Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 1/2017 đến nay, Cảng hàng không Liên Khương phục vụ hơn 1.700 chuyến bay không thường lệ (charter) từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Lạt của các hãng hàng không Air Asia, Korean Air, Thai Vietjet, Vietjet Air.
Cùng với đó, hiện có 1 hãng hàng không nước ngoài là Jeju Air (Hàn Quốc) khai thường lệ đường bay quốc tế từ Incheon (Hàn Quốc) đến Liên Khương.
SÂN BAY LIÊN KHƯƠNG "HÚT" KHÁCH QUỐC TẾ
Cảng hàng không Liên Khương nằm trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) và cách TP. Đà Lạt khoảng 28 km. Cảng hàng không Liên Khương có nhà ga hành khách được xây dựng lấy ý tưởng từ đóa hoa Dã Quỳ, một loại hoa đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Đồng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện tại, Cảng hàng không Liên Khương đón 6 chuyến bay quốc tế/ngày.
Theo đó, hãng hàng không Vietjet Air đang khai thác 2 đường bay từ Đà Lạt đi Incheon và Pusan (Hàn Quốc) với tần suất 6 chuyến bay/tuần. Còn Jeju Air của Hàn Quốc là hãng hàng không nước ngoài duy nhất đang khai thác đường bay từ Hàn Quốc đến Đà Lạt với tần suất 14 chuyến/tuần.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương việc khai thác 8 chuyến bay charter đi/đến Cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) của Hãng hàng không Korean Air với mục đích thương mại. Theo đó, Hãng hàng không Korean Air sẽ khai thác chặng Incheon (Hàn Quốc) – Liên Khương (Lâm Đồng) – Incheon (Hàn Quốc), sử dụng tàu bay A321-272NX.
Từ năm 2018, Cảng hàng không Liên Khương khai thác đạt công suất thiết kế quanh mức 2 triệu hành khách/năm. Tính trong 5 tháng đầu năm 2024, Cảng hàng không Liên Khương đón gần 103 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2019.
"Dự kiến trong những tháng tới đây, sẽ tiếp tục có thêm những hàng hàng không khai thác các đường bay thường lệ quốc tế đến cảng hàng không Liên Khương như: Air Asia (bay Kuala lumpur - Malaysia), Korean Air (bay Incheon), Vietjet (bay Muan - Hàn Quốc)", Cục Hàng không Việt Nam kỳ vọng.
Về hiện trạng hạ tầng, Cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không cấp 4D, với 01 đường hạ cất cánh (09/27) có chiều dài 3.250m có thể tiếp nhận loại tàu bay A321/A320 với số lượng 04 tàu vào giờ cao điểm.
Cảng có hai sân đỗ, gồm sân đỗ số 1 (với 14 vị trí đỗ tàu bay, trong đó có 05 vị trí đỗ tàu bay khai thác linh hoạt) và sân đỗ số 2 (với 02 vị trí đỗ tàu bay).
Nhà ga có tổng diện tích xây dựng 12.374 m2; gồm ga đến nội địa (5.004 m2), ga đi quốc tế (4.968 m2) và các khu vực chức năng dịch vụ khác (2.402 m2).
Công suất thiết kế là 2 triệu khách/năm, 830 hành khách/giờ cao điểm (ga đi quốc nội 415 hành khách/giờ cao điểm và ga đi quốc tế 415 hành khách/giờ cao điểm).
CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN TẠI TÂY NGUYÊN
Cuối tuần qua, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ công bố và trao quyết định chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
Với quyết định trên, Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Đây được xem là cú huých cực kỳ quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về sản xuất, chế biến nông lâm sản và phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nổi bật trong đó là những sản vật như Sâm Ngọc linh, Atiso và thành phố du lịch Đà Lạt.
Cảng hàng không Liên Khương được Chính phủ quy hoạch là một trong 14 cảng hàng không quốc tế và là một trong 30 cảng hàng không của Việt Nam đến năm 2030.
Ngày 17/5/2024, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Liên Khương là cảng hàng không cấp 4E, đây là cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay, công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hoá mỗi năm.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, cảng hàng không sẽ giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến công suất của cảng hàng không sẽ được nâng lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hoá mỗi năm.
Đến năm 2050, sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm, dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Về lịch sử hình thành, Cảng hàng không Liên Khương được khởi công xây dựng và hoạt động dưới sự quản lý của Pháp vào năm 1933, lấy tên là sân bay Liên Khàng.
Sau đó hơn 20 năm sau, Mỹ tiếp quản sân bay và cho sửa chữa, nâng cấp sân bay lần đầu, cùng với việc đổi tên thành sân bay Liên Khương.
Từ sau 30/4/1975 đến năm 1980, sân bay được quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành.
Từ năm 1981-1985, cảng hàng không triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay TP.HCM - Liên Khương với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay AK40.
Từ năm 1992, cảng hàng không triển khai họat động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay TP.HCM - Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương - Huế và ngược lại, loại máy bay sử dụng là AK40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.
Ngày 2/9/2003 khởi công dự án "Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - cảng hàng không Liên Khương" nhằm đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A320, A321 và tương đương; đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương và khu vực hiện có, cùng nhịp độ khai thác hàng không đang trên đà tăng trưởng, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc thu hút, thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.