Theo báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các khu công nghiệp của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện nay địa phương này có 25 phân khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn với diện tích khoảng 9.057,9 ha và được phê duyệt quy hoạch phát triển 8 Khu công nghiệp ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.
Tuy nhiên, một số Khu công nghiệp trên địa bản tỉnh Thanh Hóa đến nay vẫn chậm trễ trong việc xây dựng hạ tầng, thậm chí chưa có nhà đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Luyện Kim do Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Nghi Sơn làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2007, quy mô diện tích 480,4 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và được thuê đất với diện tích 355,6 ha/480,4 ha với tổng kinh phí 419,8 tỷ đồng, phần diện tích khoảng 35ha còn lại chưa được giải phóng mặt bằng.
Công ty này đã xây dựng các hạng mục: san nền, thoát nước, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước trên phần diện tích được thuê và cho nhà đầu tư thứ cấp là Công ty CP Gang thép Nghi Sơn thuê lại đất diện tích khoảng 174,2 ha để xây dựng Nhà máy luyện cán thép số 1 và số 2.
Nhìn chung, dự án chậm tiến độ so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại khó khăn; Nhà đầu tư không có chủ trương thu hút các dự án đầu tư thứ cấp khác mà dành để phát triển các giai đoạn tiếp theo của Liên hợp luyện cán thép Nghi Sơn.
Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 1- Khu Kinh tế Nghi Sơn do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, triển khai từ 2018; quy mô diện tích 67 ha, tổng vốn đầu tư 433,243 tỷ đồng. Đến nay, đã giải phóng mặt bằng và được cho thuê đất diện tích 33 ha/67 ha; chủ đầu tư đã cho thuê lại đất đối với 5 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích khoảng 2,9 ha.
Đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng và được cho thuê đất, nhà đầu tư chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch, chưa có hệ thống xử lý nước thải; đối với phần diện tích (34 ha) chưa giải phóng mặt bằng do có nhiều hộ dân sinh sống nên nhà đầu tư chưa chủ động triển khai tại khu vực này.
Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp số 3- Khu Kinh tế Nghi Sơn do Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư, triển khai từ 2016; quy mô diện tích 247 ha, tổng mức đầu tư 1.102 tỷ đồng.
Đến nay, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 65/80 ha diện tích giai đoạn I. Nhìn chung, dự án triển khai rất chậm, nguyên nhân là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện, chưa thu xếp đủ nguồn tài chính đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án.
Dự án hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng do Liên danh Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty CP tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư; diện tích quy mô diện tích 342ha, tổng vốn đầu tư 3.255 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng được diện tích đất 97/121 ha, giai đoạn 1 với giá trị bồi thường 49,69 tỷ đồng và được bàn giao diện tích đất 84,4 ha; đã đầu tư các tuyến giao thông chính trong khu công nghiệp, như tuyến số 4 dài 1,6 km và tuyến 12 dài gần 1,8 km với tổng mức đầu tư 170,2 tỷ đồng; đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện đang trình Bộ Xây dựng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật.
Nhìn chung, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các hồ sơ, thủ tục; chủ đầu tư chưa bố trí kinh phí kịp thời để triển khai; dự án không đảm bảo tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Dự án khu công nghiệp Đồng Vàng do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư, triển khai từ 2022, quy mô diện tích 491,9 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa (14 ha) và đất rừng sản xuất (282,29 ha), được UBND tỉnh có quyết định cho phép thực hiện và cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2022, thị xã Nghi Sơn; đang tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về xây dựng, môi trường, đấu nối hạ tầng kỹ thuật trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo quy định.
Cá biệt, khu công nghiệp Bãi Trành tại huyện Như Xuân đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư.
Thực trạng xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn chưa hoàn thiện, chậm tiến độ so với giấy phép phê duyệt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn FDI khó khăn tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây...