October 10, 2024 | 07:41 GMT+7

Xu hướng tìm kiếm quý 3/2024 tại Việt Nam: Bão Yagi, “bão” sao kê, iPhone 16… “chiếm sóng”

Nam Anh -

Trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý 3/2024, ghi nhận những biến động trong hành vi tìm kiếm của người dùng Việt trong 3 tháng qua…

Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý 3/2024 của Trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.
Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý 3/2024 của Trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.

Báo cáo cho biết, quý 3/2024, sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất chính là bão Yagi – cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Người dùng Cốc Cốc đã đổ xô tìm kiếm các thông tin về bão và những thiệt hại do thiên tai gây ra, với từ khóa “bão Yagi” và “bão số 3” dẫn đầu xu hướng.

Bên cạnh đó, những hậu quả của bão lũ, như sập cầu Phong Châu và các đợt lũ quét, sạt lở cũng được người dùng đặc biệt quan tâm. Các hoạt động cứu trợ và minh bạch tài chính liên quan đến bão lũ cũng thu hút sự chú ý lớn, với lượng tìm kiếm từ khóa “sao kê Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tăng đột biến gấp 190,7 lần so với quý trước.

Xu hướng tìm kiếm quý 3/2024 tại Việt Nam: Bão Yagi, “bão” sao kê, iPhone 16… “chiếm sóng” - Ảnh 1

Ở mục “Sự kiện-nhân vật”, thông tin về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được người dùng quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất. Từ khóa “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần” được tìm kiếm liên tục trong nhiều ngày trước, trong thời gian quốc tang và sau đó, thể hiện lòng tiếc thương và sự kính trọng của người dân đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với các sự kiện chính trị trong nước, các nhân vật quốc tế như Donald Trump cũng lọt top tìm kiếm khi ông tiếp tục là tâm điểm của truyền thông với các sự kiện liên quan đến chính trị Mỹ và những tranh luận trong quá trình tranh cử.

Trong lĩnh vực công nghệ, iPhone 16 ra mắt cuối tháng 9/2024 thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Dù được đánh giá là không có nhiều đột phá, lượng tìm kiếm về sản phẩm này vẫn tăng gấp 3,22 lần so với quý trước. Tuy nhiên, sức nóng của iPhone 16 có phần “thua” iPhone 15 ra mắt năm ngoái.

Xu hướng tìm kiếm quý 3/2024 tại Việt Nam: Bão Yagi, “bão” sao kê, iPhone 16… “chiếm sóng” - Ảnh 2

Lượng tìm kiếm của từ khoá “xác thực sinh trắc học” đã tăng trưởng lên đến 19,91 lần so với quý trước, cho thấy người dùng đã chủ động tìm kiếm hướng dẫn về cách xác thực sinh trắc học với tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, thông tin Việt Nam sẽ chính thức tắt sóng 2G kể từ ngày 15/10/2024 cũng được người dùng tìm kiếm nhiều, khi từ khoá “tắt sóng 2g” đã tăng trưởng 4,62 lần về lượng tìm kiếm so với quý trước.

Báo cáo xu hướng tìm kiếm của Cốc Cốc cũng cho biết trong quý 3, người dùng quan tâm đến một số từ lóng với cụm từ “check VAR” với mức tăng 8,43 lần. Vốn xuất phát từ bóng đá, “check VAR” giờ đây được cộng đồng mạng sử dụng rộng rãi để ám chỉ việc kiểm tra, xác minh độ chính xác của thông tin, nhất là sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê số tiền của cá nhân, tổ chức ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ. Ngoài ra, cụm từ “phông bạt” chỉ những người thích khoe mẽ, phóng đại sự thật cũng nhận được tìm kiếm tăng đáng kể với mức tăng 3,47 lần.

Cụm từ tìm kiếm thịnh hành trong lĩnh vực công nghệ.
Cụm từ tìm kiếm thịnh hành trong lĩnh vực công nghệ.

Đối với lĩnh vực giải trí, các chương trình truyền hình thực tế như “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” thu hút sự tìm kiếm. Lĩnh vực thể thao, từ khóa về bộ môn Pickleball chứng kiến sự gia tăng tìm kiếm gấp 4,26 lần; các sự kiện thể thao Euro 2024 và Copa America có lượng tìm kiếm tăng lần lượt 8,94 lần và 58,13 lần.

Lĩnh vực du lịch, người dùng Cốc Cốc tìm kiếm nhiều hơn về các điểm du lịch miền Bắc, với “rừng quốc gia Cúc Phương” và “Mù Căng Chải”. Đặc biệt, lượng tìm kiếm về vé máy bay quốc tế cũng tăng mạnh, với từ khóa “vé máy bay đi Mỹ” và “vé máy bay đi Bali” dẫn đầu xu hướng.

Lĩnh vực ẩm thực nổi lên các từ khóa về “bánh trung thu” và “cốm Hà Nội”…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate