November 21, 2018 | 10:46 GMT+7

Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản về đích trước 2 năm

Nguyên Mẫn

Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 28.200 tỷ đồng năm 2016 lên 31.345 tỷ đồng năm 2018

Xuất khẩu lâm sản chiếm 68% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Xuất khẩu lâm sản chiếm 68% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Năm 2018, xuất khẩu lâm sản ước đạt 9,0 tỷ USD, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng. Chính phủ phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu lĩnh vực này đạt 11,0 tỷ USD, bằng 133% so với mục tiêu chương trình.

Đó là thông tin trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 8,03 tỷ USD năm 2017, xuất siêu 5,4 tỷ USD, chiếm 22,1% tổng giá trị xuất khẩu.

Mở rộng, thâm nhập thị trường nước ngoài

Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 28.200 tỷ đồng năm 2016 lên 31.345 tỷ đồng năm 2018, tăng bình quân 5,73%/năm; đến năm 2020, ước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, tăng 6.800 tỷ đồng so với năm 2016, tương ứng tăng khoảng 5,7%/năm.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. 

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng 5,7 triệu m3 so với năm 2015, từ 12,8 triệu m3 năm 2015 lên khoảng 18,5 triệu m3 năm 2018, tương ứng tăng 145%; Ước đến năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 19,5 - 20 triệu m3, tương ứng tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015. 

Trong đó, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 2,0 triệu m3. Nhờ sản lượng rừng trồng tăng như vậy đã tạo điều kiện chủ động được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Rừng Việt Nam dường như đã qua thời kỳ bị tàn phá không thương tiếc, khi các kết quả cho phát triển rừng những năm trở lại đây đều rất đáng ghi nhận. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,45% năm 2017; năm 2018, ước đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo nghị quyết của Chính phủ, ước đạt 42%, đạt mục tiêu của chương trình. 

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm rõ rệt so với giai đoạn 2011 – 2015. Cụ thể, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 là 136.125 vụ, trung bình 27.265 vụ/năm; trong 3 năm 2016 - 2028, xảy ra 52.995 vụ, bình quân 17.665 vụ/năm, giảm trung bình 9.600 vụ/năm so với giai đoạn 2011 - 2015, tương ứng giảm 35%. Ước giai đoạn 2016 - 2020, xảy ra khoảng 83.000 vụ, giảm 39% so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt 4% so với nhiệm vụ của chương trình.

Giảm diện tích rừng bị thiệt hại

Diện tích rừng bị thiệt hại giai đoạn 2011 - 2015 là 13.239 ha, trung bình 2.700 ha/năm; trong 3 năm 2016 - 2018, diện tích rừng bị thiệt hại là 7.283 ha, trung bình 2.430 ha/năm, giảm 270 ha/năm, tương ứng giảm 10% so với giai đoạn 2011 - 2015; ước giai đoạn 2016 - 2020, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 9.100 ha, bình quân 1.820 ha/năm, tương ứng giảm 30% so với giai đoạn 2011 - 2015, đạt nhiệm vụ của chương trình.

Diện tích rừng được khoán cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tăng từ 4,944 triệu ha/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 6,143 triệu ha/năm giai đoạn 2016 - 2018. Ước giai đoạn 2016 - 2020, đạt 6,2 triệu ha/năm. 

Trong công tác bảo tồn thiên nhiên, so với năm 2015, diện tích rừng đặc dụng toàn quốc giai đoạn 2016 - 2018 tăng thêm 79.283 ha. Ước giai đoạn 2016 -2020, tăng thêm 100.000 ha, đạt 100% nhiệm vụ của chương trình. 

Phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, theo kết quả rà soát, diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái cần phục hồi đến năm 2020 tương ứng với 25.500 ha. Đến nay, đã phục hồi được 25.273 ha, đạt 99,1% nhiệm vụ của cả giai đoạn 2016 - 2020. Ước đến năm 2020 phục hồi được 32.300 ha, đạt 127% nhiệm vụ của chương trình. 

Công tác trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai. Trồng rừng tập trung giai đoạn 2016-2018, đã trồng được 675 nghìn ha, đạt 65,8% nhiệm vụ của chương trình; ước giai đoạn 2016 - 2020 trồng được khoảng 1,1 triệu ha, đạt 107,3% nhiệm vụ của chương trình...

Xuất khẩu lâm sản chiếm 68% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đứng thứ 6 trong các ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, chỉ sau Trung Quốc, Đức, Italia và Ba Lan. Thị phần xuất khẩu lâm sản của Việt Nam chiếm khoảng 6,0% tổng giá trị của thị trường lâm sản thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate