Số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%. Xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm vải địa kỹ thuật (vải làm đường, làm lốp xe) vào các thị trường Canada, Mỹ và Ấn Độ. Ước tính trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng.
Như vậy, con số xuất khẩu dự kiến cả năm 2021 dệt may Việt Nam sẽ đạt 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.
Theo Vitas trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất, hoặc giảm công suất xuống còn 20-40% trong nhiều tháng liền, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.
Nhưng đến nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động đã quay trở lại làm việc ở các nhà máy với tỷ lệ 92 - 93%.
Chủ tịch Vitas cũng chia sẻ, trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không đáp ứng được tiến độ giao hàng nên đã có số lượng nhất định đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ Tết 2022 được chuyển đi, ước tính khoảng 13%-14%.
Tuy vậy, có dấu hiệu các đơn hàng quay lại (niên vụ 2022) kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về kiểm soát, sống chung với Covid-19 trong tình hình mới.
“Chính vì vậy, chúng tôi đặt niềm tin vào mục tiêu cho dệt may Việt Nam năm 2022 là xuất khẩu khoảng 43,5 tỉ USD dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu", ông Giang kỳ vọng.
Song để đạt mục tiêu này, theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, ngành dệt may phải bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, thị trường khối CPTPP và EVFTA.
Đặc biệt, để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này, việc sử dụng bông và nguyên liệu đầu vào minh bạch phải tiếp tục đẩy mạnh. Đó là thực hiện trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, với nhãn hàng, với môi trường…
“Điều này không chỉ giải quyết mục tiêu xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện chương trình xanh hóa và phát triển bền vững của ngành dệt may”, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cũng đồng tình, ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường. Bông là nguyên liệu rất tốt cho môi trường, là nguồn nguyên liệu đầu vào chính của ngành sợi. Do vậy, bông phải được trồng theo qui trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu...
“Đến năm 2025, tất cả các nhãn hàng chuyển qua sử dụng bông bền vững, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp đi theo thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh”, ông Hùng khuyến cáo.