Tâm điểm của thị trường tuần qua là diễn biến thủng MA200 trong phiên đầu tuần nhưng ngay sau đó hiệu ứng từ “phiên bầu cử Mỹ” đã giúp thị trường phục hồi và VN-Index tăng mạnh trở lại. Dù vậy hiệu ứng này kết thúc rất nhanh và nguy cơ thị trường điều chỉnh tiếp lại xuất hiện.
Hoạt động đầu cơ ngắn hạn cho thấy phản ứng khá nhạy của các nhà đầu tư. Biến động giá diễn ra nhanh và khá mạnh khi ngay phiên T+2 hoặc T+3 đã có sự thay đổi lớn. Điều này tạo những diễn biến nhiễu về dòng tiền khi thị trường cố gắng chiết khấu các cơ hội, rủi ro về tương lai chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Đánh giá về những thay đổi sớm này, các chuyên gia cũng không đồng nhất. Có ý kiến cho rằng dòng tiền thực sự đang âm thầm dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu hưởng lợi tới đây. Ý kiến khác lại cho rằng đây chỉ những giao dịch mang tính cơ hội vì những cổ phiếu tăng mạnh trong ngày 6/11 đã nhanh chóng điều chỉnh cuối tuần.
Dù có quan điểm không thống nhất về khả năng thị trường tạo vùng đáy quanh mức 1240 điểm nhưng các chuyên gia đều duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp. Các giao dịch ngắn hạn tuần qua đều nhỏ và kết thúc nhanh trong khi việc mua tích lũy dài hạn cũng rất thận trọng.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường trải qua một tuần đầy ắp sự kiện, từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến cuộc họp của FED. Phản ứng của nhà đầu tư khá tích cực trong ngày 6/11 nhưng sau đó đã suy yếu đáng kể trong 2 phiên cuối tuần. Dù vậy VN-Index vẫn đã quay lại vùng tích lũy cuối tháng 10 và loanh quanh ngưỡng 1250 điểm. Liệu thị trường có khả năng đã tạo đáy quanh mức 1240 điểm hồi đầu tuần?
Các nhà đầu tư vẫn cần chờ đợi đến khi các chính sách đối ngoại của ông Trump được thông qua để có đánh giá chính xác hơn. Tôi tin rằng các dòng tiền lớn sớm gia nhập thị trường khi các sự không chắc chắn dần được tháo bỏ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Theo tôi xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang nghiêng về trạng thái điều chỉnh. Các phiên tăng điểm, hồi phục với biên độ hẹp và thanh khoản dè đặt, trong khi đó các phiên giảm điểm phản ánh cường độ quyết liệt hơn. Do vậy nguy cơ chỉ số tiếp tục thủng 1240 điểm và lùi xuống các vùng hỗ trợ xa vẫn đang được để ngỏ.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi đánh giá thị trường đã tạo đáy khu vực 1240 – 1245 điểm và hồi phục dần về vùng 1260 – 1270 – 1280 điểm trong 1 – 2 tuần tiếp theo của tháng 11. Chúng ta đừng quên là thị trường cũng đã tạo đáy điều chỉnh sâu nhất ở giữa tháng 11 năm ngoái trước khi ghi nhận 4 tháng tăng điểm liên tiếp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Thị trường có một tuần khá biến động: Diễn biến đầu tuần giảm mạnh thủng MA200, rồi hồi phục trở lại ngưỡng này khi hưởng ứng phiên bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm lại khi nhận thấy rủi ro về tỷ giá vẫn còn đó & DXY vẫn còn duy trì xu hướng tăng.
Với tín hiệu chịu áp lực bán gia tăng trở lại trong hai phiên cuối tuần, tôi cho rằng thị trường đã kết thúc nhịp hồi ngắn, đáy quanh 1240 điểm có ít khả năng sẽ giữ được. Tuy vậy, chỉ số VN30-Index đang gần vùng hỗ trợ 1280-1300 (MA200), tương ứng vùng 1220-1236 trên VN-Index, nên đà giảm thêm trong ngắn hạn có thể không quá nhiều. Tôi kỳ vọng về vùng này thị trường sẽ lại có nhịp hồi phục.
Ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt
Tương đồng với diễn biến thị trường thế giới, nhà đầu tư đã phản ứng tích cực trong phiên 6/11 sau thông tin ông Trump thắng cử dần được xác định. Tuy nhiên thị trường đã dừng bước và suy yếu trong 2 phiên tiếp theo, diễn biến này phần lớn do tác động bán ròng mạnh của khối ngoại và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau nhịp hồi phục nhanh về vùng cản 1.265 ‐ 1.270 điểm.
Hiện tại, thị trường đã lùi về vùng MA(200) và cũng gần vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và hồi phục trở lại nhờ tác động hỗ trợ của phiên 6/11. Tuy nhiên, động thái này chỉ mang tính chất ngắn hạn và chưa đủ cơ sở để nhận định thị trường đã tạo đáy. Nguyên nhân do trạng thái xáo trộn đáng kể trên thị trường với sức ép từ nhóm vốn hóa lớn trước làn sóng bán ròng của khối ngoại và dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở một số cổ phiếu có câu chuyện.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Dưới quan điểm của tôi thì VN-Index chưa tạo đáy quanh mức 1240 điểm. Ngày 6/11 tuy thị trường hưng phấn nhưng điểm số tăng chưa quá mạnh cũng như thanh khoản ở mức thấp dưới trung bình 20 phiên; 2 phiên sau đó thị trường lại tiếp tục chịu áp lực và điều chỉnh lại.
Về kỹ thuật hiện VN-Index có lần thứ 2 đóng cửa dưới ngưỡng MA200 ngày; thanh khoản các phiên giảm tiếp tục mạnh hơn các phiên xanh. Các đường MA20, 50, 100 tiếp tục hướng xuống và xu hướng MA20 cắt xuống MA100 có thể diễn ra vào tuần sau. Từ những dữ liệu tôi đánh giá tuần sau VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh tiếp.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Các thị trường tài sản đang cố gắng phân tích điểm lợi và bất lợi từ sự kiện ông Donald Trump thắng cử dẫn đến những biến động mạnh từ vàng tới dầu, năng lượng tái tạo hay xe hơi, tiền số… Một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu tại Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp cũng đã có phản ứng rất mạnh. Theo anh chị đó chỉ là những biến động mang tính cơ hội của “Trump trade” hay thực sự có tín hiệu dịch chuyển dòng tiền?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn “cạn” thanh khoản. Trong bối cảnh nước ngoài liên tục bán ròng và các nhóm ngành trụ cột vẫn tiếp tục điều chỉnh, dòng tiền thông minh sẽ có xu hướng tìm đến các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có câu chuyện riêng. Điển hình là trong những phiên gần đây là các nhóm như bất động sản khu công nghiêp, cảng biển, công nghệ và các nhóm liên quan đến xuất khẩu như cá tra, dệt may có diễn biến tăng tốt kèm khối lượng cải thiện.
Mặc dù các nhóm ngành này có khả năng sẽ tiếp tục có nhịp tăng ngắn trong thời gian tới, nhưng tôi cho rằng nhịp tăng này chỉ mang tính chất kỳ vọng và sẽ sớm cân bằng trở lại. Còn về triển vọng dài hạn, các nhà đầu tư vẫn cần chờ đợi đến khi các chính sách đối ngoại của ông Trump được thông qua để có đánh giá chính xác hơn. Tôi tin rằng các dòng tiền lớn sớm gia nhập thị trường khi các sự không chắc chắn dần được tháo bỏ.
Ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường Chứng khoán thế giới cũng như thị trường hàng hóa, tiền số ... đang có những biến động bất thường sau khi ông Trump thắng cử. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những xáo trộn này đang mang tính chất ngắn hạn khi các nhà đầu tư đang điều chỉnh cơ cấu tài sản để ứng phó trước thời kỳ mới. Một số cổ phiếu Việt Nam có biến động tăng tốt như nhóm Khu công nghiệp và nhóm Công nghệ, tôi nghĩ đó là những phản ứng theo quan điểm “Trump trade” và mang tính chất ngắn hạn.
Khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua, đồng thời vẫn đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Tôi cho rằng diễn biến này bị thúc đẩy do lo ngại những chính sách của ông Trump sẽ gây bất lợi và thu hút dòng USD về Mỹ.
Ông Nguyễn Huy Phương
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi kết quả bầu cử của Mỹ không bất ngờ - Nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ bắt đầu từ 20/1/2025, những nhóm ngành có thể xuất hiện tác động cả chiều tích cực và tiêu cực bao gồm nhóm dệt may, thủy sản, Sản xuất gỗ, thép, dầu khí, công nghệ, bất động sản Khu công nghiệp. Những nhóm ngành có thể hưởng lợi là nhóm cảng biển – vật tải biển – bất động sản khu công nghiệp – công nghệ viễn thông. Trên thị trường đã có tín hiệu dịch chuyển của dòng tiền.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Bối cảnh chung của toàn thị trường đang thiếu vắng nhiều yếu tố hỗ trợ, các cơ hội đầu tư tương đối phân mảnh và hầu hết các nhà đầu tư đang duy trì tâm lý thận trọng trong thời điểm này. Do đó, chỉ cần có thông tin mang tính cơ hội cao dòng tiền đầu cơ sẽ hoạt động tích cực trở lại, mặc dù mức độ ảnh hưởng trên thực tế còn đang đặt dấu hỏi.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Nhóm cổ phiếu Bất động sản khu công nghiệp phản ứng rất mạnh trước thông tin ông Trump đắc cử nhưng theo tôi đây chỉ là những biến động ngắn hạn mang tính cơ hội. Chúng ta có thể thấy các mã chỉ duy trì động lực được 1-2 phiên và sau đó đều bị bán ngược lại. Nếu dòng tiền dịch chuyển sang dòng bất động sản khu công nghiệp có lẽ mức độ tăng phải tốt hơn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Một hiệu ứng bất lợi nhìn thấy rất sớm từ sự kiện bầu cử Mỹ là đồng USD tăng giá bất chấp việc FED đang trong lộ trình cắt giảm lãi suất và kỳ họp tuần qua cũng giảm 0,25% nữa. Thậm chí đang có những lo ngại chính sách thuế quan của ông Trump có thể khiến lạm phát tăng và FED sẽ phải thay đổi mức độ cắt giảm lãi suất tới đây. Trong nước tỷ giá đã tăng trở lại và duy trì mức cao, khối ngoại quay lại đà bán ròng lớn. Anh chị đánh giá rủi ro tỷ giá này như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt
Khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua, đồng thời vẫn đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Tôi cho rằng diễn biến này bị thúc đẩy do lo ngại những chính sách của ông Trump sẽ gây bất lợi và thu hút dòng USD về Mỹ. Do vậy, tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực ở mức cao trong thời gian tới, điều này sẽ gây khó khăn và thách thức cho Ngân hàng Nhà nước, đồng thời làm giảm dư địa kích thích nền kinh tế.
Tôi nghĩ biến động tỷ giá vẫn là mối lo đối với nhà đầu tư nhưng không phải là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc quản lý danh mục đầu tư. Đây cũng không phải là nguyên nhân cản trở việc mua và nắm giữ các cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí đầu tư.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Có nhiều nhận định từ các chuyên gia, tổ chức tài chính cho rằng việc tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump có thể đem đến nhiều tác động lên giao thương giữa các nền kinh tế, đồng thời chỉ số DXY sẽ có xu hướng mạnh lên. Điều này có thể đến từ một số lý do:
i) Chính sách kinh tế: Ông Trump đã hứa sẽ tiếp tục hoặc mở rộng các chính sách cắt giảm thuế và giảm quy định, điều này được các nhà đầu tư coi là có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất nói riêng và cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ nói chung.
ii) Lạm phát và lãi suất: Các chính sách thuế và thuế quan của ông Trump tập trung vào các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể làm tăng giá cả hàng hóa nhập khẩu, gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát, dẫn đến kỳ vọng về việc tăng lãi suất, điều này cũng hỗ trợ cho đồng USD.
Nhìn chung trong ngắn hạn, rủi ro tỷ giá có thể được hạ nhiệt nhờ lượng ngoại tệ dồi dào đổ về Việt Nam đến từ FDI, kiều hối, và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, về dài hạn các chính sách kinh tế của Trump có thể khiến cho diễn biến tỷ giá trở nên khó lường hơn, khi đó đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có những chính sách điều hành kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Việc ông Trump quay trở lại vị trí Tổng thống Mỹ lần thứ 2 mang đến những rủi ro về mặt lạm phát, và điều này dễ nhận thấy khi trong cuộc họp ngày 7/11 Fed đã loại bỏ cụm từ “ đang gia tăng niềm tin” về việc lạm phát đạt mục tiêu 2%. Thị trường cũng đang đặt cược mức giảm lãi suất thấp hơn của Fed trong năm 2025 so với trước đó.
Tuy nhiên, tôi cho rằng yếu tố bầu cử của Mỹ chỉ mang tính chất trong ngắn hạn và thị trường vẫn sẽ tập trung vào nền kinh tế và lạm phát của Mỹ. Thực tế là lạm phát của Mỹ đã và đang giảm dần về mức mục tiêu, nền kinh tế Mỹ đã có phần chậm lại và khối nợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ vẫn đang hiện hữu ở đó. Do đó, Fed sẽ phải tiếp tục theo đuổi xu hướng cắt giảm lãi suất của mình trong phần còn lại của năm nay và năm 2025. Đây sẽ là yếu tố chính hạ nhiệt DXY.
Đối với vấn đề trong nước, lãi suất USD giảm do Fed hạ lãi suất và Ngân hàng nhà nước quyết liệt hơn trong việc kiểm soát thanh khoản VND trên thị trường đã giúp thu hẹp lãi suất swap, qua đó làm giảm sự nhạy cảm của tỷ giá USD/VND khi xuất hiện các nguồn “outflow”. Giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm tôi kỳ vọng tốt hơn về các nguồn “inflow” từ xuất nhập khẩu, FDI và đặc biệt là kiều hối. Do đó, tôi cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Hiện tại nếu chỉ số DXY chưa vượt ngưỡng 107.35 thì vẫn nằm trong giai đoạn sideway nên chưa phải lo lắng quá. Nhưng trong ngắn hạn việc DXY tăng cũng như khối ngoại bán ròng mạnh sẽ tạo áp lực lên thị trường chứng khoán nhất là giai đoạn hiện tại tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Giai đoạn cuối năm thường là giai đoạn luôn có biến động về tỷ giá đặc biệt là trùng với thời điểm các ngân hàng trung ương đưa ra các chính sách điều chỉnh. FED mới hạ lãi suất 0,25% ở kỳ họp tháng 11 và vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất 0,25% nữa ở tuần 3 tháng 12. Ngân hàng nhà nước vẫn sẽ can thiệp thông qua nghiệp vụ OMO hoặc tín phiếu để điều tiết. Tôi nghĩ biến động tỷ giá vẫn là mối lo đối với nhà đầu tư nhưng không phải là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc quản lý danh mục đầu tư. Đây cũng không phải là nguyên nhân cản trở việc mua và nắm giữ các cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí đầu tư.
Trong ngắn hạn, rủi ro tỷ giá có thể được hạ nhiệt nhờ lượng ngoại tệ dồi dào đổ về Việt Nam đến từ FDI, kiều hối, và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, về dài hạn các chính sách kinh tế của Trump có thể khiến cho diễn biến tỷ giá trở nên khó lường hơn.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản trong tuần phục hồi từ đáy 1240 điểm là rất kém dù phiên tăng ngày 6/11 khá hưng phấn. Anh chị đã xuống tiền chưa, tỷ trọng cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Tôi đã trải lệnh giải ngân một phần tỷ trọng nhỏ cho trading, tập trung ở một số nhóm cổ phiếu đã điều chỉnh sâu. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật thì VN-Index vẫn cho xác suất điều chỉnh sâu hơn, do đó, tỷ trọng cổ phiếu của tôi vẫn quanh mức 50% và chỉ mua vào mạnh hơn khi chỉ số lùi về 1230 điểm hoặc quanh 1200 điểm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi có tham gia mua thăm dò một ít khi thị trường có tín hiệu giành lại đường MA200, tuy nhiên sau 2 phiên giảm trở lại với áp lực bán gia tăng thì tôi nhận định khả năng nhịp giảm còn tiếp diễn nên đã tạm dừng để quan sát thêm, hiện. Tỷ trọng cổ phiếu chỉ còn ở mức thấp.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Giai đoạn này vẫn nên là thời điểm nắm giữ cổ phiếu ở một tỷ trọng phù hợp. Việc nắm giữ 30 – 50 hoặc 70% cổ phiếu có kiểm soát tổng tài sản của mỗi danh mục. Việc lựa chọn cổ phiếu nắm giữ hoặc mua mới sẽ khá quan trọng. Tôi nghĩ vẫn nên đặt niềm tin vào thị trường và đợi chờ sự phục hồi của thị trường giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Huy Phương - Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích, Chứng khoán Rồng Việt
Theo quan điểm cá nhân, thị trường có động thái hồi phục khá nhanh trong phiên 6/11 mà chưa có tín hiệu tích lũy tốt của dòng tiền. Chính vì thế đợt tăng này không bền vững và có yếu tố đầu cơ ngắn hạn. Điều nay cũng thể hiện khá rõ nét trên thị trường: những cổ phiếu vốn hóa lớn, có kỳ vọng tốt trong thời gian trước, có sức bật kém và chịu áp lực bán khá lớn, trong khi diễn biến tăng giá chỉ nằm ở một số cổ phiếu nhất định.
Với quan điểm như vậy, bản thân tôi vẫn khá thận trọng về thị trường và luôn tích trữ lượng tiền mặt trong tài khoản. Tuy nhiên, trong các phiên vừa qua, tôi cũng có giải ngân ngắn hạn tại một số cổ phiếu để tận dụng dòng tiền đầu cơ như nhóm Khu công nghiệp, nhóm Công nghệ, nhóm Bất động sản dân dụng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Từ tuần trước tôi đã đánh giá vùng 1240 điểm sẽ không phải là vùng có nảy hồi kỹ thuật tốt nên giai đoạn hiện tại tôi vẫn duy trì tỷ trọng 30% cổ phiếu – 70% tiền mặt. Nếu VN-Index tuần sau có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh và phản ứng tốt tôi sẽ gia tăng tỷ trọng cổ phiếu dần lên mức 100% cổ phiếu chưa sử dụng margin.