Đó là một trong các nội dung tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ 11-13/3.
Theo chương trình dự kiến, chiều 13/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Liên quan đến nội dung này, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng. Trong đó: nợ do cơ quan thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng. Nợ do cơ quan hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng.
Đối với số nợ do cơ quan thuế quản lý, nợ có khả năng thu là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ. Tiền phạt vi hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.
Trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan Hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng. Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; Tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội tổng số tiền thuế nợ của Tổng cục Thuế tính đến thời điểm 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cho biết, bộ này đã dự thảo nghị quyết trình Chính phủ với đề xuất dự kiến xóa nợ 27.753 tỷ đồng. Bộ cũng khẳng định việc ban hành nghị quyết cơ bản sẽ không ảnh hưởng tác động tới thu, chi ngân sách và không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, mặc dù các khoản nợ này tồn tại nhưng không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu được và hàng năm không thực hiện giao dự toán thu đối với các khoản nợ này.
Ngoài nội dung trên, tại phiên họp thứ 32, sáng 11/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Chiều cùng ngày, án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) sẽ được xem xét.
Sáng 12/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc. Nội dung buổi chiều là cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và xem xét, thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cũng nằm trong buổi họp này.
Ngày 13/3, ngoài nội dung về thuế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thư viện, xem xét, thông qua nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.