Ứng dụng số hóa nông nghiệp rất đa dạng, bao gồm tận dụng một lượng lớn dữ liệu từ thiết bị nông nghiệp, đất, thời tiết, hạt giống và hóa chất, sử dụng khoa học máy tính hiện đại để điều khiển tự động hóa canh tác, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Rất nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào trong điều khiển điều hành sản xuất. Chỉ trong vài ngày qua, ngành nông nghiệp cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện cho thấy sự chuyển đổi số trong doanh nghiệp nông nghiệp.
NHIỀU ĐƠN VỊ TÍCH CỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ngày 4/11/2020 tại An Giang, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết thỏa thuận hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và nhấn mạnh nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi, nhanh chóng đưa ngành nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn thông qua việc ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong chiến lược phát triển nông nghiệp thông minh.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời, chỉ có chuyển đổi mới giúp cho ngành nông nghiệp nước ta tạo lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi nông sản toàn cầu. Những năm gần đây, Lộc Trời đặc biệt tích cực trong ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp bền vững. Hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn VNPT là cơ hội để mỗi bên phát huy thế mạnh hiện có, thí điểm các mô hình, giải pháp số cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ AI. Từ đó nhân rộng, triển khai có hiệu quả, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ngày 5/11/2020, Tập đoàn Phúc Sinh - một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn tại Việt Nam đã ra mắt giao diện Website và Mobile App KPHUCSINH. Đây là mảnh ghép quan trọng của chiến lược tiến tới trở thành nhà nông nghiệp - bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử của Phúc Sinh Group tại Việt Nam.
Ứng dụng KPHUCSINH hiện đã có mặt trên cả 2 hệ điều hành thông dụng iOS và Android. Khi tải ứng dụng APP KPHUCSINH, khách hàng dễ dàng mua sắm, đặt hàng các sản phẩm chủ lực do Phúc Sinh trực tiếp sản xuất là KCoffee và KPepper. Ngoài ra, trong chiến lược bán lẻ thương mại điện tử, Phúc Sinh Consumer đã kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hóa các mặt hàng trên cùng một app KPHUCSINH phục vụ đời sống, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.
Quỹ Châu Á cũng đang triển khai một dự án với khoản tài chính từ Chính phủ Australia đã tài trợ, đó là dự án "Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu". Dự án này được triển khai trong 2 năm 2020 và 2021, sẽ hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng ứng dựng và trang web bán hàng sử dụng thực tế ảo tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, hỗ trợ tham gia hội chợ trong nước và quốc tế. Dự án bắt đầu với 5 nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam gồm cà phê, tiêu, xoài, hàng gốm sứ và hàng mây tre lá. Trên cơ sở của các nhóm ngành hàng trên, dự án cũng sẽ đề xuất triển khai đến 13 dòng hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu có chất lượng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Tháp đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh.
Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở sản xuất giống cá tra tiếp nhận đàn cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 với số lượng 21.610 con có gắn (chip) quản lý. Đến nay đàn cá tra này đã sản xuất gần 30 tỷ cá bột cung cấp ra thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá nông sản qua mô hình kinh doanh "Cây xoài nhà tôi", "Cây cam vườn tôi" đã giúp nông dân ở Đồng Tháp tiếp cận hiệu quả với nhiều phân khúc khách hàng mới, giúp gia tăng giá trị cây ăn trái...
NHIỀU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP
Trong sản xuất nông nghiệp, phần chuyển đổi số sáng tạo nhất là khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khai thác và phân tích dữ liệu để dự báo xu hướng cũng như cảnh báo các tình huống bất thường, giúp người sản xuất có thể đưa ra quyết định ngay cả trước khi bắt đầu mùa vụ.
Trước khi mùa vụ, công nghệ số giúp doanh nghiệp lựa chọn giống cây trồng và đầu vào, hỗ trợ tín dụng và bảo hiểm, tư vấn thời tiết và hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh và dịch hại thông qua việc tạo dữ liệu. Phân tích sâu hơn nhằm cho phép nông dân đưa ra quyết định thông minh về canh tác và hưởng lợi từ việc sử dụng tiết kiệm đầu vào, lao động.
Hệ thống AI còn có thể dự đoán những đặc điểm và gen nào tốt nhất cho sản xuất cây trồng dựa trên các đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu. Ứng dụng IoT trong lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng lớn. Các bộ cảm biến được đặt trên các cánh đồng cùng với công nghệ nhận dạng hình ảnh cho phép nông dân thấy cây trồng của họ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các bộ cảm biến giúp cho nông dân thông tin cập nhật theo thời gian thực, nhờ đó họ đưa ra các thay đổi phù hợp cho cây trồng.
Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng robot trong nông nghiệp có thể cải thiện hiệu quả, dẫn đến năng suất cao hơn và nhanh hơn. Trong đó, thiết bị bay không người lái (UAV) được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng lao động sống. Trên thế giới, công nghệ robot và thiết bị bay không người lái đang phát triển rất nhanh. Khi nông dân làm việc trên cánh đồng rộng hàng chục mẫu, chỉ có cách quan sát từ máy bay để theo dõi trang trại của mình.
Thiết bị bay không người lái đang được sử dụng để giám sát cây trồng phổ biến trên khắp nước Mỹ. Thiết bị này sản xuất ra hình ảnh ba chiều để dự báo chất lượng đất, thông qua phân tích và mô hình hoá cây trồng trên nông trại. Một số công ty đang thử nghiệm hướng dẫn robot bằng laser và camera để thiết bị này nhận dạng và nhổ cỏ mà không cần sự can thiệp của con người.
Một trong những ứng dụng rộng rãi nhất về công nghệ số trong nông nghiệp hiện nay là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng của nông sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện nay, các phương tiện truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản như QRCode, blockchain... Giờ đây, khi mua sử dụng nông sản, thực phẩm, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mà họ còn cần biết, nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm đó từ đâu, quá trình sản xuất sản phẩm ra sao...
Tem truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp người tiêu dùng biết rõ những thông tin nông sản, thực phẩm mà họ mua, tiêu dùng, mà còn giúp doanh nghiệp truy xuất người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm và họ quét tem truy xuất bằng điện thoại để đọc các thông tin mà họ quan tâm, thì nhà sản xuất cũng biết được các thông tin như người sử dụng ở đâu, thói quen tiêu dùng như thế nào...
Việc thu thập thông tin và phân tích hành vi người tiêu dùng giúp nhà sản xuất có thể truy xuất ngược lại thông tin người tiêu dùng và đưa ra được chiến lược tiếp cận khách hàng tốt hơn. Hiện nay, trên nhiều trang web bán hàng có sử dụng lồng ghép trí tuệ nhân tạo, khi người tiêu dùng click chuột vào trang web nhà sản xuất có thể biết được thông tin như người tiêu dùng xem sản phẩm này trong bao lâu, họ đến từ đâu và xem vào thời điểm nào. Từ đó, đưa ra chương trình marketing phù hợp với đối tượng khách hàng.