Áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào; thời gian nuôi kéo dài làm chi phí sản xuất tăng cao là vấn đề "nóng" được các doanh nghiệp phản ánh tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 9/12/2021.
NGUY CƠ THIẾU CÁ TRA NGUYÊN LIỆU VÀO ĐẦU NĂM 2022
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản, cho biết diện tích thả nuôi cá tra trong các tháng 7, 8, 9 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi trong các tháng 3, 4, 5, 6 và tháng 10 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 11 tháng năm 2021, tổng diện tích thả nuôi cá tra phát sinh đạt 4.830,6 ha. Ước tính diện tích thả nuôi phát sinh trong cả năm 2021 đạt 5.000 ha (tăng 5,5% so với năm 2020).
Về sản lượng cá tra thu hoạch, 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020). Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn.
Theo ông Cẩn, sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ tạm thời thích ứng an toàn và lịnh hoạt với dịch Covid-19, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cá tra cơ bản đã được khôi phục. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tập trung mua cá cỡ lớn từ 0,9 - 1,3 kg trở lên với giá từ 23.500 - 24.000 đồng/kg.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, cho hay cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra (trong đó có 80 cơ sở đang hoạt động) và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỉ con cá tra bột và 3,1 tỉ con cá tra giống, bằng 62% so với năm 2020.
“Nếu không đẩy mạnh tốc độ nuôi, thả, dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu trong quý I/2022 có thể thiếu hụt”, ông Trần Đình Luân cảnh báo.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn.
"Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tháng 12.2021 và các tháng đầu năm 2022; đẩy mạnh thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến năm 2022. Với diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 12 năm 2021 ước đạt 330ha, cần khoảng 200 triệu con giống”, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân thông tin.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ, mặc dù các doanh nghiệp đã khởi động lại hoạt động sản xuất, nhưng công suất chưa phục hồi lại như trước dịch. Áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào cộng với việc kéo dài thời gian nuôi làm chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng cá tra.
Năm 2021, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng từ 25 - 30%, trong khi giá bán cá nguyên liệu thấp hơn giá thành đã làm không ít hộ nuôi thua lỗ nặng. Thức ăn thủy sản đang chiếm từ 75 - 80% giá thành sản xuất; giá thành các vật tư đầu vào khác như: thuốc, hóa chất xử lý môi trường, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng giá từ 20 - 30%.
“Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến thị trường nên giá cá tra giống giảm mạnh. Các doanh nghiệp, nông dân không thả nuôi mới nhiều khiến giao dịch mua giống ảm đạm, tỷ lệ hao hụt cao do đang trong mùa mưa lũ. Hoạt động thu mua cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp đến nay vẫn chậm, hoạt động thả giống cũng chưa nhiều, nhất là các vùng, cơ sở nuôi sau khi thu hoạch tạm thời bỏ trống ao”, ông Nguyễn Sĩ Lâm nói.
XUẤT KHẨU CÁ TRA NĂM 2021 ƯỚC ĐẠT 1,54 TỶ USD
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhận định, những thách thức trong năm 2022 với cá tra là ngoài tác động của dịch Covid-19 thì giá thành thức ăn vẫn tăng "nóng", thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao.
"Vừa qua, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ giảm tiền điện cho khu vực chế biến, còn ở vùng nuôi không được giảm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra và Bộ cần có ý kiến với các bộ, ngành để hỗ trợ giảm tiền điện đối với các vùng nuôi", bà Tâm phản ánh.
Vì vậy. Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có chương trình hỗ trợ về con giống; trong đó, có cá tra hậu bị để có nguồn con giống chất lượng tốt hơn.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá đề nghị các tỉnh hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp với cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về quy hoạch vùng nuôi.
"Nông dân, doanh nghiệp muốn nuôi cá tra thì địa phương yêu cầu quy mô 50 ha trở lên mới làm được quy hoạch. Bởi vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân và doanh nghiệp để nuôi và mở rộng vùng nuôi cá tra", ông Hùng nói.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, năm 2021 ngành thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, trong đó, ngành hàng cá tra "dễ bị tổn thương" nhất.
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh ở TP. HCM và 18 tỉnh, thành – khu vực trọng điểm chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chính từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thì đã tháo gỡ nhiều khó khăn, ngành thủy sản đã phục hồi rất nhanh, trong đó có cá tra.
Nếu như tháng 9 và tháng 10/2021 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 82 và 136 triệu USD, thì bước sang tháng 11 đã "bứt tốc" đạt 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2020.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trưởng Mỹ chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, Brazil và Mexico là những thị trường có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực.
VASEP dự tính xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành cá tra có lợi thế, quy mô lớn và chuỗi sản xuất hoàn thiện, vấn đề là nâng cao giá trị các thành phần như: nuôi, chế biến, thương mại... Để khắc phục khó khăn và sớm phục hồi trở lại, các đơn vị cần phối hợp địa phương, doanh nghiệp triển khai tốt quy hoạch. Cơ cấu giống gắn với nuôi thương phẩm cho phù hợp, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần có bước chủ động, quan tâm phát triển thị trường, cùng với đó các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết.