March 23, 2023 | 07:06 GMT+7

Xuất khẩu dần hồi phục, nhóm hàng chủ lực lấy lại đà tăng trưởng

Huyền Vy -

Nếu như trong 15 ngày cuối tháng 2, xuất khẩu giảm tới 7,2%, thì sang đến 15 ngày đầu tháng 3 đã tăng trở lại với 6,9%. Đáng chú ý, một số nhóm hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may có mức tăng trưởng khá tốt…

Trong kỳ 1 tháng 3/2023, xuất khẩu tăng 6,9% so với kỳ 2 tháng 2/2023.
Trong kỳ 1 tháng 3/2023, xuất khẩu tăng 6,9% so với kỳ 2 tháng 2/2023.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong kỳ 1 tháng 3/2023 (từ ngày 01/3 đến ngày 15/3/2023) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2023. 

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2023 đạt 122,95 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 18,39 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,66 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 11,9 tỷ USD).

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,34 tỷ USD, tăng 6,9% (tương ứng tăng 865 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 2/2023.

Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 342 triệu USD (tương ứng tăng 18,2%); hàng dệt may tăng 149 triệu USD (tương ứng tăng 13,7%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 107 triệu USD (tương ứng tăng 297%); phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng 100 triệu USD (tương ứng tăng 21,6%)...

Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,94 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 7,64 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: hàng dệt may giảm 1,27 tỷ USD (tương ứng giảm 18%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 963 triệu USD (tương ứng giảm 30,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 906 triệu USD (tương ứng giảm 8,9%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 577 triệu USD (tương ứng giảm 5%) so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2023 đến 15/3/2023 và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2023 đến 15/3/2023
và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 525 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 47,08 tỷ USD, giảm 8,7%, tương ứng giảm 4,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 29,4% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 620 triệu USD (tương ứng tăng 23,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 383 triệu USD (tương ứng tăng 28,7%); nguyên vật liệu ngành dệt, may, da giày (bông, vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày) tăng 277 triệu USD, (tương ứng tăng 34%)...

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% (tương ứng giảm 10,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,92 tỷ USD (tương ứng giảm 64,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,95 tỷ USD (tương ứng giảm 11%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 1,44 tỷ USD (tương ứng giảm 16,5%) so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2023 đến 15/3/2023 và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 1/1/2023 đến 15/3/2023
và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 24,1% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 39,6 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 7,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 490 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,94 tỷ USD.

Mặc dù, hoạt động xuất khẩu trong kỳ đầu tiên của tháng 3 đã cho thấy tín hiệu khởi sắc, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước không ít thách thức.

Đó là, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị và xung đột giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Lạm phát tăng cao, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch Covid-19 ở một số nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu, theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

Bên cạnh đó, yêu cầu bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn xanh hóa các sản phẩm từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Những tiêu chuẩn mới từ các thị trường xuất khẩu sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi để đáp ứng. Chẳng hạn, liên minh châu Âu sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Đây là yếu tố mới, tác động lớn vào tính cạnh tranh của sản phẩm.

Để giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate