Cùng với đà phục hồi ấn tượng liền hai tuần trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh có biểu hiện sụt giảm mạnh về thanh khoản. Sự luân chuyển dòng tiền giữa hai thị trường từng được cho là nguyên nhân khiến thị trường cổ phiếu lao dốc. Lúc này tình thế đang thay đổi...
Thống kê cho thấy trong giai đoạn tháng tháng 4 và nửa đầu tháng 5, tổng giá trị giao dịch danh nghĩa trên thị trường hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã tăng vọt, liên tục ở ngưỡng 50-55 ngàn tỷ đồng, có phiên kỷ lục xấp xỉ 56 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó thanh khoản của thị trường cổ phiếu tụt xuống rất thấp. Tuần qua tình thế đã thay đổi, khi giao dịch phái sinh giảm rất nhanh, thậm chí phiên cuối tuần chỉ còn hơn 33,8 ngàn tỷ đồng giá trị danh nghĩa.
Các chuyên gia đều đánh giá hiện tượng liên thông dòng vốn giữa hai thị trường là điều bình thường. Nếu giai đoạn thị trường cổ phiếu lao dốc, dòng tiền chạy sang thị trường phái sinh thì khi thị trường cơ sở phục hồi, hoàn toàn có lý do để tin rằng dòng tiền sẽ chảy ngược lại. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định đây là yếu tố có khả năng hỗ trợ thanh khoản trên thị trường cổ phiếu thời gian tới.
Tuy vậy cũng có ý kiến thận trọng cho rằng không nên kỳ vọng quá mức vào sự dịch chuyển dòng tiền này. Nguyên nhân là mức thanh khoản cao trên thị trường phái sinh có yếu tố đòn bẩy rất lớn so với cơ sở. Khi dòng tiền từ cơ sở dịch chuyển sang phái sinh sẽ tạo hiệu quả lớn do hiệu ứng đòn bẩy tăng lên 5-10 lần, nhưng khi chuyển ngược trở lại, sức mạnh cũng bị giảm đi tương ứng. Mặt khác quy mô giao dịch phái sinh lớn nhưng còn là do khả năng quay vòng tiền liên tục nhờ khả năng giao dịch T+0.
Nhận định về thị trường cổ phiếu ngắn hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng tuy kỳ vọng đang dâng cao nhưng thị trường vẫn sẽ đối diện lực cản lớn trong tuần tới. Nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi mà tùy từng danh mục nên chốt lời hoặc giao dịch lướt sóng giảm giá vốn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index đã có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp và tiến sát tới ngưỡng 1.300 điểm như anh chị dự kiến tuần trước. Tuy nhiên thanh khoản vẫn rất thấp và lực bán không mạnh, thậm chí phiên cuối tuần lực cầu còn đuổi giá lên liên tục, kéo VN-Index vượt mức MA20. Đó có phải tín hiệu nhà đầu tư kỳ vọng cao hơn về biên độ tăng lớn hơn?
Việc VN-Index đã có tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm với thanh khoản thấp cho thấy rằng nhà đầu tư vẫn trông chờ cũng như kỳ vọng chỉ số này sẽ tiếp tục bay cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi tiến sát tới ngưỡng 1.300 điểm sẽ là một “bài test” lực cung – cầu cho chỉ số VN-Index.
Ông Lê Minh Nguyên
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Đúng như vậy, thị trường đã có tuần tăng tích cực về mặt điểm số và cơ hội hướng lên thử thách ngưỡng 1.300 điểm đang mở ra. Rõ ràng với tín hiệu tăng tốt ở phiên cuối tuần qua đang cho thấy nhà đầu tư có kỳ vọng cao hơn với việc đi lên của thị trường.
Tuy nhiên, thị trường có thể vượt qua được vùng kháng cự trên hay không thì chúng ta cần theo dõi thanh khoản của thị trường ở tuần tới. Theo tôi, nếu thanh khoản có sự cải thiện mạnh mẽ thì thị trường mới có cơ hội vượt qua.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi giai đoạn tới nếu dòng tiền không cải thiện, tăng lên trên 20 – 25 ngàn tỷ mà vẫn duy trì thấp như giai đoạn hiện tại thì khó mà kỳ vọng thị trường hồi phục mạnh lên vùng đỉnh cũ, mà khả năng cao sẽ dừng lại quanh 1.350 điểm +/- 30 điểm.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi thấy nhà đầu tư đang tự tin hơn về những phiên giao dịch tốt đầy hứa hẹn trong tuần giao dịch tới. Từ giai đoạn lo lắng, áp lực, sợ điều chỉnh tiếp theo, nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái thoải mái hơn, tâm lý tự tin hơn, cầm cổ phiếu có thể có trạng thái lỗ nhưng động thái bán ra đã giảm hẳn.
Tâm lý thị trường đang ổn định, niềm tin nhà đầu tư được củng cố với nhiều thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một mức tăng lớn hơn, dù vùng 1.300 – 1.350 là vùng kháng cự mạnh, áp lực cung cổ phiếu gia tăng, nhưng đại bộ phận nhà đầu tư lại thích một kịch bản tích cực hơn.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Chỉ số VN-Index vẫn đang được định giá rẻ xét theo P/E trong tương quan tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng ở các doanh nghiệp niêm yết, so tương quan với quá khứ cũng như các thị trường trong khu vực.
Áp lực bán mạnh thời gian qua đẩy chỉ số VN-Index xuống dưới mốc 1.200 điểm chủ yếu đến từ động thái bán tháo của các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực. Ngay khi các yếu tố tiêu cực có phần giảm bớt, tâm lý thị trường ổn định, dòng tiền nhanh chóng quay trở lại, với sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại, đã giúp thị trường hồi phục đáng kể từ đáy. Thanh khoản thấp trong giai đoạn đầu hồi phục là diễn biến thường thấy khi thị trường đi lên trong nghi ngờ, trong khi điểm tích cực là áp lực bán đang rất yếu.
Tôi cho rằng biên độ hồi phục của thị trường sẽ lớn hơn trong tuần tới tương ứng với kỳ vọng cao hơn của nhà đầu tư về triển vọng dài hạn của thị trường.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Sau một đợt giảm mạnh gần đây, thị trường có vẻ đã về vùng đáy và nhà đầu tư bắt đầu không muốn bán bằng mọi giá nữa. Việc VN-Index đã có tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm với thanh khoản thấp cho thấy rằng nhà đầu tư vẫn trông chờ cũng như kỳ vọng chỉ số này sẽ tiếp tục bay cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi tiến sát tới ngưỡng 1.300 điểm sẽ là một “bài test” lực cung – cầu cho chỉ số VN-Index.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường phái sinh đang chứng kiến mức thanh khoản tụt giảm khá nhiều, trùng hợp với thời điểm thị trường cổ phiếu phục hồi tốt. Đây là kết quả sự luân chuyển dòng tiền? Làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, anh chị đánh giá thế nào về quy mô của sự luân chuyển dòng tiền giữa hai thị trường, liệu điều này có hỗ trợ thanh khoản trên thị trường cơ sở thời gian tới?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Số liệu quá khứ cho thấy ở các giai đoạn thị trường cơ sở điều chỉnh mạnh, dòng tiền thường dịch chuyển sang phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu cơ giá xuống. Khi thị trường cơ sở hồi phục, dòng tiền sẽ đảo ngược xu hướng trên. Đây là một trong những cơ sở quan trọng khẳng định thanh khoản thị trường sẽ sớm phục hồi mạnh từ mức nền thấp hiện tại nếu xu hướng hồi phục cho thấy dấu hiệu bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Rõ ràng là như vậy, thị trường phái sinh và cơ sở có tính liên thông nhau và dòng tiền liên tục luân chuyển giữa hai thị trường. Tuy nhiên, mức độ tác động qua lại có sự khác biệt. Tôi được biết, tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường phái sinh đang gấp từ 5 tới 10 lần trên thị trường cơ sở.
Và khi chưa xét tới tốc độ quay vòng vốn bên phái sinh với giao dịch T+0 sẽ nhanh hơn nhiều lần so với thị trường cơ sở bị hạn chế bởi T+3, thì với một đồng vốn luân chuyển từ phái sinh sang cơ sở đã bị giảm sức mua đi từ 5 tới 10 lần. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng mức độ tác động khi dòng tiền chảy từ thị trường cơ sở sang phái sinh sẽ rất lớn, nhưng ngược lại thì tác động từ bên phái sinh sang cơ sở sẽ bị triệt tiêu đi nhiều.
Trong quá quan sát thị trường, tôi cũng nhận thấy thị trường phái sinh thường sôi động khi thị trường cơ sở có biến động mạnh do vòng quay vốn của thị trường phái sinh tăng lên (nhờ lợi thế T+0). Và thanh khoản bên phái sinh sụt giảm khi thị trường cơ sở trầm lắng do biên độ biến động thấp sẽ hạn chế cơ hội giao dịch ăn chênh lệch giá.
Theo tôi, mặc dù thị trường phái sinh hạ nhiệt sẽ có một phần dòng tiền chuyển qua thị trường cơ sở, nhưng chúng ta cũng không nên kỳ vọng nhiều về việc thị trường cơ sở sẽ có sự cải thiện tích cực hơn về thanh khoản từ sự luân chuyển này.
Mức độ tác động qua lại có sự khác biệt: Tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường phái sinh đang gấp từ 5 tới 10 lần trên thị trường cơ sở; tốc độ quay vòng vốn bên phái sinh với giao dịch T+0, khiến một đồng vốn từ phái sinh sang cơ sở đã bị giảm sức mua đi từ 5 tới 10 lần. Mức độ tác động khi dòng tiền chảy từ cơ sở sang phái sinh sẽ rất lớn, nhưng ngược lại thì tác động sẽ bị triệt tiêu đi nhiều.
Ông Nguyễn Văn Sơn
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Dòng vốn luân chuyển giữa hai thị trường là bình thường. Khi thị trường tạo đáy dòng vốn đã có một phần luân chuyển sang thị trường cơ sở, nhưng theo tôi đánh giá là còn chưa mạnh.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi về trung và dài hạn, cả hai thị trường này sẽ bổ trợ và cùng phát triển mạnh.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường phái sinh có tác động qua lại với thị trường cơ sở. Tại thời điểm chứng khoán cơ sở giảm điểm đã có sự dịch chuyển dòng tiền qua thị trường phái sinh. Theo tôi dòng tiền chỉ đi kiếm cơ hội sinh lời chứ không rút hẳn ra khỏi thị trường chứng khoán. Hiện tại khi thị trường cơ sở đã giảm mạnh và đang có dấu hiệu ấm lại chắc chắn sẽ thu hút dòng tiền ở các kênh khác chứ không chỉ riêng ở thị trường phái sinh.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được kỳ vọng lớn sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán, thậm chí được ví như lượng “tiền rẻ” mới sau giai đoạn đình trệ tín dụng vì Covid. Anh chị đánh giá hiệu ứng của gói hỗ trợ này tới thị trường chứng khoán như thế nào?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi đây cũng có thể là thông tin tích cực hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này. Ngoài ra việc tổ chức S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ đang đang được coi là điểm cộng. Triển vọng kinh tế tốt luôn song hành với triển vọng lạc quan về thị trường chứng khoán.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Gói cấp bù lãi suất 2% này có thể coi là một chính sách pha trộn tiền tệ và tài khoá có tính chất nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế. Đương nhiên tương tự như mọi gói nới lỏng khác, sẽ có tác động tích cực lên diễn biến thị trường chứng khoán xét từ cả góc độ dòng tiền lẫn tác động tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế.
Tôi thấy nhà đầu tư đang tự tin hơn về những phiên giao dịch tốt đầy hứa hẹn trong tuần giao dịch tới. Từ giai đoạn lo lắng, áp lực, sợ điều chỉnh tiếp theo, nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái thoải mái hơn, tâm lý tự tin hơn, cầm cổ phiếu có thể có trạng thái lỗ nhưng động thái bán ra đã giảm hẳn.
Ông Lê Đức Khánh
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ chỉ 2% và tổng quy mô chỉ 40.000 tỷ đồng (nhỏ hơn đáng kể so với gói hỗ trợ 4% trị giá 17,000 tỷ đồng thời điểm 2009 xét trong tương quan quy mô thị trường chứng khoán cũng như quy mô tín dụng hiện tại đã lớn gấp nhiều lần), cùng sự kiện toàn trong công tác quản lý, tránh thất thoát, sẽ khó có khả năng chứng khoán sẽ lập lại mức tăng đột biến như xảy ra hồi 2009. Dù vậy, khi các yếu tố tiêu cực đã phản ánh đầy đủ khiến thị trường điều chỉnh mạnh xuống vùng giá hấp dẫn, thông tin này chắc chắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho đà hồi phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Chúng ta cần phải xét tới bản chất của “tiền rẻ” lần này. Nếu như lần trước, dòng vốn bị ứ đọng do dịch bệnh khiến lãi suất tiền gửi ở hệ thống ngân hàng xuống thấp nên dòng vốn của dân cư và doanh nghiệp dịch chuyển qua mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đang bị bán rẻ, nhưng lần này gói hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ có đích đến cụ thể là nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, nên chỉ có ảnh hường gián tiếp và dài hạn tới thị trường chứng khoán thông qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Dưới góc nhìn đó, trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường chứng khoán gần như không được hưởng lợi gì với lượng “tiền rẻ” từ gói hỗ trợ lãi suất này, ngoài tác động tâm lý thoáng qua. Về dài hạn, thị trường sẽ có sự phản ứng tích cực nếu gói hỗ trợ này thực chất và có hiệu quả.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thông tin gói hỗ trợ lãi suất 2% xuất hiện khi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn nhất và đã phần nào cắt đứt được đà giảm, thậm chí chỉ số VN-Index có sự phục hồi ấn tượng. Tuy nhiên, về hiệu quả tác động của gói hỗ trợ này sẽ được đánh giá trong thời gian tới dựa vào tình hình “sức khoẻ” của các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2009, gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ hỗ trợ cho các khách hàng, nhanh chóng phục hồi sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Với mức hỗ trợ chỉ 2% và tổng quy mô chỉ 40.000 tỷ đồng cùng sự kiện toàn trong công tác quản lý, tránh thất thoát, sẽ khó có khả năng chứng khoán sẽ lập lại mức tăng đột biến như xảy ra hồi 2009.
Ông Trần Đức Anh
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tôi cho rằng dòng tiền này sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh khi trạng thái bình thường đã quay lại rất ổn định nên rất khó dòng tiền này tham gia lại thị trường chứng khoán.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Những lời khuyên của anh chị tuần trước rất có giá trị, ít nhất cũng giúp nhà đầu tư bớt thiệt hại vì bán quá sớm. Thậm chí nếu bắt đáy tốt thì lợi nhuận ngắn hạn những phiên vừa qua là rất khả quan. Theo anh chị nhà đầu tư có nên chốt lời hay tiếp tục giữ thêm nữa?
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Dưới góc nhìn của tôi, thị trường vẫn chưa kết thúc nhịp hồi. Tôi cho rằng, việc tiếp tục nắm giữ sẽ giúp nhà đầu tư thu hẹp được mức lỗ trước đó hoặc gia tăng thêm lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc mua đuổi giá ở hiện tại là không nên, mà thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu từ thị trường để thực hiện hóa lợi nhuận. Với tôi, khu vực quanh 1.300 điểm rất có ý nghĩa với việc quyết định có nên điều chỉnh danh mục hay không, hoặc khi VN-Index cho tín hiệu cắt xuống MA20 thì các vị thế cổ phiếu hiện tại nên được chốt. Nhà đầu tư có thể tham khảo kế hoạch đó.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi nhà đầu tư cần theo sát danh mục vì dòng tiền hiện tại khá yếu nên không phải cổ phiếu nào cũng hồi phục mạnh. Với những cổ phiếu dòng tiền vào tốt khi đà hồi phục chững lại và lực bán mạnh thì nhà đầu tư nên cân nhắc bán cổ phiếu. Với những cổ phiếu hồi phục với thanh khoản yếu mà lực bán mạnh làm tăng thanh khoản nhà đầu tư cũng nên cân nhắc bán.
Nếu dòng tiền không cải thiện, tăng lên trên 20 – 25 ngàn tỷ mà vẫn duy trì thấp như giai đoạn hiện tại thì khó mà kỳ vọng thị trường hồi phục mạnh lên vùng đỉnh cũ, mà khả năng cao sẽ dừng lại quanh 1.350 điểm +/- 30 điểm.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Với việc dòng tiền đang vào các cổ phiếu “trụ” đẩy chỉ số VN-Index lên gần ngưỡng 1.300 điểm nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt. Việc theo dõi thanh khoản thị trường có tăng dần lên hay không là hết sức quan trọng để đánh giá mức độ bền vững của xu hướng tăng gần đây. Theo tôi với các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xoay vòng cổ phiếu theo các đợt lên xuống để tối đa hoá lợi nhuận. Còn việc đầu tư dài hạn các nhà đầu tư có thể nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt và hưởng lợi trong gói hỗ trợ lãi suất.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng nhà đầu tư nên chia ra danh mục cổ phiếu ra một số nhóm, phân loại theo triển vọng và thời gian nắm giữ, tỷ trọng phân bổ cho phù hợp. Có những cổ phiếu nên nắm giữ dài với tầm nhìn 3 – 9 tháng hoặc hơn nhưng có những cổ phiếu đôi khi lại giao dịch ngắn bắt đáy điều chỉnh tỷ trọng linh hoạt. Do vậy vẫn có một số cổ phiếu nên chốt lời để điều chỉnh lại tỷ trọng, một số cổ phiếu tiềm năng nên giữ tiếp.
Một ví dụ hay đó là danh mục đầu tư được ví như vườn cây ăn trái – mỗi cây, loại hoa quả sẽ ra hoa kết trái và mọc vào từng thời điểm. Nên việc nắm giữ dài, ngắn sẽ tùy thuộc vào đặc điểm của từng cổ phiếu, triển vọng tăng giá cũng như trạng thái danh mục của mỗi nhà đầu tư.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Dù đã hồi phục đáng kể từ đáy, theo tôi triển vọng tăng tiếp của thị trường vẫn tương đối sáng sủa khi mà thực tế chỉ số VN-Index chưa lấy lại được bao nhiêu số điểm đã mất khi rơi từ đỉnh trên 1.500, trong khi các điều kiện vĩ mô, vi mô trong nước vẫn liên tục được cải thiện. Tôi lạc quan với xu hướng tăng của thị trường trong dài hạn. Dù vậy, với các nhà đầu tư có kỹ năng trading tốt hoàn toàn có thể tận dụng các nhịp thị trường chạm cản mạnh để trading ngắn hạn.