Mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất nhiều thập kỷ giúp kinh tế Hàn Quốc phục hồi, thoát khỏi tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra. Tin vui này là một dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc thương mại toàn cầu giữa lúc làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện tại nhiều thị trường chủ chốt.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố sáng 27/10 cho biết nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,9% trong quý 3 so với quý 2. Trước đó, giới chuyên gia dự báo kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng 1,3% trong quý 3, sau hai quý giảm liên tiếp trong nửa đầu năm.
Động lực chính cho mức tăng trưởng vượt dự báo này là giá trị xuất khẩu quý 3 tăng 16% so với quý 2, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ năm 1986.
Hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc đã có một quý sôi động nhờ nhu cầu chip nhớ và các sản phẩm điện tử gia tăng ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác, trong bối cảnh đại dịch khiến người dân phải làm việc và học tập tại nhà nhiều hơn. Xuất khẩu tăng kéo kéo theo việc tăng đầu tư vào máy móc và thiết bị giao thông cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu.
"Những thống kê này cho thấy sự vững vàng của một cường quốc về sản xuất", chuyên gia kinh tế Oh Jae-young thuộc KB Securities phát biểu. "Lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn đứng vững trong đại dịch, và giờ đây khi các nền kinh tế phát triển nối lại hoạt động, Hàn Quốc nhận được một cú huých"
Hàn Quốc đang phục hồi khỏi suy thoái trong một vị thế vững vàng hơn so với hầu hết các quốc gia phát triển khác, nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, và việc nước này khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Một làn sóng Covid-19 mới nổi lên ở Hàn Quốc vào cuối mùa hè vừa rồi, buộc nước này phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng đến nay, tình hình dịch đã một lần nữa được kiểm soát. Chính phủ Hàn Quốc đã nối lại việc phân phát phiếu giảm giá - một hoạt động bị ngưng lại trong thời gian làn sóng dịch bệnh thứ hai - nhằm khuyến khích người dân chi tiêu. Nước này cũng đang chuẩn bị tích cực cho một lễ hội mua sắm hàng năm vào đầu tháng 11 để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Trong một phát biểu ngày 27/10, sau khi số liệu tăng trưởng được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nói rằng nước này đã bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế nhờ xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm công nghệ. Ông Hong dự báo nền kinh tế Hàn Quốc lẽ ra đạt mức tăng khoảng 2,5% nếu không có làn sóng virus mới vào tháng 8.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc tuy mạnh nhưng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn ở Mỹ và châu Âu, hai khu vực có diễn biến bệnh dịch còn phức tạp. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như cuộc bầu cử khó đoán định sắp diễn ra ở Mỹ, cũng đặt ra thách thức đối với phục hồi kinh tế Hàn Quốc.
"Làn sóng virus thứ hai tại các nền kinh tế phát triển là vấn đề đáng ngại", chuyên gia kinh tế Rory Green thuộc công ty nghiên cứu TS Lombard nhận định khi nói về sức khỏe kinh tế Hàn Quốc. Dù vậy, ông Green vẫn cho rằng Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động học tập và làm việc trực tuyến khi các biện pháp giãn cách xã hội một lần nữa được áp dụng trên diện rộng.
Giới phân tích dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm nay của Hàn Quốc sẽ giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối thập niên 1990 , bất chấp sự hồi phục trong nửa cuối năm.
Với mức giảm 7,8%, đầu tư xây dựng là hạng mục gây sức ép lên GDP Hàn Quốc trong quý 3. Tiêu dùng cá nhân vẫn đuối, thể hiện qua mức giảm 0,1%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, nền kinh tế Hàn Quốc giảm 1,3% trong quý 3.