Một trong những đối tác quan trọng của Shein cho biết doanh số bán hàng của hãng thời trang nhanh này “cao hơn rất nhiều” so với con số 30 tỷ USD mà công ty này công bố trong báo cáo thường niên. Là một công ty tư nhân, Shein không tiết lộ tài chính của mình. Tuy nhiên, con số doanh thu tốt nhất mà Shein hiện có được Wall Street Journal tiết lộ vào tháng 5/2023, theo đó công ty đã đạt doanh thu 23 tỷ USD vào năm 2022.
Tờ báo này đưa tin rằng Shein đã đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng lên 40% vào năm 2023, điều này sẽ mang lại doanh thu của hãng lên trên 30 tỷ USD. Điều này có nghĩa là Shein sẽ lấn át các nhà bán lẻ Mỹ như Abercrombie & Fitch và American Eagle, những công ty gần đây nhất đã báo cáo doanh thu hàng năm lần lượt là 3,7 tỷ USD và 5 tỷ USD.
Báo cáo The State of Fashion 2024 do tờ Business of Fashion và McKinsey thực hiện, đã phân chia các công ty thời trang nhanh thành 3 thế hệ với các mốc thời gian và thương hiệu tương ứng. Thế hệ thứ nhất, xuất hiện trước những năm 2000, gồm H&M, Zara và Primark. Đây là giai đoạn thời trang chính thức bước từ sàn catwalk ra đường phố với những mẫu mã hợp xu hướng, giá cả phải chăng.
Thế hệ thứ hai thuộc về Asos, Boohoo, Missguided, kéo dài trong khoảng 2000-2010. Giai đoạn này, thời trang nhanh được sản xuất quay vòng nhanh hơn, các khâu hậu mãi, quảng cáo trực tiếp đến khách hàng cũng nhanh hơn, trực diện hơn nhờ ứng dụng kỹ thuật số.
Giai đoạn thứ ba, bùng nổ từ 2015 đến nay, là thời của những thương hiệu mới nổi với tốc độ sản xuất cực nhanh, giá cực thấp và bán hàng trực tiếp đến khách hàng thông qua chính nền tảng của thương hiệu. Shein, Trendyol, Cider hay Temu là những cái tên quen thuộc với người dùng thế giới. Temu - thuộc sở hữu của PDD Holdings có trụ sở tại Trung Quốc - vượt qua Amazon để trở thành ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và 16 thị trường khác chỉ vài tháng sau khi ra mắt. Trong khi Trendyol có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và Cider -nhà bán lẻ có trụ sở tại Mỹ, cũng hướng đến thế hệ Z với mô hình thời trang nhanh.
Với mức giá cực thấp, trải nghiệm khách hàng tốt, Shein và Temu - 2 thương hiệu đối thủ - hiện đang dẫn đầu thị trường. Theo Khảo sát người tiêu dùng về thời trang 2024 của BoF-McKinsey, 40% người tiêu dùng Mỹ đã mua sắm tại Shein hoặc Temu trong năm qua. Tại Anh, một thị trường mới hơn dành cho các nhà bán lẻ, con số đó là 26%. Trong khi đó, người tiêu dùng cho biết họ đang muốn tăng chi tiêu đối với mặt hàng của những công ty này.
Giá đơn vị lưu kho (SKU) trung bình của Shein là 14 USD, thấp hơn gần phân nửa so với giá 26 USD của H&M và 34 USD của Zara. Về tốc độ sản xuất, các thiết kế và thử nghiệm của các hãng thời trang nhanh thế hệ thứ ba đều dựa trên sản phẩm dữ liệu. Nhờ đó, thời gian quay vòng từ việc nắm bắt xu hướng đến ra mắt của sản phẩm cũng được rút ngắn lại. Chẳng hạn với Shein là 10 ngày, ngắn hơn một nửa so với mức tối thiểu 21 ngày của những thương hiệu khác.
Theo Sheng Lu, Giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware, từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 11 năm 2023, Zara và H&M lần lượt đưa 40.000 và 23.000 mặt hàng mới vào thị trường Mỹ. Shein đã giới thiệu 1,5 triệu sản phẩm trong cùng thời gian - gấp 37 lần so với Zara và 65 lần so với H&M. Trong khi cả hai công ty vẫn làm việc với các nhà cung cấp ở Trung Quốc, Inditex và H&M có cơ sở sản xuất lớn ở các nước khác.
Theo nhà tư vấn vận chuyển bưu kiện ShipMatrix, Shein và Temu tại Mỹ vận chuyển trung bình khoảng 1 triệu gói hàng mỗi ngày. “Khối lượng hàng hóa tại Mỹ của họ đang tăng lên đáng kinh ngạc”, Sunandan Ray, giám đốc điều hành của Unique Logistics International, một công ty logistics cho biết. Shein có cơ sở tại Indiana và California để xử lý các mặt hàng phổ biến, song hầu hết các bưu kiện vẫn được đóng gói ở Trung Quốc. Hiện Shein đang thiết lập mối quan hệ với các kho bãi ở Mỹ để đẩy nhanh quá trình chuyển phát nhanh.
Việc sử dụng những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng trong chiến lược liên kết, quảng bá sản phẩm nhiều lớp cũng giúp các hãng thời trang thế hệ thứ ba bán được nhiều hàng hơn với chi phí cực thấp. Bên cạnh đó, các thương hiệu này còn sử dụng các trò chơi tương tác, cho phép khách hàng đổi điểm để mua hàng khi tham gia các chương trình trên ứng dụng, từ trò chơi, xem phát trực tiếp, thu hút khách hàng mới…
Nhờ chiến lược đúng đắn, tận dụng công nghệ, Shein và Temu nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang nhanh toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự giám sát của người dùng và cơ quan quản lý các nước trước tác động tiêu cực của thời trang nhanh đến môi trường.
Trong bối cảnh này, để duy trì tốc độ tăng trưởng, một số thương hiệu đã đề ra nhiều giải pháp thích nghi; chẳng hạn: sản xuất theo lô nhỏ, minh bạch quy trình sản xuất, thử nghiệm mô hình “cửa hàng đa dạng mặt hàng”… Để đối phó với các hạn chế về thuế nhập khẩu, các thương hiệu cũng đang mở rộng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Tổ chức UNEP hiện đã liệt kê những ưu tiên mà ngành công nghiệp thời trang có thể thực hiện để hướng tới mô hình kinh doanh bền vững hơn, bao gồm việc thay đổi mô hình tiêu thụ để tạo ra sự thay đổi tích cực trong quy trình sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, ngành công nghiệp thời trang cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung để giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, việc cải thiện các hoạt động môi trường và xã hội như thông báo cho người tiêu dùng về tác động môi trường của sản phẩm, ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên liệu địa phương trong thiết kế.
Trong năm 2024, bức tranh kinh tế vẫn chưa thể khởi sắc, việc các công ty tiếp tục mở rộng danh mục hàng hóa, mức giá và phân khúc người tiêu dùng có thể sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thời trang nhanh. Xu hướng thắt chặt chi tiêu có thể vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, và việc các công ty này tận dụng xu hướng “giao dịch giảm giá” trong hành vi mua sắm, được dự đoán sẽ vẫn thu hút số đông người tiêu dùng. Một cuộc khảo sát thực hiện bởi McKinsey cuối năm 2023 đã báo cáo rằng 80% số người được hỏi đã thay đổi thói quen mua sắm của họ, thông qua các giao dịch giá trị thấp.