Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của 2 quốc gia này, lần lượt 2,7% và 3,3%, trong khi Nhật và Hàn là Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác thương mại quan trọng Việt Nam.
CHƯA NHƯ KỲ VỌNG
Thông tin tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức vào ngày 19/4/2023, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), cho biết Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc hơn 700 tỷ USD trong năm 2022, đưa nước ta vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm tiêu dùng, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc khai thác hiệu quả các thị trường còn nhiều dư địa như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Đặc biệt, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng khi Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã ký kết và thực thi các FTA gồm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), (RCEP).
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, các tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật ngày càng khắt khe. Chỉ riêng ngành nông thuỷ sản, 5 năm trở lại đây, số lô hàng Việt xuất khẩu sang Nhật bị trả về đã tăng gần gấp đôi từ 54 lô năm 2018 lên 90 lô năm 2022.
Không chỉ nông thuỷ sản gặp khó, ngành dệt may cũng phải liên tiếp đối mặt thách thức khi không chỉ phải bền đẹp, đa dạng mẫu mã mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn thiện với môi trường.
CẦN TẬN DỤNG TIỀM NĂNG
Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản. Mặc dù là sản phẩm xuất khẩu chủ lực song hầu hết tỷ trọng hàng Việt Nam nhập vào Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất khiêm tốn.
Điển hình như mặt hàng dệt may, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Nhật bản là 24 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ đạt 2,9 tỷ USD, tương đương 12%.
Đối với mặt hàng da giày, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 4,5 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt sang Nhật chỉ đạt 823 triệu USD, chiếm 18,2% thị phần. Đặc biệt, mặt hàng chuối tươi và sấy khô, mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập khẩu, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được 6,6 triệu USD, chiếm 0,6% thị phần.
“Những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt không còn là thuế quan mà ở mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường-xã hội. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu,” ông Hưng cho biết.
Một thuận lợi nữa là Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.
Riêng Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào năm 2022, là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam.
Để đẩy mạnh thương mại song phương, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM), cho rằng trong ngắn hạn cần ưu tiên bảo đảm khả năng cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc đối với hàng Việt Nam, về giá cả, sự đa dạng và cả bao bì, cách tiếp thị.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa, bao gồm đường xá, bến cảng và hàng không; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện...
“Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ ngành công nghiệp, doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường”, ông Choi Kyu Chul nhấn mạnh.
Thông tin về kim ngạch xuất nhập khẩu đối với 2 thị trường trên, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 86 tỷ USD, Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 47 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 21,2% so với 2021. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 679,9 triệu USD, chiếm 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP).