September 13, 2022 | 15:21 GMT+7

Xuất hiện tình trạng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Chương Phượng -

Đến thời điểm này, có khoảng 3.000 ha sầu riêng ở Việt Nam với sản lượng 68.000 tấn trái/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng khối lượng sầu riêng đăng ký xuất khẩu của các doanh nghiệp đã lên đến 1,3 triệu tấn. Điều này, khiến cơ quan chức năng nghi ngờ nhiều doanh nghiệp đã mạo danh mã số vùng trồng để xin đăng ký xuất khẩu…

Dự kiến, ngày 19/9/2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.
Dự kiến, ngày 19/9/2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.

Chiều 12/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị 'Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc” nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên.

3000 HA ĐƯỢC XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đến nay, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.

Trong những tháng vừa qua, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức các lớp tập huấn về các yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc, về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ngay sau khi Nghị định thư được ký kết.

Một số doanh nghiệp trái cây nêu câu hỏi: "Đọc báo chí thấy nói Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch trái sầu riêng Việt Nam từ ngày 11/7/2022. Doanh nghiệp đã đưa trái sầu riêng lên cửa khẩu để mong được xuất khẩu chính ngạch, nhưng không được thông quan, phải chở hàng quay về hoặc xuất theo đường tiểu ngạch".

 

"Diện tích và khối lượng sầu riêng được phép xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, có thê mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc".

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Trung cho biết Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch, nhưng một số doanh nghiệp không hiểu, cứ tưởng tự do đưa hàng lên là được xuất khẩu. Muốn xuất khẩu chính ngạch phải có mã số vùng trồng, phải được cấp mã số đóng gói, doanh nghiệp phải có tên trong danh sách do phía Trung Quốc ký duyệt...

“Đã có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xin đăng ký xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 vừa phát hiện 2 container sầu riêng đưa đến cửa khẩu, nhưng đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ”, ông Hoàng Trung thông tin.

Tuần tới (khoảng ngày 19/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.

Theo ông Hoàng Trung, đến thời điểm này đã có khoảng 3.000ha trồng sầu riêng ở Việt Nam với sản lượng 68 nghìn tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm chưa đến 7% trong tổng diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam.

Tuy nhiên khối lượng đăng ký xuất khẩu của các doanh nghiệp đến nay là 1,3 triệu tấn, đây là một con số lớn, vượt xa so với diện tích và sản lượng đã được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng. Như vậy, rất nhiều doanh nghiệp chưa có vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, nhưng vẫn đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.

LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG ĐI THEO VẾT XE ĐỔ CỦA VÚ SỮA

Nói về Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng ký kết với Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví von: "Xưa có người đốn cây nói, đốn cây mất 2 giờ, nhưng phải mất 4 giờ để mài rìu. Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này có được sau “4 năm vất vả, trăn trở” và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa Lò Rèn”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta làm sao để trái sầu riêng
không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa Lò Rèn”.

“Chúng ta hôm nay mang tâm thế của những người sắp vươn xa đem lại giá trị cao cho ngành sầu riêng, mà muốn vươn xa thì phải đi cùng nhau. Song khi lợi ích không được minh bạch, công khai, thì rất khó vươn xa. Tôi mong muốn chúng ta không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc”, Bộ trưởng nói.

Nhớ lại những bài học trước đây, Bộ trưởng kể lại câu chuyện về trái vú sữa Lò Rèn ở Tiền Giang, một thời từng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. “Tôi nhớ hồi đó, truyền thông ca ngợi nhiều, coi đó là điểm sáng của ngành nông nghiệp bởi thị trường Hoa Kỳ còn khó tính hơn nhiều so với Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì sao? Cây vú sữa Lò Rèn chỉ còn lác đác trong vườn của vài nông dân để làm kỷ niệm. Người ta trồng để nhớ về một thời có loài cây như thế từng sang Hoa Kỳ. Vậy, chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa Lò Rèn”, ông Hoan trăn trở.

 

"Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, tối nay về mọi người hãy gác tay lên trán suy nghĩ, mình là một một phần của hệ sinh thái sản xuất sầu riêng, chứ đừng vội tính chuyến hàng này sẽ lời bao nhiêu”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thêm ví dụ cho tư duy chụp giật, ông Hoan nói về việc một số thương lái đem cam ở Cao Phong, Hòa Bình đem trộn với cam ở Vinh, khi biết cam Vinh lên giá. Ông bà ta có những câu rất hay: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. “Chúng ta phải gác tay lên trán mà ngẫm xem mình đã thật sự làm hết sức, hết khả năng chưa. Nhiều khi chúng ta cứ đổ tại do vấn đề này kia, do biên giới khó khăn... nhưng sự thực không phải thế. Có người ở Bộ Công Thương nhắn tôi rằng cần kỷ luật, cần siết chặt quản lý, chứ không thể cứ mãi vuốt ve nông dân. Tôi nghĩ chúng ta đang vừa dùng kỷ luật, vừa dùng sự vỗ về. Nhưng tiến tới phải siết chặt, bảo vệ cho quyền lợi của những người làm ăn chân chính”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Làm sao để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia. Các nước này cũng đang nhìn chúng ta đang đi cùng nhau như thế nào để phát triển bền vững. Hệ sinh thái sầu riêng quan trọng hơn trái sầu riêng đơn lẻ. Bởi lẽ, hệ sinh thái từ trồng, chăm sóc, sơ chế, đóng gói mới mang lại giá trị, mang lại thương hiệu sầu riêng Việt Nam, khẳng định vị thế trái cây Việt Nam.

“Hãy nhìn nông dân Nhật Bản, họ trồng theo nền nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp chính xác, tạo ra giá trị vượt trội. Điều đó đối lập với tư duy của một số thương lái hay nông dân Việt Nam, vốn lâu nay có phần dễ dãi: Bán buổi sáng không được thì bán buổi chiều, xuất khẩu không được thì gắn biển giải cứu nông sản", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hang xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc…. Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.

“Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate