quyết định.

Trong khi đó, cốt lõi của việc áp dụng các nguyên tắc định hướng cho quản trị mới là quản trị phải đủ nhanh, đủ linh hoạt, có thể thử nghiệm và lặp lại, mang tính bao trùm và đầy đủ các bên liên quan cùng sự cởi mở để hợp tác.

Tư duy này khác nhiều so với cách tiếp cận quản trị truyền thống - thường tương đối tuyến tính, tốn kém thời gian và từ trên xuống.

Nhóm cải cách thứ hai, hoàn thiện khung khổ pháp lý. Chương trình nghị sự hiện tại liên quan đến những luật đã, đang, sẽ sửa đổi như Luật Đất đai, các luật về tài chính – tiền tệ, Luật Thuế tài sản; Bộ luật Lao động…Chương trình nghị sự bổ sung có thể bao gồm các khung khổ pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu, dịch chuyển lao động kỹ năng cao, khởi nghiệp, tiêu chuẩn và kinh tế tuần hoàn cho tăng trưởng xanh… 

Nhóm cải cách thứ ba, cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu, thực hiện phù hợp với các xu hướng phát triển mới, sự chuyển dịch của các GSC/GVC, cũng như tận dụng lợi thế mà các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP mang lại.

Để chính sách công nghiệp thành công trong bối cảnh mới thì cách thức can thiệp nhà nước phải đủ “thân thiện với thị trường” và liên kết với nền kinh tế thế giới. Dù còn không ít tranh cãi xung quanh chính sách bảo hộ/hỗ trợ trong nước ở các nền kinh tế Đông Á, song thành công cơ bản đến với những ngành, công ty được “nhúng” vào kinh tế thế giới, với cạnh tranh toàn cầu…

Đặc biệt, theo chuyên gia, công nghệ cần được xem là tâm điểm cho chính sách hỗ trợ, qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo, R&D và tạo lan tỏa công nghệ.

Nhóm cải cách thứ tư, phát triển nguồn nhân lực. Trước hết, đó là việc bảo đảm phổ cập giáo dục trung học phổ thông, cải cách triệt để hệ thống dạy nghề và giáo dục đại học (trong kỷ nguyên số).

Để bắt kịp với tri thức tiên tiến nhất, Việt Nam cần cải cách để có những trường đại học tốt nhất trong top 500, thậm chí top 200 thế giới. Cải thiện môi trường kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp cùng chế tài đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ có đóng góp to lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, một hướng đi có tính cách mạng là hình thành và phát triển đại học khởi nghiệp. Đây chính là cách phát huy lợi thế các trường đại học: đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cùng một lớp trẻ năng động, sáng tạo và khát khao cống hiến.

Hệ sinh thái của một đại học khởi nghiệp có thể gồm: trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp; câu lạc bộ Mentors; các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài đại học… cùng cơ chế hợp tác để khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển ý tưởng và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG HAI CON SỐ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng ngành xây dựng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, bao gồm đóng góp trực tiếp và gián tiếp.

Theo thống kê, lĩnh vực giao thông và xây dựng đóng góp 16-17% GDP hàng năm, đóng góp 1,8-2% điểm tăng trưởng. Trong đó, giá trị lớn nhất hiện nay là đầu tư ở tất cả lĩnh vực như công trình giao thông, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật…

Xác định “điểm nghẽn” pháp luật, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1

Ngoài ra, còn tác động gián tiếp đến các ngành khác là tài chính, ngân hàng, công nghiệp, dịch vụ, tiêu dùng,… điều nhìn thấy rõ nhất trong tác động gián tiếp là giảm chi phí logistic và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra động lực mới, vùng mới. Theo tính toán, phần gián tiếp đóng góp 4-5% trong tổng sản lượng GDP.

Năm 2025, muốn tăng trưởng 8%, ngành xây dựng xác định đóng góp 17,23% GDP; đóng góp ít nhất 1,96 điểm tăng trưởng. Cụ thể hóa từng lĩnh vực thì lĩnh vực xây dựng, kho bãi, bất động sản chiếm đến 85% đóng góp tăng trưởng.

Về giải pháp dài hạn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề cập đến các nhóm vấn đề chính sách, bao gồm: đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính; đột phá hạ tầng, ứng dụng công nghệ phát triển bền vững; thị trường doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực…

Trong đó, đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là làm sao phải giảm được thời gian xin được dự án. Bộ đang rà soát lại để phê duyệt dự án nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng. Về đột phá hạ tầng, cần đẩy nhanh phương án cao tốc Bắc - Nam, vành đai đô thị, hành lang kinh tế Đông - Tây, nâng cấp cảng biển, cảng nước sâu, sân bay… Mục tiêu hiện nay là giảm chi phí logistics từ mức 18% xuống dưới 15% GDP.

Theo thứ trưởng, kinh nghiệm các quốc gia cho thấy đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng đóng góp cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang thể chế hóa việc áp dụng công nghệ BIM trong quản lý, giám sát vật liệu xây dựng.

Còn theo số liệu của Bộ Công Thương trong tham luận gửi tới Diễn đàn, năm 2024, Việt Nam có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép và gỗ duy trì vị trí dẫn đầu.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Để thực hiện tốt Chiến lược, nhất là tập trung thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, giá trị gia tăng cao trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đối với cả bộ ngành và các doanh nghiệp.

Các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA mới và các FTA nâng cấp, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các cam kết; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi bổ sung để đáp ứng thực tiễn; chú trọng công tác thông tin thị trường; xây dựng cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm chủ động nguyên phụ liệu cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có lợi thế…

Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động, linh hoạt, bám sát các thông tin, khuyến nghị của Chính phủ và các bộ, ngành; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam; tập trung vào các nhóm ngành xuất khẩu có lợi thế về hàm lượng công nghệ, về tính cạnh tranh, về nguồn nguyên liệu và năng lực sản xuất...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, để thực hiện kế hoạch hướng đến mục tiêu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,3% năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải cố gắng khắc phục khó khăn, tìm thấy cơ hội trong thách thức.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh các giải pháp như thay đổi cơ cấu lại ngành, chuyển từ sản lượng sang giá trị, đầu tư khoa học, công nghệ bắt đầu ngay từ giống trồng; giảm phát thải ròng bằng 0.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, tăng trưởng cao đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường. Để hạn chế ô nhiễm, cần phải chuyển ngay sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cần nhân rộng các mô hình; chuyển đổi nhanh các hạ tầng...

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chủ trì sửa đổi Luật Đất đai. Việc sửa luật hướng đến việc tiếp cận một số điểm mới để giải phóng nguồn lực này như phải xem xét lại khái niệm quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất không chỉ được coi là tài sản đặc biệt mà còn là yếu tố đầu vào… Bên cạnh các hình thức giao đất, cho thuê đất qua đấu giá, đấu thầu, cần linh hoạt phân quyền cho địa phương…

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG, ĐÓNG GÓP XỨNG ĐÁNG VÀO TĂNG TRƯỞNG 2 CON SỐ

Trên cơ sở các bài học thành công, kinh nghiệm rút ra từ các giai đoạn trước, đánh giá tiềm năng, lợi thế trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực của ngành, thực hiện chủ trương của Đảng về “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như sau:

Thứ nhất, các giải pháp ưu tiên trong ngắn hạn. Cụ thể:

Tập trung số hóa vùng trồng, vùng nuôi; xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao, an toàn dịch bệnh. Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh với cây trồng, vật nuôi. Phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn bộ chuỗi sản xuất; hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ canh tác thông minh, tiết kiệm nước, phân bón.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro khi các nước lớn thay đổi chính sách thương mại.

Tăng cường quản lý rủi ro, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, bản đồ rủi ro đối với lũ, hạn, xâm nhập mặn. Cập nhật và thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai cấp ngành và địa phương. 

Các chuyên gia trao đổi bên lề Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam năm 2025 tổ chức vào chiều ngày 8/7/2025 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng.
Các chuyên gia trao đổi bên lề Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam năm 2025 tổ chức vào chiều ngày 8/7/2025 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng.

Tập trung nguồn lực giải quyết các thách thức trong thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Hoàn thành việc xây dựng và vận hành thử nghiệm thị trường các-bon trong nước, từng bước kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; tổ chức thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế, trong nước.

Tăng cường thanh tra, giám sát môi trường. Áp dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động và số hóa dữ liệu môi trường. Tổ chức kiểm kê và quản lý chất thải nguy hại.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường: đưa giáo dục môi trường vào chương trình học và hoạt động cộng đồng. Huy động sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.

Thứ hai là các giải pháp dài hạn.

Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu của thị trường. Rà soát, đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng; thu hút doanh nghiệp đầu tàu đầu tư, dẫn dắt chuỗi giá trị.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp. Chính thức hóa lao động phi chính thức ở nông thôn. Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn, lấy người dân nông thôn là chủ thể; chủ động phòng chống rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.

Hoàn thiện hành lang pháp lý toàn diện ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các giải pháp chiến lược, đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ carbon. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Hợp tác trong việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN.

Tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu vực đông dân cư, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý môi trường. Xây dựng hệ thống CDL quốc gia về môi trường, khí hậu, tài nguyên.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, đất ngập nước; “hạ tầng xanh”, “hệ sinh thái tự nhiên chống chịu” với thiên tai.

Đồng bộ hóa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch tài nguyên - môi trường. Áp dụng cơ chế “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2025 phát hành ngày 14/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Xác định “điểm nghẽn” pháp luật, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate