October 22, 2024 | 17:42 GMT+7

Xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia

Nhĩ Anh -

Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam, theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu.

Dự thảo luật được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; xây dựng và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu.

CẤP THIẾT XÂY DỰNG LUẬT DỮ LIỆU 

Theo Bộ Công an, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân); qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, Bộ Công an cho rằng việc định hướng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu trước Quốc hội chiều ngày 22/10.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu trước Quốc hội chiều ngày 22/10.

Điều này giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số…

Hiện nay có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Trong các luật đã rà soát, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu; chưa quy định việc tạo lập cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hoạch định đường lối, chính sách, phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm lợi ích của tổ chức, cá nhân;

Các luật cũng chưa quy định sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu đang phát triển trên thế giới như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu…

Trong khi đó, việc thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu hiện nay lại có vai trò rất quan trọng, nó được xem là yếu tố đột phá để từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu và kích thích, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, các lĩnh vực, tăng năng lực cạnh tranh, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số ở nước ta.

Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã xác định đến Quý 4/2025 Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đi vào hoạt động, là nơi lưu trữ, tổng hợp, phân tích, điều phối dữ liệu, cung cấp hạ tầng cho các bộ, ngành, địa phương.

Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ Công an cho rằng việc việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế- xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

CÂN NHẮC ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM SÀN GIAO DỊCH DỮ LIỆU

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Cơ bản nhất trí quy định về chiến lược dữ liệu quốc gia, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng Quỹ; đề nghị cân nhắc các nội dung chi của Quỹ để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan thẩm tra cũng cơ bản nhất trí quy định về thu thập, cập nhật và đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động này.

Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Ông Tới cũng cho hay cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với các quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là những nội dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Do đó, đề nghị cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án Luật này với quy định của các luật hiện hành và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để phân định phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tránh chồng chéo.

Có ý kiến khác nêu đây là lĩnh vực mới, đặc thù, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn thì có thể cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu. Do đó, trước mắt không cần thiết quy định quá chi tiết trong luật này mà giao Chính phủ tổ chức triển khai thí điểm và có báo cáo Quốc hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate