August 01, 2024 | 17:57 GMT+7

Xu hướng hồi phục có thể đưa yên Nhật lên mức 140 yên đổi 1 USD

Bình Minh -

Đồng yên vừa trải qua tháng tăng mạnh nhất trong 1 năm rưỡi, và được dự báo còn tiếp tục tăng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Biến động tỷ giá đồng yên Nhật ngày 31/7 khép lại tháng tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm rưỡi trở lại đây của đồng tiền này. Nhiều chiến lược gia tin rằng đồng yên có thể tăng giá tới 140 yên đổi 1 USD trong năm nay.

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của công ty Macquarie Group Ltd. nhận định “sự phục hồi mạnh mẽ của đồng yên mới chỉ vừa bắt đầu”, cho rằng tỷ giá yên so với USD có thể đạt gần mức 140 yên/USD trước cuối năm nay và tiến tới mốc 125 yên/USD vào tháng 12/2025. Đó là mốc tỷ giá xuất hiện lần gần đây nhất vào đầu năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới chỉ bắt đầu tăng lãi suất.

Một số chiến lược gia không loại trừ khả năng trong ngắn hạn, yên có thể để mất phần lớn thành quả tăng giá của những tuần gần đây, nhưng việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJJ) tăng lãi suất vào hôm thứ Tư và Fed ngày thứ Năm phát tín hiệu chuẩn bị cắt giảm lãi suất đã xóa đi tâm lý bi quan vốn đã “ám” đồng yên trong nhiều tháng qua.

“Yên có thể tăng giá tới 140 yên/USD nếu xuất hiện đồng thời các yếu tố: Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng và BOJ duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc có đồng thời các yếu tố đó có vẻ là một trở ngại, nhưng thực tế thì không”, Giám đốc chiến lược tiền tệ và trái phiếu Paresh Upadhyaya của công ty Amundi nhận định với Bloomberg.

Phiên giao dịch ngày 1/8 tại thị trường Tokyo, đồng yên có lúc tăng giá tới 1%, đạt 148,51 yên đổi 1 USD. Phiên ngày 31/7, đồng yên có thời điểm tăng 1,9% và cả tháng 7, đồng tiền này tăng hơn 7%.

Sự phục hồi này là một câu chuyện hoàn toàn trái ngược so với những gì đã diễn ra vào nửa đầu năm nay, khi yên giảm giá 12%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm tiền tệ G10. Nhà chức trách Nhật Bản đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, và tiếp đó là trong tháng 7. Trong đó, đợt can thiệp tháng 4-5 tiêu tốn gần 66 tỷ USD và đợt can thiệp vừa rồi tiêu tốn gần 37 tỷ USD.

“Chính sách tiền tệ thắt lại ở Nhật Bản sẽ dẫn tới sự tái cân bằng về phía các tài sản ở nước này”, chiến lược gia Alex Loo của công ty TD Securities nhận định và dự báo đồng yên tăng giá lên mức 140 yên đổi 1 USD trong quý 1/2025.

Ngân hàng OCBC cho rằng mức tỷ giá phù hợp của yên là 136 yên đổi 1 USD - theo chiến lược gia ngoại hối Christopher Wong.

Trưởng chiến lược tiền tệ Charu Chanana của công ty Saxo Markets nhận định vẫn còn dư địa để đồng yên phục hồi tới mức dưới 145 yên đổi 1 USD trong năm nay, nhất là khi mức độ biến động tăng lên và giới đầu cơ đóng bớt vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade).

“Fed được cho là sắp giảm lãi suất và BOJ có thể tăng lãi suất lên 0,75% vào năm tới”, trưởng chiến lược tiền tệ và lãi suất Nhật Bản của công ty BofA Securities Japan, ông Shusuke Yamada, phát biểu. Ông dự báo đồng yên sẽ phục hồi tới vùng trên 140 yên đổi 1 USD.

Chiến lược gia Sebastian Boyd của công ty MLIV phát biểu: “Đồng yên vẫn đang rẻ so với giá trị thực nếu như yếu tố duy nhất gây áp lực lên đồng tiền này là kỳ vọng về lãi suất ở Mỹ và Nhật Bản. Yên vẫn còn nhiều dư địa để tăng từ mức hiện tại, và mô hình dự báo cho thấy đồng tiền này sẽ còn mạnh lên nhiều”.

Chiến lược gia Gareth Berry của Macquarie dự báo yên sẽ tiếp tục tăng giá vì giao dịch carry-trade, một nguồn áp lực khiến yên bị bán tháo, đang giảm sức hấp dẫn.

“Theo thời gian, chu kỳ nới lỏng sắp tới của Fed sẽ xói mòn động cơ bán khống đồng yên”, ông Berry viết trong một báo cáo.

Yên đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền chủ chốt trong tháng 7, sau khi rớt xuống đáy 38 năm so với đồng USD vào đầu tháng. Các quỹ phòng hộ đã góp một phần quan trọng vào sự phục hồi của yên bằng cách tháo chạy khỏi hoạt đồng bán yên để mua những đồng tiền mang lại lợi tức cao hơn như đồng peso của Mexico.

Về cơ bản, kỳ vọng của thị trường hiện tại là chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác sẽ tiếp tục thu hẹp. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với một loạt rủi ro, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đường đi chính sách tiền tệ của BOJ và Fed.

Lãi suất cơ bản của Nhật, hiện ở mức 0,25%, vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất ở Mỹ, hiện ở mức 5,25-5,5%. Thị trường đang đặt cược Fed giảm lãi suất ít nhất 2 lần trong năm nay, với lần đầu tiên vào tháng 9.

Không phải chuyên gia nào cũng lạc quan về triển vọng tăng giá của yên. Trước cuộc họp vừa rồi của BOJ, một số cho rằng ngay cả khi BOJ tăng lãi suất, yên vẫn có thể là một đồng tiền được ưa chuộng trong giao dịch carry-trade. Một báo cáo của công ty Abrdn dự báo yên có thể giảm giá trở lại mức 155 yên đổi 1 USD một khi biến động trên thị trường giảm xuống.

“Đồng yên tăng giá kéo dài là điều khó có thể xảy ra, trừ phi kinh tế Mỹ suy thoái hoặc Fed mềm mỏng hơn dự báo. Khả năng tăng giá của yên đang yếu đi”, Giám đốc đầu tư David Zhou của Abrdn nhận định.

“Nếu lãi suất thực của Nhật vẫn âm sâu và chưa chuyển sang trạng thái dương, tôi cho rằng rất khó để yên tăng giá, kể cả trong trung hạn hay dài hạn”, ông Zhou nói.

Dù vậy, đối với nhiều chuyên gia, quyết định tăng lãi suất ngày 31/7 của BOJ, sau đợt tăng đầu tiên vào tháng 3, đã thay đổi bức tranh đối với đồng yên.

“BOJ đã nói là sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu dự báo kinh tế của họ trở thành hiện thực. Đây là một sự thay đổi theo chiều hướng cứng rắn so với tuyên bố hồi tháng 3”, chiến lược gia Carol Kong của Commonwealth Bank of Australia viết trong một báo cáo, dự báo từ nay đến quý 4/2025 yên sẽ tăng lên mức 145 yên đổi 1 USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate