Đà tăng mạnh mẽ 2 tuần liên tiếp đã chững lại một chút khi cuối tuần qua VN-Index chạm tới ngưỡng 1300 điểm. Điểm nhấn thanh khoản tăng cao một mặt tạo sự hào hứng về dòng tiền quay lại, mặt khác khiến các nhà đầu tư lo ngại về một nhịp phân phối đỉnh lần nữa.
Liên tiếp 3 phiên cuối tuần trước thanh khoản khớp lệnh HoSE và HXN đạt trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng, là một mức tăng trưởng đột phá so với trung bình chỉ 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên kéo dài nhiều tuần trước đó. Tuy vậy mức thanh khoản này lại đi cùng diễn biến thất bại tới hai lần trong việc đột phá đỉnh. Điều này tạo sự phân hóa đáng kể trong quan điểm đánh giá thị trường hiện tại.
Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn cũng có sự khác biệt, dù quan điểm tích cực vẫn chiếm ưu thế. Nhiều ý kiến hơn cho rằng sự chững lại 2 ngày cuối tuần qua không phải là một tín hiệu xấu của hoạt động phân phối mà chỉ là nhịp dừng nghỉ hoặc lùi lại tích lũy lấy đà. Do thị trường đã có tới 4 lần thử thách ngưỡng 1300 điểm và thất bại nên sự thận trọng trong lần thứ 5 là bình thường. Một lượng lớn cổ phiếu mắc kẹt trong vùng này sẽ phải được giải phóng nên thị trường cần thời gian để hấp thụ. Quan điểm thận trọng hơn nghiêng về khả năng thị trường đã kết thúc sóng tăng, dù vẫn phải chờ thêm vài phiên nữa để có tín hiệu rõ hơn.
Phù hợp với quan điểm đánh giá rủi ro này, các chuyên gia thực hiện giao dịch khác nhau và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu khác nhau. Tuy vậy không có chuyên gia nào bán hết cổ phiếu, trái lại vẫn coi nhịp điều chỉnh nếu xuất hiện là cơ hội để cơ cấu lại danh mục cho mùa báo cáo tài chính quý 3 và những tháng cuối năm.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index tuần qua đã lần thứ 5 kiểm định vùng đỉnh 1300 điểm. Có ý kiến cho rằng nhịp tăng này chỉ là hiệu ứng kéo NAV quý 3. Thị trường khá vất vả và chỉ số vẫn chưa đột phá được, thậm chí còn lao dốc ngày cuối tuần trong khi thanh khoản đã tăng mạnh. Anh chị có thất vọng không? Đây là diễn biến lùi lại tích lũy lấy đà hay nhịp phân phối?
Tôi cho rằng đây chỉ là diễn biến rung lắc thông thường khi chỉ số tăng nhanh về ngưỡng tâm lý sẽ gặp áp lực bán chốt lời. Việc dòng tiền lớn đang vào nhóm Ngân hàng là tín hiệu khá tích cực để kỳ vọng xu hướng tăng hiện tại có thể còn tiếp diễn và vượt được 1300 điểm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Thị trường đã đi đúng kịch bản tôi dự báo trong những tuần báo trước đó, VN-Index sẽ có nhịp sóng đẩy 5 trên khung 1h tiến sát về vùng quanh 1300 điểm. Với những diễn biến hiện tại khung 1h hiện tại đã đi hết sóng tăng 5 và sẽ bước vào nhịp điều chỉnh còn nến ngày hiện đang liên tục tạo nến “rút râu” với thanh khoản lớn. Tôi đánh giá khả năng cao thị trường đang trong nhịp phân phối.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Đây là lần thứ 5 VN-Index kiểm định lại vùng đỉnh quanh 130x điểm. Có những luồng ý kiến lo ngại về nhịp vượt cản thất bại tiếp theo của chỉ số, và đây không phải là những lo ngại không có căn cứ khi nhiều nhà đầu tư trước đó đã thất bại trong việc đặt cược cho sự bứt phá mạnh mẽ. Sau cùng, vấn đề chững lại của đà tăng lần này có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý và vẫn còn một lượng cổ phiếu đáng kể mắc kẹt tại quanh vùng đỉnh, do vậy áp lực bán gia tăng trong phiên cuối tuần không phải là tín hiệu quá xấu và thị trường vẫn cần lùi lại để có thể thử thách dòng tiền một lần nữa.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Về mặt diễn biến, chuỗi phiên tăng điểm mạnh liên tiếp tuần qua của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán thế giới tăng mạnh như DJ, Nikkei 225, CSI300… là kết quả tất yếu của triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu. Những chương trình kích thích kinh tế, chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng giúp niềm tin nhà đầu tư cải thiện, dòng tiền tham gia mạnh hơn, kênh đầu tư cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Chúng ta đã đúng khi cho rằng VN-Index sẽ sớm quay lại mốc 1300 điểm. Việc điều chỉnh hoặc kiểm định vùng đỉnh cũ luôn là kịch bản dễ xẩy ra và phiên thứ 6 tuần qua không phải là một ngoại lệ. Theo tôi đây chỉ là một diễn biến lùi lại tích lũy lấy đà của thị trường mà thôi.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Với góc nhìn của tôi, diễn biến thị trường tuần qua là tương đối tích cực. Chỉ số đã không chịu áp lực bán nhiều quanh 1290 điểm và vượt được mức này, mặc dù đang gặp lực cản quanh ngưỡng 1300 điểm. Tôi cho rằng đây chỉ là diễn biến rung lắc thông thường khi chỉ số tăng nhanh về ngưỡng tâm lý sẽ gặp áp lực bán chốt lời. Việc dòng tiền lớn đang vào nhóm Ngân hàng là tín hiệu khá tích cực để kỳ vọng xu hướng tăng hiện tại có thể còn tiếp diễn và vượt được 1300 điểm.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Đây là lần thứ 5 liên tiếp VN-Index kiểm định vùng đỉnh 1300 điểm. Có ý kiến cho rằng nhịp tăng này chỉ là hiệu ứng kéo NAV quý 3, ý kiến đó cũng có thể đúng, tuy nhiên tôi cho rằng động lực đó không thực sự đủ lớn để một cá nhân hay tổ chức nào đó phải bỏ nguồn lực để thực hiện điều này bởi vì nó quá tốn chi phí mà chỉ để đánh đổi một lợi ích nhỏ hơn trong khi áp lực chốt NAV lại thường rơi vào cuối năm.
Với thanh khoản vẫn giữ đà tăng như vài phiên trước đó thì việc thị trường gặp kháng cự ở vùng 1300 điểm là một điều rất bình thường nên tôi không hề thất vọng mà xem đây là một cơ hội cho những trader tận dụng tốt được điểm ra vào thì đã có lợi nhuận kha khá. Điều quan trọng vẫn là việc VN-Index sắp tới có giữ được trên 1300 điểm hay không là một câu hỏi lớn trong bối cảnh hiện tại. Để biết thị trường có tích lũy hay phân phối không thì cần chờ thêm vài phiên nữa để xác nhận. Thông thường những ngưỡng như thế này thì nhà đầu tư thường ít hành động mà chờ diễn biến tiếp theo để đưa ra quyết định. Nếu thị trường duy trì nhiều phiên trên 1300 điểm thì ngưỡng này từ một ngưỡng kháng cự lớn sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ mạnh cho thị trường.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Từ sau khi FED giảm 50 điểm phần trăm lãi suất, nhiều phân tích lo ngại đó là tín hiệu nền kinh tế Mỹ suy thoái, nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn thay nhau lập đỉnh cao mới. Trong khi đó Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực mà vẫn không thể bùng nổ được. Lần này liệu thị trường có đủ động lực để đột phá thật sự? Nếu kịch bản này thành công VN-Index sẽ hình thành sóng tăng mới, anh chị dự phóng đà tăng sẽ đến đâu?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi kỳ vọng lần này thị trường có đủ động lực để tạo đỉnh cao mới trong năm. Việc FED mạnh tay giảm 50 điểm cơ bản lãi suất tạo cơ hội tốt để Ngân hàng nhà nước có thêm dư địa để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Dòng tiền khối ngoại có thể đảo chiều mua ròng và chỉ số USD-Index suy yếu sẽ làm giảm bớt áp lực cho tỷ giá.
Thêm vào đó, như tôi có đề cập trong lần trước, việc quy định NPS (bỏ ký quỹ trước giao dịch) có hiệu lực từ đầu tháng 11 cũng sẽ đánh dấu một cột mốc mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tất cả những điều này đều sẽ tác động tích cực đến thanh khoản thị trường, qua đó có thể đẩy chỉ số lên mức cao mới. Nếu thị trường đi theo được kịch bản này, tôi kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục sóng tăng lên vùng cung ở 1330-1370 điểm.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Mặc dù FED cắt giảm tới 50 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp ngày 18/9 – lần gần nhất với mức cắt giảm này là vào năm 2008, ngụ ý đằng sau bài phát biểu của Chủ tich FED vẫn là định hướng chính sách theo trung tính, không quá nới lỏng và không quá thắt chặt, vẫn để đảm bảo lạm phát không tăng nhanh trở lại, đồng thời tránh nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái. Do vậy, đó có thể là lý do cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục vượt đỉnh, khi xác suất về một cú “hạ cánh mềm” đang trở nên rõ ràng hơn.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, việc FED phát đi tín hiệu tiếp tục hạ lãi suất sẽ tác động tích cực đến không chỉ nền kinh tế nói chung mà cả thị trường chứng khoán nói riêng. Do đó kịch bản VN-Index xác lập những mốc đỉnh mới cao hơn tại quanh mốc 1350 điểm, hoặc thậm chí đến 1400 điểm là hoàn toàn có thể. Nhịp chững lại của đà tăng chỉ đơn thuần là phản ứng giữa cung/cầu bình thường khi tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
Việc điều chỉnh hoặc kiểm định vùng đỉnh cũ luôn là kịch bản dễ xẩy ra và phiên thứ 6 tuần qua không phải là một ngoại lệ. Theo tôi đây chỉ là một diễn biến lùi lại tích lũy lấy đà của thị trường mà thôi.
Ông Lê Đức Khánh
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Có câu là “Nếu trời mưa thì đường sẽ ướt, nhưng nếu bạn thấy đường ướt thì chưa chắc trời đã mưa.” Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái thì Ngân hàng trung ương thường có xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng có thể là một động thái cần thiết sau những chuỗi ngày tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát của Mỹ trước đó. Xét về kinh tế Việt Nam tuy có nhiều yếu tốt tích cực nhưng để một thị trường chứng khoán tăng điểm thì điều quan trọng là phải có dòng tiền tích cực tham gia thị trường, nhưng gần đây thị trường thanh khoản khá thấp nên VN-Index để tăng tốt và đặc biệt vượt khỏi 1300 điểm thì cần phải có dòng tiền mua vào thị trường nhiều hơn và cần xem xét nhiều phiên giao dịch trong tuần tới mới có thể khẳng định điều này.
Nếu kịch bản thị trường sẽ hình thành sóng tăng mới thì dựa vào Fibonacci mở rộng thì VN-Index có khả năng sẽ quay lại quanh đỉnh cũ quanh 1450-1500 điểm ở Fibonacci 161.8%.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Những phiên hiện tại động lực dòng tiền tốt nhưng điểm số lại không gia tăng được mặc dù các cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn dắt thị trường (chủ yếu các cổ vừa và nhỏ tăng mạnh) nhưng lại không kéo được sự đồng thuận của các ngành khác. Do đó tôi đánh giá thị trường vẫn khá khó để đột phá thật sự mốc 1300 điểm. Nếu kịch bản vượt hẳn 1300 điểm (không tạo trap và SFP) thì mốc tôi dự kiến thị trường hướng tới và vùng quanh 1370 điểm.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi giai đoạn cuối tháng 9 và đầu tháng 10 đã hội tụ đầy đủ các tín hiệu, yếu tố hỗ trợ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” – Triển vọng kinh tế, niềm tin nhà đầu tư – thanh khoản tăng – nhóm cổ phiếu lớn diễn biến tích cực . Sóng tăng mới đã bắt đầu và tạm nhường chỗ cho 1 nhịp tích lũy ngắn. Tôi đánh giá pha tăng điểm từ tháng 10 có thể khiến chỉ số giao động ít nhất là quanh mốc 1300 – 1350 điểm.
Với những diễn biến hiện tại khung 1h hiện tại đã đi hết sóng tăng 5 và sẽ bước vào nhịp điều chỉnh còn nến ngày hiện đang liên tục tạo nến “rút râu” với thanh khoản lớn. Tôi đánh giá khả năng cao thị trường đang trong nhịp phân phối.
Ông Nguyễn Việt Quang
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường sắp đi hết tháng 9 và chuẩn bị bước vào mùa báo cáo tài chính quỹ 3. Đang có những phân tích không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp của quý này. Quan điểm và dự báo của anh chị thế nào? Nếu xây dựng danh mục đầu tư cho kết quả kinh doanh quý 3, anh chị quan tâm tới những cổ phiếu nào, nhóm ngành nào?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Không có quá nhiều kỳ vọng cho sự bứt phá tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong quý 3/2024. Tuy nhiên, tôi cho rằng một số nhóm ngành vẫn có thể có kết quả kinh doanh tích cực như Ngân hàng, Thủy sản, Dệt may, Cao su, Heo hơi, nhờ những yếu tố vĩ mô vẫn đang cho thấy những tín hiệu tốt và tính mùa vụ ở một số lĩnh vực trong giai đoạn cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Mặc dù có những phân tích không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý này, tôi lại có góc nhìn tích cực hơn về Quý 3. Trong Báo cáo chiến lược tháng 9 của Chứng Khoán Rồng Việt, chúng tôi có nhận định rất tích cực với bối cảnh vĩ mô với tâm điểm là Fed đã hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trong giữa tháng 9, điều này ít nhiều sẽ hỗ trợ Doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuối tháng 8, Ngân hàng nhà nước đã ra thông báo sẽ điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2024. Việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng lần hai này đang cho thấy tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của FED và chỉ số DXY hạ nhiệt đã củng cố sự tự tin của Ngân hàng nhà nước trong việc duy trì môi trường chính sách “ôn hòa” theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế.
Vì vậy, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành Ngân hàng, Khu công nghiệp, Thực phầm đồ uống, Tiêu dùng, và ngành Hàng và dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong Qúy 3/2024 của chỉ số VN-Index khi mà Qúy 3/2023 được xem là giai đoạn khó khăn nhất của ngành với nhiều yếu tố tiêu cực đồng thời diễn ra như là tăng trưởng tín dụng yếu, NIM tạo đáy, chi phí tín dụng và nợ xấu ở mức cao.
Cụ thể, cho Q3 2024, chúng tôi kỳ vọng: i)Tăng trưởng thu nhập thu nhập lãi, với (1) Tín dụng tích cực so với cùng kỳ và (2) NIM ổn định, sẽ là động lực cho sự phục hồi của tổng thu nhập hoạt động; ii)Kỳ vọng nợ xấu toàn ngành đã tạo đỉnh vào Qúy 2/2024 khi các tín hiệu như nợ nhóm 2 hình thành mới, nợ nhóm 3 và 4 và tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng đã giảm so với quý trước; iii)Thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý (chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản) cũng đang có những tiến triển khả quan. Những diễn biến này là chỉ báo sớm mang nhiều hàm ý tích cực cho xu hướng hình thành nợ xấu và kéo theo chi phí tín dụng giảm dần trong các quý tiếp theo.
Với cổ phiếu Ngân hàng tôi quan tâm bao gồm: VCB, CTG, BID, ACB, MBB, và VIB.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dữ liệu kinh tế từ tháng 7 và tháng 8 cho thấy có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào sự tích cực trong báo cáo tài chính Quý 3. Ngoại trừ tác động của bão Yagi lên ngành bảo hiểm và một số lĩnh vực sản xuất, phân tích từ Chứng khoán Phú Hưng cho thấy nhiều ngành sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan trong Quý 3, phần nào nhờ vào nền tảng thấp của cùng kỳ năm ngoái. Theo quan điểm cá nhân của tôi, các ngành có lợi nhuận tiềm năng và định giá vẫn hấp dẫn hiện nay gồm có ngân hàng, thép và vận tải.
Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành Ngân hàng, Khu công nghiệp, Thực phầm đồ uống, Tiêu dùng, và ngành Hàng và dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ là ngành dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong Qúy 3/2024.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Mối tương quan giữa biến động giá cổ phiếu và số liệu kinh doanh và biến động thu nhập doanh nghiệp thường có biến động cùng chiều. Giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp biến động mạnh hơn cả về 2 hướng có nghĩa doanh nghiệp có dấu hiệu “ăn nên làm ra” giá cổ phiếu có thể tăng nhanh hoặc rất mạnh hoặc ngược lại giá cổ phiếu điều chỉnh khi doanh nghiệp có vấn đề hoặc không đạt được các con số ước tính hoặc tệ hơn.
Vẫn có những ngoại lệ cho một số doanh nghiệp giá tăng tốt ngay cả khi tình hình doanh nghiệp chưa có sự thay đổi nội bật bởi giá thấp hơn so với giá trị nội tại và dòng tiền nhận ra cơ hội ở các cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn. Nhóm tài chính – ngân hàng – chứng khoán, công nghệ, hóa chất, cảng biển, vật tải biển, dệt may… là những nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn. Việc xây dựng danh mục có thể lựa chọn một số cổ phiếu trong những nhóm kể trên như STB, CTG, HAH, TCM, LAS, VNM, PVD…
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Quý 3 diễn ra cơn bão lịch sử Yagi đã gây hậu quả khủng khiếp về cả người và của ảnh hưởng đến rất nhiều tỉnh thành miền Bắc và những doanh nghiệp có trụ sở nhà máy ở miền Bắc cũng ảnh hưởng lớn, điều này dẫn đến kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Nên tôi đồng tình với quan điểm: “không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp”. Nếu nói về nhóm ngành nào tôi quan tâm vào quý tới có lẽ sẽ là nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công cụ thể là một số mã: HHV, VCG,…
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
2 phiên cuối tuần khi VN-Index tiến sát vùng đỉnh 1300 điểm, thanh khoản gia tăng mạnh. Tuy nhiên sự thất bại trong việc vượt đỉnh hàm ý áp lực chốt lời đã áp đảo. Theo anh chị nhà đầu tư nên hành động thế nào lúc này, chốt lời để chờ đợi giá giảm mua lại như các lần trước hay giữ cổ phiếu để kỳ vọng vào xu hướng tăng mới khi vượt đỉnh?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Theo tôi, các yếu tố cơ bản thời điểm hiện tại gần như đều đang hỗ trợ cho xu hướng tăng của chỉ số và chưa có quá nhiều vấn đề đáng lo ngại có thể ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngoại đang quay trở lại mua ròng liên tiếp sau chuỗi thời gian dài bán ròng kể từ giữa năm 2023. Do vậy, kịch bản VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1300 điểm đang có xác suất cao xảy ra. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu có thể tiếp tục duy trì vị thế và có thể trải lệnh gia tăng thêm tỷ trọng khi chỉ số/mã cổ phiếu điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ gần tương ứng.
Kịch bản VN-Index xác lập những mốc đỉnh mới cao hơn tại quanh mốc 1350 điểm, hoặc thậm chí đến 1400 điểm là hoàn toàn có thể. Nhịp chững lại của đà tăng chỉ đơn thuần là phản ứng giữa cung/cầu bình thường khi tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi luôn có quan điểm khi cổ phiếu hay thị trường đến vùng kháng cự mạnh tôi sẽ luôn hành động giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và sẽ bán hết phần margin thậm trí bán thêm để cầm một lượng tiền mặt. Khi đó dù thị trường “break” hay là điều chỉnh chúng ta đều dễ xử lý. Hiện tại tôi đánh giá kịch bản vượt 1300 điểm thấp hơn nên lượng hàng tôi bán sẽ lớn hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Trong hai phiên cuối tuần, thị trường có gặp một ít lực cản quanh 1300 điểm. Tuy nhiên như những nhận định phía trên, tôi kỳ vọng đây chỉ là rung lắc thông thường khi gặp cản tâm lý, thị trường đang có cơ hội lớn có thể vượt được đỉnh. Do đó, chiến lược lúc này, theo tôi nên ưu tiên nắm giữ vị thế lâu hơn cho kỳ vọng tạo đỉnh cao mới.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Trên khía cạnh trading, không quá khó để chúng ta bắt đầu bán ra khi thị trường chạm mức kháng cự nào đó hay mua vào khi gặp hỗ trợ và đây là một chiến lược hợp lý thường mang lại hiệu quả đầu tư khá cao. Nếu nhìn trên nền tảng của doanh nghiệp, tôi tự hỏi rằng phần lớn các doanh nghiệp (ngoại trừ bất động sản) có thật sự tốt hơn chính doanh nghiệp đó hơn 4 năm về trước (trước khi xảy ra Covid) khi mà VN-Index chỉ ở quanh mức 1000 điểm? Chúng ta trải qua giai đoạn với điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn, thu nhập người dân cũng đang giảm sút trong khi điều kiện vĩ mô chưa có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, việc chính sách tiền tệ bắt đầu được nới lỏng ở nhiều quốc gia lớn lại mang lại một màu sắc tươi sáng hơn cho nền tài chính toàn cầu, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Nếu hai mảng màu sáng tối của nền kinh tế đang đan xen lẫn nhau ở thời điểm hiện tại thì nhà đầu tư sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh. Đứng giữa việc được và mất ở mốc nhạy cảm 1300 điểm, tôi tin rằng các nhà đầu tư thận trọng sẽ tiếp tục tín hiệu rõ ràng hơn trong thời gian tới trước khi đưa ra quyết định của mình.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tuần qua có lẽ giai đoạn cuối tuần phù hợp với việc rà soát lại danh mục với những ai cầm nhiều cổ phiếu. Việc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chất lượng, định giá hấp dẫn vẫn được ưu tiên. Xu hướng vẫn sẽ quay lại và vượt qua mốc 1300 điểm là xu hướng của thị trường trong tháng 10.