“Các đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ gần đây là bất thường vì xảy ra tại những quốc gia không lưu hành virus này. Dự báo có thể sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm hơn trong những ngày tới khi công tác giám sát được mở rộng”, WHO cho biết trong một thông cáo. “WHO đang làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng và những quốc gia khác để tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những người có thể bị ảnh hưởng, đồng thời hướng dẫn cách xử lý tình hình”.
BỆNH ĐẦU MÙA KHỈ LÀ GÌ?
Đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp gây ra bởi virus đậu mùa khỉ - cũng thuộc họ đầu mùa nhưng thường ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Thường xuất hiện ở những vùng sâu vùng xa ở miền Trung và Tây Phi, virus này được phát hiện lần đầu tiên ở khỉ bị nuôi nhốt vào năm 1958. Trường hợp nhiễm virus ở người đầu tiên được phát hiện vào năm 1970.
Từ đó đến nay, 10 quốc gia châu Phi, bao gồm Nigeria, đã phát hiện các trường hợp đậu mùa khỉ xuất hiện lẻ tẻ. Đợt bùng phát bệnh này lớn nhất xảy ra tại Nigeria vào năm 2017 với 172 ca nghi nghiễm và 61 ca được xác nhận. Khoảng 3/4 các ca nhiễm là nam giới từ 21 đến 40 tuổi.
Đậu mùa khỉ ít xuất hiện ở bên ngoài châu Phi và chủ yếu có mối liên hệ với các trường hợp đi lại quốc tế hoặc động vật nhập khẩu. Một số trường hợp bên ngoài châu Phi được phát hiện ở Israel, Anh, Singapore và Mỹ. Năm 2003, Mỹ ghi nhận 81 ca nhiễm đậu mùa khỉ liên quan tới cầy thảo nguyên bị nhiễm bệnh từ động vật nhập khẩu.
Trước tình hình xuất hiện các ca nhiễm đậu mùa khỉ gần đây, cơ quan y tế tại châu Âu, Mỹ và Australia đang tiến hành điều tra.
Nhà chức trách y tế tại Đức hôm thứ Sáu báo cáo ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên và trở thành quốc gia châu Âu mới nhất phát hiện bệnh này cùng với Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Thụy Điển.
Mỹ và Australia tuần trước cũng xác nhận các ca nhiễm đầu tiên trong bối cảnh các chuyên gia rên thế giới đang nỗ lực xác định nguồn gốc gây ra đợt bùng phát.
Dù một số ca nhiễm có liên quan tới trường hợp đến từ châu Phi, hầu hết các ca nhiễm phát hiện gần đây được cho là lây từ cộng đồng. Điều này làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát ca nhiễm lớn hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ và Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết đang tiến hành điều tra một loạt ca nhiễm đậu mùa khỉ, bao gồm những cá nhân tự xác định là người đồng tính nam. Hai cơ quan này kêu gọi người đồng tính nam và lưỡng tính thận trọng khi phát hiện triệu chứng phát ban hoặc tổn thương bất thường.
Riêng tại Anh, số ca nhiễm đậu mùa khỉ đã tăng gấp đôi kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 7/5. Nước này hiện ghi nhận 20 ca nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, nhiều người lo rằng còn nhiều trường nhiễm bệnh khác chưa được phát hiện.
Những người có các triệu chứng của bệnh này, bao gồm phát ban và sốt, được khuyên tham vấn y tế và liên hệ với cơ sở y tế trước khi đến thăm khám.
“Những ca nhiễm mới nhất này, cùng với các ca nhiễm được phát hiện trên khắp châu Âu, khẳng định những lo ngại ban đầu của chúng tôi rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan trong cộng đồng”, Susan Hopkins, cố vấn y tế trưởng tại UKHSA, cho biết tuần trước.
TRIỆU CHỨNG VÀ MỨC ĐỘ NGUY HIỂM
Virus đậu mùa khỉ lan truyền qua tiếp xúc gần với người, động vật hoặc vật liệu nhiễm virus. Virus này xâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị tổn thương, đường hô hấp hoặc qua mắt, mũi và miệng.
Lây truyền từ người sang người thường xảy ra nhất qua giọt bắn đường hô hấp dù phải duy trì tiếp xúc lâu dài. Trong khi đó, lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra qua vết cắn hoặc vết xước.
Bệnh đậu mùa khỉ thường không được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục dù việc này có thể xảy ra.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng. Bệnh nhân thường phát ban từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt, bắt đầu ở mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể như lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Phát ban có thể gây ngứa dữ dội, sau đó trải qua một số giai đoạn trước khi da đóng vảy và bong ra. Bệnh này thường kéo dài 2-4 tuổi và tự khỏi.
Hiện chưa có phương pháp điều trị an toàn và được chứng minh y tế cho bệnh đậu mùa khỉ, dù hầu hết các ca nhiễm có triệu chứng nhẹ. Những người bị nghi nhiễm virus có thể được cách ly trong phòng áp suất âm và được theo dõi bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe mặc đồ dùng bảo hộ y tế.
Vaccine đậu mùa đã được chứng minh là có hiệu quả lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ. Các quốc gia như Anh, Tây Ban Nha hiện đang triển khai tiêm vaccine cho những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ để giúp giảm các triệu chứng bệnh và hạn chế lây lan.
Theo các chuyên gia, những ca nhiễm đậu mùa khỉ hiếm khi diễn tiến nghiêm trọng dù ở Tây Phi đã ghi nhận một số trường hợp tử vong. Nhà chức trách y tế tại nhiều quốc gia đánh giá ít có khả năng xuất hiện một đợt bùng phát đậu mùa khỉ nghiêm trọng và rủi ro với đại đa số dân chúng hiện ở mức thấp.
“Trong khi các cuộc điều tra vẫn đang tiến hành để xác định nguồn lây nhiễm, điều quan trọng cần nhấn mạnh là virus này không dễ dàng lây lan trong cộng đồng và cần có tiếp xúc gần với một người nhiễm bệnh có triệu chứng”, Colin Brown, giám đốc về lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại UKHSA, cho biết cuối tuần trước.
Các nhà chức trách y tế tại Anh, Mỹ và Canada khuyến cáo những người bị phát ban hoặc lo lắng về bệnh đậu mùa khỉ nên liên hệ với cơ quan y tế để được thăm khám.