Cuối tháng 1, Bangkok Post của Thái Lan đã có một bài viết dài khen Việt Nam đã có chiến lược sản xuất gạo thông minh.
Tuy nhiên, những lời khen ngợi của người Thái – một đối thủ của Việt Nam trong ngành hàng lúa gạo, chỉ có thể làm người trong ngành vui một chút, bởi thực tế cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, làm sao để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Nhìn vào số liệu xuất khẩu gạo hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thấy, Trung Quốc là thị trường chủ lực mà Việt Nam đang tập trung khai thác. Mỗi năm, Việt Nam đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, tương đương 35% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
QUÁ PHỤ THUỘC VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Quan sát nguồn nhập khẩu gạo của Trung Quốc cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt giữa Thái Lan và Việt Nam. Nếu như năm 2008, Thái Lan chiếm 94,7% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc, Việt Nam chiếm chỉ 1,73% thì năm 2013 cán cân đã hoàn toàn đảo ngược, Việt Nam chiếm 63,5% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc, trong khi Thái Lan chỉ còn chiếm 19,8%. Tuy vậy, xu hướng lại tiếp tục đổi chiều khi đến cuối 2017, Việt Nam chỉ còn chiếm 52,9% và Thái Lan chiếm 30,3%.
Trung Quốc là một thị trường lớn nên không chỉ có Việt Nam hay Thái Lan mà những nước sản xuất lúa gạo khác như Campuchia, Pakistan và Myanmar thời gian qua đã có những động thái để xâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới này nên về lâu dài, đây là những đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đến từ trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đưa ra trong báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long 2020, thì chính sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thị trường Trung Quốc đạt ngành sản xuất lúa gạo luôn trong tình trạng rủi ro, đặc biệt về giá, vì người mua có nhiều lựa chọn khác nhau. Điều này hàm ý rằng nếu không đa dạng thị trường, thì bài toán được mùa mất giá và mất mùa được giá vẫn là quy luật tất yếu.
Ngoài thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Á, gạo Việt Nam còn xuất sang thị trường các nhóm nước vùng vịnh và các nước châu Phi. Tuy vậy, đây là các thị trường đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi Ấn Độ và Thái Lan nhờ vị trí địa lý thuận lợi hơn so với Việt Nam trong khả năng tiếp cận thị trường.
Trên thị trường gạo toàn cầu hiện nay đang diễn ra sự cạnh tranh giữa ba quốc gia là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam khi 3 quốc gia này đáp ứng tới 55–60% nhu cầu thế giới. Trong thập niên vừa qua, mặc dù luôn duy trì vị trí thứ 3, song thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm, từ mức 15% trong 2010 xuống còn 10% năm 2017.
Về giá cả và sản lượng, theo một thành viên trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác nhập khẩu. Cũng chính vì thế mà đã có một thời gian dài, sau khi nông dân Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hoạch xong vụ đông xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VFA phải ngồi lại với nhau bàn về chuyện mua 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) dự trữ.
Khi nghiên cứu về ngành hàng lúa gạo, FSPPM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận ra rằng, một trong những bất lợi của cụm ngành là chất lượng lúa gạo Việt Nam không đồng nhất do các hộ sản xuất cũng như một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa gạo chưa có nhận thức kinh doanh đúng đắn và tư duy kinh tế theo hướng kinh doanh lớn, hiện đại và minh bạch. Cụ thể, một bộ phận lớn các hộ sản xuất vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm lúa giống. Một số doanh nghiệp tuy biết nhưng vẫn thờ ơ với tình trạng này. Các hành vi trên làm cho phẩm chất gạo của Việt Nam bị sụt giảm và không đồng nhất.
Thêm vào đó, một số doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế chạy theo lợi nhuận trong ngắn hạn, để có thể bán được giá cao đã sẵn sàng khuyến cáo cho các hộ sản xuất gieo trồng những loại giống đang có thương hiệu mạnh trên thị trường nhưng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Đơn cử là cho vấn đề này là câu chuyện gạo ST25 hiện nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" và có hiệu lực từ ngày 26/1/2021. Theo đó, đến năm 2025, giữ diện tích đất lúa 3,6 - 3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7,0 - 7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40 - 41 triệu tấn. Như vậy, có thể thấy Việt Nam vẫn xem an ninh lương thực gắn liền với cây lúa, hạt gạo.
Theo VCCI, chính sách an ninh lương thực của Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của cây lúa, đặc biệt là quy định hạn chế chuyển đổi đất trồng lúa, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ đi kèm vẫn còn thiếu. Còn trên thực tế, để cải thiện sinh kế và giảm thiểu rủi ro, các hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi cây lúa sang các loại rau màu khác ngày càng nhiều.
Điều này cũng bình thường và dễ hiểu vì với nông dân nếu trồng lúa mà không đảm bảo thu nhập, họ có mong muốn chuyển sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, vấn đề an ninh lương thực của quốc gia và thu nhập của người nông dân đang có những mâu thuẫn với nhau. Do đó, để giữ được diện tích trồng lúa 3,6-3,7 triệu ha, Việt Nam phải có cách tiếp cận khác.
ĐỂ NÔNG DÂN THÍCH TRỒNG LÚA
Theo VCCI, để người dân an tâm vào cây lúa, không chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều kiên quyết là ngành nông nghiệp phải tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm gạo, giúp ngành hàng mở rộng thị phần trên thương trường quốc tế nhờ đó tạo điều kiện nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Đi liền với đó, phát triển cánh đồng lúa lớn sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của người mua, giúp Việt Nam duy trì và gia tăng thị phần trên thương trường, nhờ đó nâng cao giá trị xuất khẩu. Tiếp tục duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm giúp cho hạt gạo Việt Nam tham gia được những thị trường khó tính, có giá cả xuất khẩu tốt hơn, nhờ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.
Đối với khâu liên kết, cần phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, góp phần đảm bảo sản lượng xuất khẩu ổn định cả về số lượng và chất lượng nhờ đó duy trì và phát triển thị phần trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường mối liên kết dọc giữa các tổ chức kinh tế hợp tác với các doanh nghiệp/công ty cung ứng vật tư đầu vào để giảm chi phí trung gian trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Theo một số chuyên gia kinh tế, về lâu dài, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận với tư duy an ninh lương thực phù hợp với thay đổi trong nhu cầu lương thực thế giới theo hướng chú trọng chất lượng thay vì số lượng, giá trị thay vì sản lượng. Định nghĩa lại "an ninh lương thực" một cách rộng rãi, không chỉ bao gồm lúa (và diện tích trồng lúa) mà còn bao gồm các lương thực, thực phẩm khác.
Cần có chính sách cho phép người dân sử dụng đất đai trồng lúa một cách linh hoạt hơn trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung của vùng/quốc gia. Chẳng hạn như, các hộ nông dân có thể sử dụng đất được quy hoạch trồng lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ tôm hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ màu, thậm chí chuyển sang trồng 2 vụ mùa trong một niên vụ nào đó, sao cho họ đạt được mức thu nhập cao nhất như có thể trong năm sản xuất;
Ngoài ra, để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sinh kế cho người nông dân, chúng ta vẫn còn đến vai trò của Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như Trung Quốc hiện nay.