Nửa đầu năm 2024, nhiều hành khách tỏ rõ sự bất ngờ khi bay nội địa nhưng gặp gỡ nhiều tiếp viên hàng không ngoại quốc phục vụ trên các chuyến bay. Xoay xở trong biến động đội tàu bay những tháng đầu năm, thay vì đầu tư thêm tàu bay, nhiều hãng bay đã và đang tính kế thuê ướt (thuê cả máy bay, phi công và đội tiếp viên) tàu bay của hãng khác, trong đó có cả thuê từ các hãng nước ngoài, để đảm bảo tần suất và nhu cầu bay của khách hàng.
Vượt qua những khó khăn nửa đầu năm, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy thị trường vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức sản lượng cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát dịch. Tổng thị trường hành khách đạt gần 37,5 triệu khách, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019.
NHIỀU ÁP LỰC ĐÈ NÉN THỊ TRƯỜNG HÀNG KHÔNG
Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 20,3 triệu khách, tăng 38% cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2019, song vận chuyển nội địa sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng đạt hơn 17,2 triệu khách.
Về thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển gần 9 triệu khách quốc tế, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 44% thị phần vận chuyển khách quốc tế. Trong đó, thị phần của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 17,8% và 24,5%.
Về thị trường vận chuyển hành khách quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, 10 thị trường quốc tế có số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam theo thứ tự là: (1) Hàn Quốc; (2) Trung Quốc; 3) Đài Loan; (4) Thái Lan; (5) Nhật Bản; (6) Singapore; (7) Malaysia; (8) Úc; (9) Hong Kong; và (10) Ấn Độ.
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết thị trường Trung Quốc mặc dù chưa đạt được mức sản lượng khách năm 2019 nhưng đã có tín hiệu hồi phục tích cực. Bên cạnh đó, các thị trường khác đều đã tiệm cận hoặc tăng trưởng nhẹ, đặc biệt với thị trường Úc và Ấn Độ có sự tăng trưởng mạnh.
Với thị trường nội địa, do khó khăn về đội tàu bay nên các hãng hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa và đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019.
Mặc dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không trên cả nước. Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng hàng không chiếm thị phần nội địa lớn nhất, lần lượt là 42% và 44%, tiếp theo sau là Bamboo Airways (7%), Vietravel Airlines (3%), Pacific Airlines và Vasco (4%).
Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%. Trong đó, Vietravel Airlines là hãng có hệ số sử dụng ghế cao nhất trên 90% với cả mạng đường bay nội địa và quốc tế.
Sự sụt giảm về đội tàu bay là một trong nhiều nguyên nhân tác động tiêu cực kết quả hoạt động của các hãng hàng không. Bên cạnh đó, các hãng bay hiện gặp khó khi tìm thuê tàu bay do giá thuê tàu bay tăng cao. Giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cũng tạo áp lực, tăng chi phí cho các hãng, đặc biệt là khi nhiều chi phí được thanh toán bằng ngoại tệ. Các hãng hàng không Việt Nam như Bamboo Airways, Pacific Airlines đang trong quá trình tái cơ cấu và gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
“Các yếu tố này khiến nguồn cung bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá vé máy bay trên các đường bay nội địa trong một số giai đoạn cao điểm ngày lễ, Tết”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.
RỤC RỊCH THUÊ ƯỚT TÀU BAY NỬA CUỐI NĂM
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm do việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) ảnh hưởng đến đội tàu bay A320/321 của Vietnam Airlines, Vietjet Air và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways và Pacific Airlines. Ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, phụ tùng khiến các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc bảo dưỡng các động cơ, thay thế và nhận thêm tàu bay mới tiếp tục kéo dài trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Thông tin về tình hình biến động đội tàu bay, lãnh đạo Vietjet Air cho biết tính đến tháng 7/2024, tổng số tàu bay hãng đã dừng không khai thác là 10 tàu và thêm 1 tàu sẽ dừng từ tháng 10. Số động cơ đã gửi để sửa chữa là 10, động cơ đã tháo và đang trong kho Vietjet là 3. Trong 6 tháng cuối năm 2024, dự kiến thêm 11 động cơ đem đi sửa chữa.
“Theo chương trình triệu hồi, toàn bộ 50 động cơ lắp trên 25 tàu bay A321Neo sẽ phải tháo để sửa chữa, chương trình này có thể kéo dài qua 2025 hoặc lâu hơn”, lãnh đạo Vietjet Air đánh giá.
Đến cuối tháng 6/2024, Vietnam Airlines phải dừng 12 tàu bay và dự kiến đến quý 4/2024 sẽ dừng 17 tàu bay. Còn Pacific Airlines đã trả bên cho thuê toàn bộ tàu bay trong nỗ lực tái cơ cấu, dẫn đến ngừng khai thác từ tháng 4/2024. Đến cuối tháng 6/2024, hãng mới khai thác trở lại một số tàu bay sau khi đạt thỏa thuận thuê 3 tàu từ Vietnam Airlines.
Với Bamboo Airways, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bamboo Airways thực hiện trên 9.500 chuyến bay và vận chuyển trên 1,3 triệu lượt khách với ghế suất bình quân đạt 85%.
Hãng đang tái cơ cấu đội tàu bay và mạng đường bay nên đã trả bên cho thuê số lượng lớn tàu bay và hiện chỉ còn khai thác thường lệ các đường bay nội địa trục chính và một số đường bay du lịch, trục lẻ có dung lượng lớn.
Tính đến tháng 6/2024, Bamboo Airways khai thác đội tàu bay gồm 7 tàu bay (6 tàu bay thuê khô và 1 tàu bay thuê ướt, trong đó có 1 tàu bay tạm dừng khai thác chờ đại tu động cơ).
Từ đầu tháng 7/2024, Bamboo Airways bổ sung thêm 1 tàu bay thuê ướt để tăng thêm tải phục vụ nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè và đang tìm kiếm thuê động cơ để đưa thêm 1 tàu bay vào khai thác trong thời gian chờ bảo dưỡng động cơ.
Bamboo Airways hiện đang nghiên cứu để mở lại các đường bay quốc tế mà hãng đã từng khai thác trước khi tái cơ cấu vào cuối năm 2024 và nửa đầu 2025, trước mắt sẽ tập trung vào các thị trường đường bay có dung lượng lớn như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Trong bối cảnh tàu bay khai thác giảm mạnh, các hãng hàng không Việt Nam tích cực tìm kiếm, đàm phán thuê tàu bay nhằm bổ sung, thay thế cho các tàu bay đang dừng khai thác. Cùng với các nỗ lực tìm tàu bay thuê, với sự hỗ trợ của các đơn vị trong ngành hàng không, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và tăng tải cung ứng, với thời gian khai thác trung bình đội tàu bay tăng 10-20% cùng kỳ.
Vietravel Airlines hiện đang khai thác đội bay gồm 3 chiếc A321-200 với động cơ CFM56 nên không bị ảnh hưởng bởi vấn đề động cơ toàn cầu. Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề triệu hồi động cơ nhưng Vietravel Airlines cũng bị ảnh hưởng gián tiếp khi thời gian bảo dưỡng sẽ kéo dài do tình trạng thiếu hụt vật tư thay thế, thời gian vận chuyển lâu hơn và phát sinh chi phí do chiến sự leo thang.
Trong 6 tháng cuối năm 2024 và 2025, Vietravel Airlines dự kiến nhận thêm 1 tàu thuê ướt và đang đàm phán để thuê thêm 1-2 tàu thuê ướt cho giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, hiện tại mức giá thuê đang rất cao, khiến chi phí vận hành tăng đáng kể và ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của hãng. Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 6 của Nghị định 92/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2016 (Nghị định 92) khiến hãng bị khống chế thuê tàu thuê ướt.
ĐỀ XUẤT GIẢM THUẾ, PHÍ, BỎ GIỚI HẠN SỐ TÀU BAY THUÊ ƯỚT
Mặc dù tình hình thị trường hàng không đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm 2024 và 2025, tuy nhiên các hãng hàng không vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt liên quan đến việc duy trì và bổ sung đội tàu bay cũng như các chi phí đầu vào tăng cao như: chi phí bảo dưỡng, thuê tàu và nhiên liệu, giá nhiên liệu neo ở mức cao, tỷ giá hối đoái biến động…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2024 phát hành ngày 29/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam