Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4% đạt 1,64 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 35,7%. Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD.
Bộ Công Thương nhận định, ngành dệt may trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và đi vào thực thi.
Nhờ đó, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4/2021 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,9% và 29,4%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất trang phục tăng 9,5%. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 201 triệu m2, tăng 10,1% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 378,3 triệu m2, tăng 6,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.492,4 triệu cái, tăng 8,9%; Giầy dép da ước đạt 94,1 triệu đôi, tăng 13,3%.
Như vậy hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
Để bền vững trong tháng 5/2021 và những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương đề xuất, Lãnh đạo các đơn vị quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thúc đẩy xuất khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.