Cá ngừ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 sau tôm và cá tra, góp phần không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước. Tháng 7/2018, xuất khẩu cá ngừ ước đạt 48,4 triệu USD; cộng dồn 7 tháng ước đạt 351 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, 5 tháng còn lại xuất khẩu cá ngừ có khả năng đạt mục tiêu của năm 2018.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), top 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam vẫn không có sự thay đổi so với đầu năm và lần lượt là: Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Mexico, Trung Quốc.
Các thị trường chính tăng trưởng tốt
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Vasep cho biết, vào tháng 9 hàng năm là mùa tiêu thụ cá ngừ, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua phục vụ nhu cầu thị trường. Với giá trị xuất khẩu trong 7 tháng qua và những tháng còn lại trong năm, có nhiều khả năng xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt mục tiêu 500 triệu USD và về đích như kế hoạch của cả năm 2018.
Hiện trong top 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam, duy chỉ thị trường Mỹ bị giảm kim ngạch, 2 thị trường còn lại đều tăng trưởng tốt.
Cụ thể: xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm đạt 116,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 32,9%, giảm 8,9% so với cùng kỳ 2017. Kế đến là thị trường EU đạt 82,71 triệu USD, chiếm tỷ lệ 24%, tăng 23,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá ngừ sang Israel trong tháng 7 vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao 55,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu ước đạt 42,35 triệu USD, chiếm tỷ lệ 12,2% và đang trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam. Có sự tăng trưởng vượt bậc này là do các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp sang đây.
Giá trị xuất khẩu dòng sản phẩm này sang Israel trong nửa đầu năm 2018 đạt hơn 29 triệu USD, tăng gần 96% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ khác sang Israel cũng tăng so với cùng kỳ.
Đánh giá về thị trường Nhật Bản, ông Hoè cho rằng, trước đây Nhật Bản luôn đứng vị trí cao nhất, nhì trong bảng xếp hạng các thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam nhưng nay đã rơi xuống thứ 5 là do nhu cầu hoặc do họ có nguồn cung khác có mức giá cung cấp dễ chịu hơn.
Mặc dù tình hình nhập khẩu cá ngừ chung của Nhật Bản đang giảm nhưng điều đáng mừng là xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tăng liên tục qua từng tháng, xu hướng này vẫn tiếp tục cho đến nay.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản tăng trưởng đến 25%, với kim ngạch 15,78 triệu USD, và Việt Nam chỉ chiếm 3% thị phần tại thị trường này, trong khi Thái Lan đang chiếm lĩnh thị phần đến hơn 58%, Indonesia 19% và Philippines 17%.
Thị trường Mỹ tăng nhập khẩu cá ngừ
Nhập khẩu cá ngừ của Mỹ tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong các dòng sản phẩm cá ngừ, nhập khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh tăng so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế, Mỹ đã nhập khẩu 132 tấn các sản phẩm cá ngừ, trị giá 902 triệu USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 10,5% về khối lượng và tăng 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Top 5 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ (tính theo khối lượng) lần lượt là Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Ecuador.
Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam đã đổi chỗ cho nhau trong bảng xếp hạng các nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ. Chiếm 70% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Mỹ, Trung Quốc hiện đã trở thành nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ. Đặc biệt, nước này đang là nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng gói. Và chính vì điều này, Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh nặng ký của Thái Lan cũng như Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, dự kiến tháng 9 tới đây mức thuế nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nước khác tăng cường xuất khẩu dòng sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh này sang Mỹ. Nhưng đối với các sản phẩm đóng hộp, cơ hội cho các nước khác như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam không rõ ràng.
Theo ông Hoè, thông thường các tháng cuối năm là vào mùa nhập khẩu thuỷ sản chính của các nước. Các thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của chúng ta những tháng cuối năm là vào mùa lễ Tết nhu cầu chắc chắn sẽ tăng và các nhà nhập khẩu ở các thị trường này sẽ đẩy mạnh mua vào phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao.
"Đặt mục tiêu là vậy nhưng phải xem lại nguồn cung cấp của chúng ta như thế nào, vì hiện nay nguồn cung cấp chính cá ngừ của Việt Nam là từ đánh bắt nội địa và vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, cần quan sát thêm và phải đợi đến hết quý 3/2018 mới có nhận định chính xác hơn về thị trường", ông Hoè nhấn mạnh.