Chiều ngày 03/01/2023, Liên Bộ Công Thương- Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, xăng E5RON92: không cao hơn 21.352 đồng/lít (tăng 332 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON95-III 802 đồng/lít.
Xăng RON95-III: không cao hơn 22.154 đồng/lít (tăng 347 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 22.151 đồng/lít (giữ nguyên so với mức bán lẻ hiện hành).
Dầu hỏa: không cao hơn 22.767 đồng/lít (tăng 601 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.740 đồng/kg (tăng 107 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với dầu điêzen ở mức 605 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít).
Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu điêzen và dầu hỏa, thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 Ron 92 ở mức 350 đồng/lít; xăng Ron 95 ở mức 400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.
Trước đó, ngày 01/01/2023, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 14062/BTC-QLG về việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán mặt hàng xăng dầu tương ứng với mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 1.045 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.100 đồng/lít. Tương tự các loại dầu cũng có mức tăng từ 330 đồng/lít – 770 đồng/lít.
Lý giải nguyên nhân tiếp tục điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 03/01/2023, Liên Bộ cho biết do thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành từ ngày 21/12/2022 - 03/01/2023 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/12/2022 và kỳ điều hành ngày 03/01/2023 là: 89,110 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,897 USD/thùng, tương đương tăng 7,08% so với kỳ trước); 92,513 USD/thùng xăng RON95 (tăng 5,217 USD/thùng, tương đương tăng 6,04% so với kỳ trước).
Tương tự, dầu hỏa là 114,617 USD/thùng (tăng 5,640 USD/thùng, tương đương tăng 5,17% so với kỳ trước); dầu điêzen ở mức 113,466 USD/thùng (tăng 0,969 USD/thùng, tương đương tăng 0,86% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S là 397,361 USD/tấn (tăng 29,293 USD/tấn, tương đương tăng 7,95% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng tăng giá của giá xăng dầu thế giới và thuế bảo về môi trường (theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban thường Vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023) nên để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao, bên cạnh đó thực hiện chi Quỹ BOG với xăng và dầu mazut để hạn chế mức tăng giá cao so với giá kỳ trước.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).