Theo báo cáo “Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu” (Global Infrastructure Outlook), Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng (các dự án về đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh, vận hành, cung cấp dịch vụ công, quản lý công trình hạ tầng – PPP),… vào năm 2040.
KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH CỦA NHÀ NƯỚC ĐANG "QUÁ TẢI"
Tuy nhiên, tại tọa đàm “Góp ý Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”, ngày 14/6 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Nghiên cứu Dự án các cơ hội mới nổi tại châu Á (AEO) của USAID, cho rằng nguồn ngân sách truyền thống sẽ không đủ để giải quyết các nhu cầu tài chính trên.
Theo phân tích của USAID, hiện nay cơ sở hạ tầng của Việt Nam hầu hết được đầu tư trực tiếp bởi Chính phủ và các cơ quan khác thuộc khu vực công như chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế.
Nhưng khi ngân sách nhà nước hiện đang chịu thêm gánh nặng bởi các khoản chi tiêu liên quan đến Covid-19, do đó khả năng tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng mới ngày càng bị giới hạn.
Bên cạnh đó, tài chính tư nhân, bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và các khoản vay ngân hàng đang gặp những trở ngại nhất định do các quy định tài chính chặt chẽ hơn, mức độ chấp nhận rủi ro nghiêm ngặt hơn và kỳ hạn dài.
Cho đến nay, các khoản vay ngân hàng vẫn là nguồn tài chính chủ yếu trong các dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân tại Việt Nam. Song các khoản vay ngân hàng cho các dự án cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ giảm hơn nữa do các ngân hàng đang thắt chặt chính sách cho vay và giảm đầu tư dài hạn.
Vì vậy, báo cáo cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xác định những phương thức mới để huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Việt Nam có thể học hỏi Indonesia và Ấn Độ trong việc tạo ra nguồn thu từ các tài sản cơ sở hạ tầng hiện có để tài trợ cho cơ sở hạ tầng mới thông qua phương pháp AR (đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hiện có của Chính phủ).
Ở Indonesia, năm 2020 nước này đã phát triển chương trình AR có tên Chương trình nhượng quyền hạn chế (LCS). Mục tiêu của LCS là hỗ trợ Chính phủ Indonesia phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn mà không cần dựa vào việc vay nợ chính phủ bổ sung hoặc PPP. Rủi ro thương mại, lợi ích và chi phí được chuyển giao cho một bên tư nhân để đổi lấy một khoản phí nhượng quyền trong suốt thời gian của hợp đồng.
Thông qua quy định này, khu vực tư nhân sẽ được phép quản lý và vận hành các tài sản cơ sở hạ tầng công cộng hiện có trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường thu phí, nguồn nước, hệ thống thoát nước và hệ thống quản lý chất thải, viễn thông, nhà máy điện, năng lượng tái tạo, dầu khí.
Theo ông Quang, với mô hình LCS, Chính phủ có thể “tái đầu tư” các tài sản cơ sở hạ tầng hoạt động hiện có để đầu tư dự án mới hoặc nâng cấp các dự án khác bằng cách sử dụng tiền phí nhượng quyền trả trước từ khu vực tư nhân. Đổi lại, khu vực tư nhân sẽ được nhượng quyền vận hành tài sản LCS trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo hoàn vốn đầu tư.
Năm 2009, Ấn Độ thực hiện AR thông qua mô hình vận hành-bảo dưỡng -chuyển giao đã đạt được nhiều thành công. Năm 2016 thực hiện AR thông qua mô hình thu phí-vận hành-bảo dưỡng -chuyển giao (TOT) do khu vực tư nhân sở hữu cũng đã đạt được thành công lớn hơn.
Mô hình TOT tạo cơ hội kinh doanh cho các bên thuộc khu vực tư nhân chuyên về O&M (Hợp đồng kinh doanh- quản lý) đường cao tốc và tìm kiếm lợi nhuận ổn định lâu dài từ doanh thu thu phí mà không phải chịu rủi ro xây dựng và phát triển. Đồng thời sử dụng tiền kiếm được từ tài sản để phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên nhằm đáp ứng các chương trình nghị sự về cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Từ kinh nghiệm 2 quốc gia trên, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam thực hiện cơ chế AR để có thể tạo nguồn thu từ danh mục tài sản cơ sở hạ tầng được đầu tư bằng vốn Nhà nước nhằm đầu tư cho các tài sản cơ sở hạ tầng mới.
Một số dự án thí điểm có thể được thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, nơi mà Chính phủ đã đầu tư phát triển đường cao tốc. Chính phủ nên xây dựng một khung pháp lý chi tiết để sử dụng mô hình nhượng quyền nhằm cho phép các nhà đầu tư tư nhân vận hành và bảo trì đường công cộng để đổi lấy phí nhượng quyền.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VỐN ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ
Ngoài các phương thức trên, cần khai thác thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, mặc dù đang tắc nghẽn nhưng về lâu dài theo ông Quang đây vẫn là nguồn vốn bổ trợ cho nguồn vốn từ ngân hàng mà nhiều nước trên thế giới vẫn làm.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức tài chính vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam nên phát triển một hệ thống các dự án đầu tư bền vững, giới thiệu các công cụ đầu tư có cấu trúc tốt.
Báo cáo nhấn mạnh, ngoài việc tạo ra một môi trường thuận lợi, việc phát triển các cơ hội và công cụ tài chính lành mạnh là rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Chính phủ cần nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch chuẩn bị dự án, phân bổ nguồn lực và đấu thầu dự án để đưa ra thị trường các dự án cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu không có một danh mục các dự án cơ sở hạ tầng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam không được coi là điểm đến cho các nhà đầu tư tổ chức.
Hơn nữa, Chính phủ cần tăng cường vận hành và quản lý thị trường vốn để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào các công cụ tài chính, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp hoặc dự án tại Việt Nam.
Chính phủ cần cải thiện khuôn khổ thể chế, pháp lý và quy định để thúc đẩy các công cụ tài chính xanh. Việt Nam nên xây dựng hệ thống phân loại trái phiếu xanh hoặc chỉ số quốc gia về trái phiếu xanh để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư tổ chức đối với các công cụ tài chính xanh của các tổ chức phát hành trong nước.
Phân loại trái phiếu xanh sẽ chuyển đổi thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam, ngăn chặn hành vi tẩy xanh, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của các nhà đầu tư và huy động thêm vốn cho các lĩnh vực tái tạo. Song điều này chỉ có thể đạt được nếu quốc gia tích hợp các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế vào khuôn khổ pháp lý của mình.
Quản trị doanh nghiệp cần được tăng cường để bảo vệ nhà đầu tư. Năng lực của cơ quan quản lý trong việc phát hiện, thanh tra, điều tra và truy tố gian lận chứng khoán cũng cần được cải thiện và củng cố hơn nữa.