December 02, 2023 | 07:52 GMT+7

Xây khu công nghiệp sinh thái: Sẽ đẩy mạnh cộng sinh công nghiệp

Ban Mai -

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Dự thảo Thông tư này đề xuất cộng sinh công nghiệp, bao gồm các mạng lưới hợp tác: trao đổi chất thải (rắn, lỏng, khí) giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, dự thảo quy định chi tiết việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái quy định tại các Điều 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

CỘNG SINH CÔNG NGHIỆP ĐỂ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN HIỆU QUẢ

Theo dự thảo, nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái gồm: Dự kiến các ngành nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dụng của khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; dự kiến mức phát thải cho các ngành nghề thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu; phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh.

Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và lộ trình thực hiện.

Nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nêu trên được giải trình tại Đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương trong đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được lập theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Dự thảo đề xuất, cộng sinh công nghiệp quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP bao gồm các mạng lưới hợp tác: trao đổi chất thải (rắn, lỏng, khí) giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Sử dụng chung hạ tầng phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp (không bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung của khu công nghiệp do nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cung cấp).

Sử dụng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp.

Giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn gồm:

Tứ nhất làc, các giải pháp giảm chất thải tại nguồn: Quản lý nội bộ doanh nghiệp và sử dụng các vật liệu thay thế; kiểm soát quy trình, thiết bị sản xuất; cải tiến, thay thế thiết bị, dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp để giảm tổn thất, giảm chất thải, giảm mức độ nguy hại của chất thải, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, các giải pháp tuần hoàn: Thu gom, xử lý, tái sử dụng các chất thải, phế liệu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trao đổi giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Thứ ba, các giải pháp cải thiện sản phẩm thông qua đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, thiết kế nhằm giảm tác động đến môi trường.

Trong quá trình đánh giá doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tham khảo ý kiến của tổ chức, đơn vị chuyên môn trong nước đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ tư vấn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn hoặc tổ chức, đơn vị quốc tế có năng lực, chuyên môn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

TIẾP CẬN ĐÚNG BẢN CHẤT KHOA HỌC

Trước đó, tại hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0" được tổ chức vào tháng 6/2022, tại Hải Phòng, TS. Mai Văn Sỹ, chuyên gia kinh tế, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém. Cụ thể, làm mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỉ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất như khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.

Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết để hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn cần xác định cấu trúc chung có 3 phần: Ứng dụng vật liệu hữu ích; kéo dài vòng đời sản phẩm; sử dụng và sản xuất sản phẩm thông minh hơn.

Từ 3 cấu trúc này dẫn đến cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn đi từ kinh tế tuyến tính truyền thống đến tăng tính tuần hoàn bằng việc nâng lên các cấp độ được thể hiện trong việc sử dụng ít tài nguyên hơn và ít áp lực với môi trường hơn.

Hiện nay, các cấp độ của kinh tế tuần hoàn đang gồm: Cấp vĩ mô xem xét kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, đô thị, vùng, địa phương; cấp trung gian xem xét kinh tế tuần hoàn với góc độ cộng sinh công nghiệp; cấp vi mô xem xét ở cấp độ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cấp sản phẩm xem xét đến mức độ tuần hoàn của từng sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo ông Toản, mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích, do đó trong thủ tục cần thực hiện để xã hội xác nhận kinh tế tuần hoàn nhưng không hành chính hóa việc này. Chính sách ưu đãi của Nhà nước không có quy định rõ ràng nhưng tiệm cận sang các quy định, điều khoản khác có dáng vóc của kinh tế tuần hoàn để được hỗ trợ lãi suất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế VAT… Từ đó, dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật về quản lý các khu công nghiệp để tạo sự đồng bộ.

"Nhiều doanh nghiệp muốn hỏi ưu đãi cụ thể của kinh tế tuần hoàn ở mức nào? Điều này phụ thuộc vào cân đối ngân sách Nhà nước. Chúng ta không quá cầu toàn, chỉ cần có góc xuất phát đúng và tiếp cận theo đúng bản chất khoa học để đưa vào Việt Nam", ông Toản cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate