Với những thuận lợi về thị trường, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ có thể đạt 1 tỷ USD năm 2019, tăng 347 triệu USD so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu chế biến và vướng mắc về thủ tục nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu sẽ cản trở tăng tốc xuất khẩu nhóm mặt hàng này.
Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ đang ở thời kỳ tăng trưởng nhanh. Năm 2018, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt 653 triệu USD, tăng 10% so với năm 2017.
Doanh nghiệp gặp khó vì thông tư mới
Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ còn dư địa rất lớn để đẩy mạnh, qua việc tăng nguồn cung nguyên liệu từ nhập khẩu, đồng thời tận dụng các lợi thế và thuế quan từ các FTA đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước; bên cạnh đó nâng cao chất lượng các sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1/2019.
CPTPP được đánh giá là sẽ mang lại nhiều lợi thế và cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, do mặt hàng này sẽ được giảm thuế theo lộ trình ở nhiều quốc gia tham gia CPTPP. Đơn cử như các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sang một số quốc gia sẽ được giảm thuế theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%.
Ngoài ra, các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp mã HS16 sẽ giảm thuế theo lộ trình 16 năm, cuối cùng sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Dự kiến giá trị xuất khẩu cá ngừ năm 2019 sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2018.
Tuy nhiên, theo VASEP, doanh nghiệp của Việt Nam vẫn khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ do khó khăn về mặt nguyên liệu khiến khả năng cung ứng bị hạn chế. Một trong những hướng quan trọng là tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ chế biến sản phẩm xuất khẩu. Hiện hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến cá ngừ đang bị đảo lộn do những lô hàng nhập khẩu vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy.
Nguyên nhân là do Thông tư 36/2018/TT-NN&PTNT (Thông tư 36) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hiệu lực từ ngày 10/2/2019, nhưng cả VASEP và hầu hết các doanh nghiệp chỉ được thông báo trong khoảng 11-15/2/2019. Một vài doanh nghiệp có nhận được qua email thông báo của Chi cục Thú y ngày 3-4/2/2019, nhưng các doanh nghiệp khác thì không nhận được.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng mua nguyên liệu từ nhiều tháng trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực. Cho đến ngày các doanh nghiệp biết Thông tư 36, đã là cận hoặc sau ngày Thông tư có hiệu lực, hầu hết container đã xuất bến về Việt Nam đều chưa cập nhật được các quy định mới.
Điểm đặc biệt của thông tư mới này là, các lô hàng thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam thì phải cung cấp kèm theo lô hàng "Bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp". Trong khi, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều từ chối cấp giấy xác nhận nói trên.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ số 1
Xét về các thị trường, Mỹ tiếp tục củng cố vị trí số 1 trong các thị trường xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, năm 2018, chiếm 35% trong tổng kim ngạch mặt hàng này; giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 1,7% so với năm 2017.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng 11,5% so với năm 2017, đạt 158 triệu USD. Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 2 cho thị trường EU, sau Hàn Quốc. Lý giải về sự tăng trưởng này, VASEP phân tích, năm 2018, do sản lượng khai thác tại khu vực châu Âu giảm, khiến nguồn cung bị hạn chế.
Vì vậy, các nước EU có xu hướng tìm nguồn cung cá ngừ thay thế từ các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam. VASEP dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2019 do sản lượng khai thác tại các vùng biển vẫn thấp nên các nước EU vẫn tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam nhất là trong bối cảnh 2 bên sắp tiến tới ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
Israel đã vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của cá ngừ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Israel năm 2018 tăng 42% so với năm 2017, đạt 63 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,6%. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của nước ta vào khu vực ASEAN năm 2018 vẫn tăng 14%, đạt 50 triệu USD, đứng vị trí thứ 4 trong các thị trường của cá ngừ.
Năm 2018, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản tăng 1,7%, đạt 25 triệu USD, đưa nước này thành thị trường lớn thứ 5 của cá ngừ nước ta. Liên tục một năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Canada tăng trưởng ấn tượng, đã giúp đưa Canada trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 6 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 84% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này là cá ngừ tươi sống đông lạnh. Tuy nhiên, năm nay Canada có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam.