Tại Trung Quốc, ngày Quốc tế Phụ nữ đã trở thành một sự kiện bán hàng trực tuyến lớn cho các nền tảng bán lẻ hàng đầu, bao gồm Taobao, JD.com và trên hết là Douyin, nền tảng đã và đang bành trướng sức mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử những năm gần đây.
Theo dữ liệu của Douyin, tổng khối lượng hàng hóa dành cho các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da đã tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm cả sự gia tăng đáng chú ý về lượng mua hàng của nam giới. Trong đó, số lượng mua bộ trang điểm và kem che khuyết điểm dành cho nam giới đã tăng vọt trong đợt giảm giá năm nay, tăng lần lượt hơn 27 lần và 22 lần so với năm 2023.
Euromonitor, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, đã dự đoán rằng thị trường sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm là 15,88% từ năm 2021 đến năm 2026. Quy mô thị trường ước tính đạt 20,7 tỷ NDT (hon 71 nghìn tỷ VNĐ) vào năm 2026.
Để đáp ứng xu hướng này, thương hiệu làm đẹp Estée Lauder của Mỹ đã nói với Sixth Tone hôm 12/3 rằng họ đã khai trương một trung tâm nghiên cứu dành riêng cho việc chăm sóc da dành của nam giới vào tháng 3/2023. Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng các sản phẩm của mình bao gồm mỹ phẩm và nước hoa dành cho nam giới.
Trước đó, các nhà sản xuất và bán lẻ mỹ phẩm Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cho biết đang tăng cường các dòng sản phẩm mỹ phẩm dành cho nam giới khi phân khúc này nổi lên như một thị trường tiềm năng mà tương đối ít đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, nếu trước đây các công ty làm đẹp chỉ có các mặt hàng tổng hợp dành cho nam giới thì giờ đây họ đã có nhiều sản phẩm làm đẹp khác nhau như nước cân bằng da (toner), son dưỡng màu và dưỡng tóc đặc biệt dành khách hàng phái mạnh.
Tuy nhiên, một xu hướng khác mới nổi lên cũng khiến các thương hiệu mỹ phẩm phải cân nhắc. Mỹ phẩm nội địa đã và đang trở thành mặt hàng được ưu tiên lựa chọn trong thói quen làm đẹp hằng ngày của rất nhiều người Trung Quốc. Jia Yaxin - sinh viên đại học 21 tuổi ở Bắc Kinh - cho biết: “Đối với sinh viên và khách hàng trẻ mới gia nhập lực lượng lao động, các thương hiệu làm đẹp trong nước cung cấp các sản phẩm vừa có chất lượng tốt vừa có giá cả hợp lý”.
Thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor cho thấy các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc (C-beauty) đã chứng kiến doanh số tăng 51% trong giai đoạn 2017 - 2022, vượt xa mức tăng trưởng 42% của thị trường chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm nói chung trong cùng kỳ.
Trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu mỹ phẩm, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ các quốc gia nổi tiếng đang có dấu hiệu giảm dần. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2023, tỉ lệ nhập khẩu từ Pháp giảm 6,2%, từ Hàn Quốc giảm 22,2% và từ Mỹ giảm 19,8%. Tổng lượng mỹ phẩm nhập khẩu giảm 13,7%...
Là thị trường mỹ phẩm đứng thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ, Trung Quốc mang đến tiềm năng tăng trưởng to lớn cho các thương hiệu làm đẹp trong nước. Ngoài ra, không thể phủ nhận, ngành công nghiệp mỹ phẩm của Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử. Bởi lẽ, trước khi mua một món mỹ phẩm, người trẻ Trung Quốc thường tìm xem đánh giá từ một người nổi tiếng trên Douyin, sau đó tìm đến mạng xã hội Xiaohongshu để xem đánh giá từ các blogger làm đẹp, rồi mới tiến hành mua trên Taobao…
Trên thị trường quốc tế, các thương hiệu làm đẹp của Trung Quốc cũng ngày càng được ưa chuộng. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân của Trung Quốc đạt 3,03 tỉ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ chỉ trong nửa đầu năm 2023.
Nhiều thương hiệu nội địa chỉ bắt đầu bằng hình thức tiếp thị và bán hàng qua mạng xã hội đã nhanh chóng mở rộng thị trường ra toàn cầu. Điển hình là Florasis. Thương hiệu này chính thức mở cửa hàng trên Amazon và một số sản phẩm đã bán hết ngay khi vừa ra mắt. Thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Florasis đã tiếp cận người tiêu dùng ở hơn 100 quốc gia và khu vực.
Wang Maochun, Phó giám đốc Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu thuốc và sản phẩm y tế Trung Quốc, tự hào rằng các công ty mỹ phẩm Trung Quốc dựa vào sự tích lũy lâu dài và chủ động đổi mới đã bắt đầu tỏa sáng: “Họ có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, dần dần giành được sự ưu ái của người tiêu dùng và mở rộng thị phần”. McKinsey dự báo, Trung Quốc sẽ chiếm 1/6 doanh số bán lẻ mỹ phẩm toàn cầu trong vòng vài năm tới.
Đó là chưa kể, mua sắm trực tuyến trực tiếp từ nhà máy dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc nhờ tiết kiệm hơn, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ. Thực tế, dịch vụ mua sắm trực tiếp từ nhà máy mang tên 1688 lại là dịch vụ lâu đời nhất của Alibaba. Xiaohongshu – đối thủ của Instagram tại Trung Quốc – chứa đầy đánh giá về các nhà máy và sản phẩm trên 1688. Nó thậm chí còn liệt kê các công ty sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, nhấn mạnh sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao với giá thấp.
Do đó, những thương hiệu quốc tế muốn giá nhập thị trường tỷ dân “béo bở” thường chọn phương thức hợp tác với các thương hiệu, người nổi tiếng địa phương thay vì cạnh tranh trực tiếp. Shiseido và To Summer - một thương hiệu nội địa - đã kết hợp ra mắt mùi hương và đá khuếch tán hương nhằm thâm nhập thị trường nước hoa Trung Quốc. Sau thương vụ với Shushu/Tong, vào tháng 4/2023, Estée Lauder cũng tiếp tục hợp tác với Feng Chen Wang - nhà thiết kế nổi tiếng tại Trung Quốc - thiết kế bao bì cho sản phẩm makeup.
Trước đó, L’Oréal cũng đầu tư vào nhà tạo hương cao cấp Documents và quỹ Shanghai Meicifang nhằm tăng sự hiện diện tại các ngách thị trường nơi thương hiệu nội địa đang chiếm ưu thế. Sephora thì đẩy mạnh xâm chiếm thị phần với hơn 200 cửa hàng tính đến tháng 6/2023, cùng thương hiệu nội địa truyền thông trên các nền tảng WeChat và Douyin, cũng như hợp tác với JD.com hiện thực hóa tham vọng chiếm lĩnh và vươn lên dẫn đầu thị trường làm đẹp Trung Quốc.