Dù khẳng định khung pháp lý của Việt Nam về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là một trong những hệ thống pháp lý bao quát nhất châu Á, nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống còn gặp khó khi kẽ hở cho tham nhũng chưa được giảm thiểu triệt để.
Kẽ hở lớn
Trong báo cáo mới được công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Đại sứ quán Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới về chủ đề Đánh giá việc thực thi Luật Phòng chống tham nhũng Việt Nam đã tiến đến đâu ở phạm vi ngành, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải nhìn đúng sự thật của cuộc chiến chống “kẻ thù giấu mặt” trong ngành xây dựng.
Báo cáo trên đã được đưa ra trong một cuộc đối thoại về chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Tại đây, Chính phủ đã công bố “Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020”, trong đó áp dụng cách tiếp cận hệ thống đối với công tác phòng chống tham nhũng, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, hạn chế cơ hội tham nhũng và các giải pháp cụ thể theo ngành.
Một điểm rất quan trọng là trong kế hoạch hành động được nêu có nội dung đề cập đến sự cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực thi Luật Phòng chống tham nhũng.
Cuộc đối thoại cũng đã bàn về tham nhũng trong ngành xây dựng và cho thấy đây là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất.
Một lý do của sự cần thiết phải tăng cường giám sát trong ngành xây dựng là phần vốn không nhỏ của gói kích cầu của Chính phủ được đầu tư cho phát triển hạ tầng.
Ngành xây dựng là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng. Năm 2008, ngành này tạo ra 7% GDP so với 5,9% năm 2002. Mức tăng trưởng được thống kê của ngành xây dựng luôn cao hơn mức tăng trung bình của nền kinh tế.
Lĩnh vực xây dựng đang trong quá trình chuyển đổi. Năm 2006, các doanh nghiệp nhà nước chiếm 55% tổng sản lượng ngành so với 38% năm 2002. Ngành này vẫn do một số ít các doanh nghiệp Nhà nước lớn có khả năng tài chính và kỹ thuật thực hiện những dự án hạ tầng và xây dựng quy mô lớn đóng vai trò chủ lực. Vì vậy năm 2006, tổng tài sản cố định của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành xây dựng chiếm tới 53% tổng tài sản và 41% tổng doanh thu của ngành.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thẳng thắn chỉ rõ, cùng với sự tăng trưởng nhanh thì kẽ hở tham nhũng lớn cũng đang hình thành.
Ví dụ, sự cạnh tranh chỉ giới hạn trong một vài doanh nghiệp nhà nước lớn thì việc thông đồng với nhau thể hiện qua các bản chào thầu giống nhau rất dễ xảy ra.
Dựa vào Khảo sát môi trường đầu tư của Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu cho rằng, khoảng 20% đối tượng phỏng vấn nói các cán bộ sở xây dựng mong đợi hoặc yêu cầu phải có "quà" khi giao dịch. Cũng được đề cập đến trong bản báo cáo, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy các công ty xây dựng có nhiều chi phí ngoài quy định hơn so với doanh nghiệp ở các ngành khác.
Vụ PMU 18 và vụ Công ty Tư vấn PCI là minh chứng cụ thể cho sự thiếu hiệu quả của cơ quan giám sát từ bên ngoài. Những vụ việc như vậy cũng làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đóng thuế và các nước viện trợ ODA cho Việt Nam.
Mở rộng ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã chỉ ra nạn hối lộ được xác định là một trong những cản trở chính trong kinh doanh.
Thanh tra, kiểm toán vẫn kém hiệu quả
Trong hai năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thu hồi được 6.766 tỷ đồng và tiết kiệm được 3.715 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước. Thanh tra Nhà nước thu hồi được 3.347 tỷ đồng và 786.000 USD. So với tổng số vốn ngân sách cho xây dựng trong hai năm qua, 97.280 tỷ đồng năm 2007 và 101.050 tỷ đồng năm 2008 thì những con số trên đáng ghi nhận.
Theo thanh tra Bộ Xây dựng, họ đã tiết kiệm được khoảng 25 tỷ đồng chi phí và thu hồi khoảng 10 tỷ đồng từ các dự án xây dựng qua việc thanh tra nội bộ trong hai năm qua.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại đánh giá, thanh tra và kiểm toán trong ngành xây dựng cũng giống như thanh tra nội bộ ít có hiệu quả trong phát hiện tham nhũng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc phát hiện tham nhũng trong các đợt thanh kiểm tra thường không dễ.
Trong quá trình trên, thanh tra có thể phát hiện những vi phạm về quy định, quy chế nội bộ và phát hiện thất thoát, lãng phí. Nhưng phần lớn các trường hợp này lại chưa đủ cấu thành tội phạm tham nhũng. Do trong nhiều vụ tham nhũng, những đối tượng liên quan thường tìm cách che giấu hoặc bưng bít thông tin, việc tìm bằng chứng tham nhũng đòi hỏi thẩm quyền điều tra vượt quá thẩm quyền của các thanh tra.
Theo Luật Phòng chống tham nhũng, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong một tổ chức, chỉ người đứng đầu tổ chức đang bị thanh tra có thẩm quyền chuyển vụ việc cho các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo. Qui định này tạo ra xung đột lợi ích vì Nghị Định 107 quy định người đứng đầu tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, trong khi vẫn chưa có cơ chế khuyến khích hoặc khen thưởng đáng kể nào cho họ trong việc báo cáo hoặc chuyển các vụ tham nhũng cho cơ quan điều tra.
Nhóm nghiên cứu cũng trích dẫn quan điểm của thanh tra Bộ Xây dựng rằng, mặc dù thanh tra bộ thường xuyên làm việc chặt chẽ với cơ quan công an có thẩm quyền nhưng rất ít khi thu thập được đầy đủ bằng chứng cho một vụ việc tham nhũng.
Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, Việt Nam hiện thiếu một cơ chế chuyên biệt chặt chẽ nhưng đơn giản để theo dõi việc triển khai Luật Phòng chống tham nhũng trong ngành xây dựng.
Đề xuất được đề cập trong bản báo cáo, một chiến lược trung hạn phòng chống tham nhũng và lãng phí trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng cần áp nguyên tắc công khai minh bạch vào quy trình công việc của Ban quản lý dự án, nhà thầu và các nhà tư vấn để giảm đi cơ hội xảy ra lãng phí và tham nhũng.
Cùng với đó là nâng tính cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước để giảm thiểu cơ hội thông đồng giữa các bên.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate