Năm 2023, xu hướng tiêu dùng mới mang tên "quiet luxury" (xa xỉ thầm lặng) - một thuật ngữ chỉ sự giàu có được thể hiện một cách tinh tế, không phô trương đã lên ngôi. Giới thượng lưu chuyển sang “kỳ thị” những món hàng hiệu tràn ngập logo xa xỉ, tập trung mua sắm những món đồ có vẻ ngoài “lặng lẽ” nhưng thực tế có chất lượng vượt trội, có giá trị lâu dài, được sản xuất kỳ công hoặc là những món hàng độc bản.
Sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, một trào lưu mới bắt đầu nở rộ, theo Wall Street Journal. Những người có ngân sách không quá dư dả quyết định sống tiết kiệm và tự hào về điều đó. Xu hướng này gọi là "loud budgeting" (tiết kiệm ồn ào). Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, khi mọi chi phí, giá cả tăng chóng mặt, nhóm người tiêu dùng trẻ - nhất là Gen Z - đã lựa chọn thẳng thắn với khả năng tài chính của bản thân và ngừng việc chi tiêu xa xỉ.
Chẳng hạn như việc một người giảm bớt các bữa tụ tập giữa buổi với bạn bè hay một gia đình chuyển sang mua đồ cũ để sử dụng hay đi chợ một cách thông minh hơn… và họ thẳng thắn nói với những người xung quanh lý do họ làm như vậy. Brian Ford, cố vấn quản lý tài sản của Công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual, cho biết: "Nhiều người xác định rằng họ phải ưu tiên những thứ thiết yếu, thiết thực như thực phẩm hay nhà ở. Vậy nên, lối sống “tiết kiệm ồn ào” sẽ giúp họ đạt được chính những mục tiêu đó”.
Erica Sandberg, chuyên gia tài chính cá nhân của CardRates.com có trụ sở tại San Francisco, California cho biết, thay vì tạo ra cảm giác giàu sang và phô bày những hàng hóa tiêu dùng mà họ thực sự không đủ khả năng chi trả, mọi người đang sống trung thực và cởi mở hơn, tôn trọng ngân sách cá nhân của mình hơn. "Tôi nghĩ nhiều người trong số họ cũng tin rằng, bằng cách từ chối tiêu dùng quá mức và các khoản nợ, họ sẽ có thể trang trải cuộc sống, tiết kiệm cho tương lai và tận hưởng cuộc sống hơn. Việc 'tiết kiệm ồn ào' đang mang lại sức mạnh cho họ".
“Có người hỏi tối nay bạn có rảnh không? Câu trả lời có thể là: “Xin lỗi, tôi đã hết ngân sách đi ăn nhà hàng của tháng này…” Lukas Battle, người sáng tạo TikTok 26 tuổi, người đã đặt ra thuật ngữ “tiết kiệm ồn ào”, gợi ý. Bài đăng của anh giải thích về khái niệm này đã thu hút hơn 1,4 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội.
Những video về xu hướng "tiết kiệm ồn ào" tiếp theo sau đó đã thu hút gần 10 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội TikTok và đang tiếp tục tăng, chủ yếu là chia sẻ các mục tiêu tiết kiệm và coi đó như phương châm sống. Lukas Battle giải thích: "Không phải là 'Tôi không có đủ tiền' mà là 'Tôi muốn quản lý chi tiêu'. Khi bạn bè tôi rủ rê tôi về một hoạt động nào đó năm ngoài dự kiến, tôi sẽ nói với họ về kế hoạch tài chính của tôi trong tháng này. Tôi nghĩ minh bạch tài chính với bạn bè là điều không cần phải xấu hổ".
Battle không mong đợi ý tưởng này sẽ gây được tiếng vang rộng rãi như vậy, nhưng giờ đây anh nhận ra rằng nó rất có ý nghĩa khi xét đến thời điểm kinh tế hiện tại. Những người theo dõi anh, bao gồm nhiều người ở độ tuổi 20, đang phải đối mặt với khoản nợ vay sinh viên ngày càng tăng, giá thuê nhà tăng cao và những ảnh hưởng kéo dài của lạm phát tăng cao. “Tôi nghĩ người tiêu dùng nhóm tuổi này trên TikTok đang cảm thấy áp lực tài chính của thế giới ngày nay,” anh nói. “Do đó xu hướng này bắt đầu như một trò đùa, nhưng lại gây được tiếng vang lớn.”
Thực tế, khái niệm "tiết kiệm ồn ào" còn quá mới nên còn quá sớm để biết tác động của nó là tích cực hay tiêu cực. Về lý thuyết, đó là một chiến lược tuyệt vời. Tuy nhiên, những người quá lạm dụng phương pháp này có thể có nguy cơ bỏ lỡ những trải nghiệm xã hội có ý nghĩa. Ví dụ để tiết kiệm, người ta thậm chí hạn chế sử dụng điện, nước, bỏ luôn thói quen xem tivi, các chương trình giải trí thú vị,…hoặc hạn chế đến mức thấp nhất là tắt đèn khi xem ti vi buổi tối, không hâm nóng thức ăn nguội, không dùng điều hòa kể cả khi thời tiết khắc nghiệt,…. Việc làm này không chỉ hại sức khỏe mà nó còn làm bạn stress nặng.
Đó là chưa kể, những người trẻ tuổi đã đổ xô đến TikTok để xin lời khuyên, thay vì nghe các chuyên gia tài chính cá nhân, trong khi không phải ý kiến nào trên các trang mạng xã hôi cũng đáng tin cậy. Yuval Shuminer, người sáng lập 26 tuổi của ứng dụng theo dõi ngân sách Piere, lưu ý rằng phương tiện truyền thông xã hội ngược lại thường có thể là nguồn áp lực khi so sánh ngân sách của chúng ta với ngân sách của người khác, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Do đó, theo các chuyên gia tài chính của trang Market Watch, để “tiết kiệm ồn ào” mà không cảm thấy quá khó khăn, người tiêu dùng cần có một số lưu ý. Thứ nhất, hãy chọn mua những mặt hàng phù hợp hơn với ngân sách bản thân. Không phải là cắt giảm hoàn toàn chi tiêu, mà chỉ đơn giản là tìm kiếm mặt hàng phù hợp với ngân sách. Thứ hai, nhất định phải xác định được “cuối năm để dành được bao nhiêu tiền”. Bởi muốn kế hoạch tài chính đi đúng hướng thì mỗi người cần 1 bản mục tiêu cụ thể hơn, tự đánh giá mình có thể cắt giảm những khoản nào, hoặc bạn đang chi tiêu quá mức vào những khoản nào…
Ngoài ra, tốt nhất là mỗi người khi muốn “tiết kiệm ồn ào” thì nên công khai các mục tiêu tài chính càng cụ thể càng tốt với người thân. Mọi kế hoạch và mục tiêu của sẽ dễ dàng trở thành hiện thực hơn nếu chúng ta sớm đề phòng và loại bỏ các ý tưởng hay hành động đi ngược lại với nó. Nhìn vào những chiếc xe hơi sang trọng và các thương hiệu thời trang trong vòng bạn bè của chúng ta, chúng ta dễ dàng bị cuốn theo xu hướng tiêu dùng. Để tránh cái bẫy này, chúng ta có thể điều chỉnh tâm lý của mình, làm rõ điểm mấu chốt về mức tiêu dùng của mình và xử lý việc hiển thị những post khoe khoang của bạn bè trên mạng xã hội một cách hợp lý.
Cuối cùng, cũng không cần thiết quá cởi mở về tài chính của mình. Theo chuyên gia Sandberg, chia sẻ quá nhiều - đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến - có thể mang tới một số rủi ro. Ví dụ: chia sẻ điểm tín dụng, tên ngân hàng… có thể là thông tin hữu ích cho những kẻ lừa đảo. Những kẻ này có thể sử dụng những thông tin chi tiết đó để gửi các email lừa đảo và giành quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng mà chúng ta không hay biết.