January 20, 2025 | 07:48 GMT+7

Xây dựng Luật Thương mại điện tử với năm chính sách lớn

Ngô Huyền -

Thương mại điện tử là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên, cả trong nước lẫn nước ngoài, do vậy Bộ Công Thương đề nghị cần phải có một khung pháp lý ổn định, lâu dài… 

Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử

Thương mại điện tử Việt Nam được xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022. Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 đến 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023. 

Có được kết quả khả quan nêu trên là do các quy định pháp luật về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại hai văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85). 

Tuy nhiên, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ 

Để đảm bảo tính pháp lý cao hơn và ổn định hơn của các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị cần xây dựng Luật Thương mại điện tử thay vì duy trì các văn bản ở cấp nghị định vì luật có giá trị pháp lý cao hơn nghị định, là cơ sở để điều chỉnh các vấn đề quan trọng, mang tính nguyên tắc và toàn diện trong lĩnh vực thương mại điện tử. 

Trên thế giới hiện có nhiều nước đã xây dựng Luật thương mại điện tử, cụ thể: Malaysia, Campuchia, Philipines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc,... Nhìn chung, nhiều nước xây dựng Luật thương mại điện tử dựa trên những khái niệm và nguyên tắc của Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL, trong đó, về cơ bản các nước công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu điện tử nhằm tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử.

Một số nước khác tuy không xây dựng Luật Thương mại điện tử nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, Uỷ ban châu Âu ban hành Chỉ thị về thương mại điện tử vào năm 2000 (Directive 2000/31/EC on electronic commerce) và gần đây là Đạo luật Kỹ thuật số (Digital Markets Act).

Indonesia ban hành Quy định số 80/2019 về thương mại điện tử (Reg 80/2019), Quy định số 31/2024 về cấp phép kinh doanh, quảng cáo, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp thương mại qua hệ thống điện tử (thay thế Quy định số 50/2020)...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số.

NĂM CHÍNH SÁCH LỚN

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định một số chính sách lớn sau đây:

Thứ nhất, bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và đảm bảo hài hòa với các Luật khác hiện hành.

Thứ hai, quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan. Đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định.

Thứ ba, quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, nhằm tạo cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

Bởi việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại địện tử có thể dẫn đến tồn tại những rủi ro về an toàn thông tin và an ninh mạng, các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi và xử lý các hành vi vi phạm, làm giảm hiệu quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng

Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại, nhằm đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy và nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử. 

Thứ năm, quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, các quy định tại Nghị định 52 và Nghị định 85 đã đưa ra các khung pháp lý cơ bản về hoạt động và các mô hình hoạt động của thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các quy định hiện hành cần được điều chỉnh.

Quy định này sẽ thúc đẩy thuơng mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Bộ Công Thương dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate