Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 8/1, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều thị trường bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, các Tập đoàn, Tổng công ty đã hực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
"Năm 2022 sẽ xử lý quyết liệt với các dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả. Cùng đó tiếp tục rà soát, phát hiện các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả khác"
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể, về sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu ước đạt 816.015 tỷ đồng (bằng 107% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng. Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020…
XỬ LÝ DỨT ĐIỂM DỰ ÁN THUA LỖ, ĐẦU TƯ KHÔNG HIỆU QUẢ
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2021 Ủy ban đã tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Trong đó thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp ngành công thương.
Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với các Thành viên ban Chỉ đạo tổng hợp, đánh giá, phân tích và tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý với giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp đối với 5/12 dự án, doanh nghiệp để giao các tập đoàn, tổng công ty chủ động thực hiện và đề ra định hướng xử lý tiếp tục đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại. “Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiếu tối đa thiệt hại cho Nhà nước”, theo ông Hoàng Anh.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết, năm 2022 sẽ xử lý quyết liệt với các dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả. Cùng đó tiếp tục rà soát, phát hiện các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả khác.
Ông Hoàng Anh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo nguyên tắc thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước…
YÊU CẦU TIẾP TỤC ĐẨY NHANH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
2021 cũng là năm bận rộn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về ông tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Cụ thể, Ủy ban đã chỉ đạo 4 tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2, phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3, quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Đồng thời chỉ đạo việc tái cơ cấu, tăng, giảm, chuyển nhượng vốn đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty thành viên; hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam; thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Ủy ban cũng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tái cơ cấu theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (năm 2021 tiếp nhận 3 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước là 219 tỷ đồng; bán vốn tại 3 doanh nghiệp với tổng doanh thu là 1.267 tỷ đồng (giá trị vốn nhà nước là 443 tỷ đồng).
Hay ban hành quyết định sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam. Chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị số sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần).
Tại lễ tổng kết, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục, nhất là về kiện toàn mô hình tổ chức, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành…
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ đạo Ủy ban cũng cần khẩn trương hoàn thành chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền. Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.