2021 là năm giới công nghệ chứng kiến bước ngoặt khởi sắc nhất của blockchain tại Việt Nam khi được áp dụng vào khoa học, sản xuất,... Hãy cùng nhìn lại quá trình blockchain đã, đang và sẽ mang đến giúp giới công nghệ Việt ngang tầm thế giới.
3 XU HƯỚNG NỔI BẬT TRONG NĂM 2021
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Decom Holdings, nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain đã chia sẻ về 3 xu hướng thực sự nổi bật trong 2021.
Ông Trung cho biết, đầu tiên là sự ra đời của Meme coin:“Hai Meme coin rất nổi tiếng được ra đời và trở thành hai nguồn thu phí rất lớn cho các sàn giao dịch. Đó là đồng Dogecoin đã đạt trên 22 tỷ USD và Shiba Inu đạt khoảng 18 tỷ USD”.
Trên thị trường crypto, hiện chưa có định nghĩa thống nhất về Meme coin. Tuy nhiên, có thể hiểu nôm na Meme coin ra đời được lấy cảm hứng từ một sự kiện nổi bật nào đó. Không giống như Bitcoin, Ethereum, Meme coin sinh ra với mục đích giải trí hoặc đầu cơ.
"Với sự dẫn đầu của Elon Musk, mức thanh khoản của Memecoin đang ở khoảng 1 tỷ USD, vượt qua tất cả bluechip trong chứng khoán. Meme chính là một trận chơi học thuật, cũng chính là trận chơi của các định chế tài chính trong tương lai".
Xu hướng thứ hai, ông Trung nhắc tới sự thúc đẩy mạnh mẽ từ các chính phủ về Tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC):“Hệ thống các ngân hàng quyết tâm tạo ra một stablecoin đúng nghĩa và hiện đang trở thành chủ đề chính của các cuộc tranh luận trên thế giới khi có khoảng 86% các ngân hàng bắt tay tìm hiểu và thúc đẩy sự phát triển của nó”.
Xu hướng thứ ba là sự phát triển của Gamefi, một trào lưu đã ghi được tên của các startup Việt như Axie và Sky Mavis lên bản đồ công nghệ thế giới.“Tất cả mọi người đều đang rất quan tâm đến các token game”, Chủ tịch Decom Holdings nói.
Tại diễn đàn TechSubmit 21, ông Trần Dinh-Founder & CEO AlphaTrue cũng đề cập đến 3 xu hướng này để đánh giá thị trường crypto.
ĐIỂM NHẤN TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG VÀ XU HƯỚNG 2022 LÀ GÌ?
Công nghệ Blockchain được dự đoán là công nghệ dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0 trong một vài thập kỷ tới nhờ những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ông Trung cho biết hiện các tranh luận về tiền điện tử đang diễn ra nhiều ở Mỹ, mặc dù Mỹ chưa ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng thường các quốc gia khác trên thế giới sẽ lấy đó là nơi tham chiếu.
“Ở Việt Nam không cấm các công ty làm phần mềm, ứng dụng blockchain liên quan đến tiền điện tử, tuy nhiên không thể dùng các phần mềm ứng dụng đó làm phương tiện thanh toán. Việt Nam không cấm người dân sở hữu tài sản kỹ thuật số, nhưng cũng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cá nhân hay tổ chức khi có rủi ro xảy ra.
Các tiêu chuẩn pháp lý thường rất phức tạp dựa trên nhu cầu, yêu cầu khác nhau. Tương lai khi lượng khách hàng đến từ Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh thì buộc các nhà chức trách sẽ phải nghiên cứu hành lang pháp lý để giám sát và quản lý”.
Ông Trung nhấn mạnh rằng “Quốc gia nào đón nhận tài sản kỹ thuật số sớm được thì đó sẽ là lợi ích của quốc gia đấy".
Các cơ quan quản lý trên thế giới đã dành năm 2021 để đánh giá tác động của tiền điện tử đối với nền kinh tế. Ngân hàng trung ương từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, đã cảnh báo về rủi ro đối với sự ổn định tài chính từ tiền điện tử. Từ việc El Salvador áp dụng bitcoin như một cuộc đấu thầu hợp pháp cho lệnh cấm của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan đến tiền điện tử đến việc Ấn Độ sớm công bố dự luật quy định về tiền điện tử. Rõ ràng, năm 2021 đã chứng kiến rất nhiều hành động pháp lý và dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2022.
"Web 3.0 cũng sẽ được thúc đẩy để kéo vốn. Chúng ta có thể thấy các dự án được đầu tư từ 500 triệu trở lên đều liên quan đến Web 3.0”, ông Trung chia sẻ. Ưu điểm của Web 3.0 là có thể cá nhân hóa internet và tránh xảy ra lỗi một điểm (chẳng hạn như một trang web xã hội cụ thể bị sập sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của bạn trong khoảng thời gian này).
Nói về tương lai web 3.0, ông Trần Dinh-CEO AlphaTrue đưa ra 3 viễn cảnh chính: mã hóa dữ liệu và phi tập trung; công nghệ blockchain; và quyền lực về tay người dùng. Trong đó, quan trọng nhất khi web 3.0 lên ngôi, người dùng có thể nắm giữ quyền lực và tự bảo vệ tất cả thông tin cá nhân, khả năng bảo mật khỏi sự lợi dụng từ bên thứ ba.