Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 12/2024, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 520 nghìn tấn gạo, thu về 390 triệu USD. Luỹ kế cả năm, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023.
VẪN CHƯA VƯỢT ĐƯỢC THÁI LAN
Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam tăng đột biến, tăng 0,9 triệu tấn so với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023, nhưng vẫn chưa thể vượt qua Thái Lan, nên Việt Nam vẫn phải đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo.
Nguyên nhân được xác định là do khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây nhờ vào nhu cầu tăng mạnh từ Indonesia, Philippines và các nước nhập khẩu khác, với tổng lượng xuất khẩu 10 triệu tấn. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu, với 17 triệu tấn trong năm 2024.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Philippines là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam rất ưa chuộng gạo thơm nên dù thế giới có nguồn cung tăng từ Ấn Độ nhưng cũng không thay thế được. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia.
Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao. Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.
ĐỒNG THÁP ĐỨNG ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ XUẤT KHẨU GẠO
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng khá tốt các cơ hội để tăng cường xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2024 tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu gạo ước đạt 1,366 triệu tấn, kim ngạch 865 triệu USD.
"Khối lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp trong năm nay tăng 157,59% so với năm 2023, và đạt 227,67% kế hoạch năm 2024. Đây là năm mà Đồng Tháp tăng trưởng khá ấn tượng trong việc xuất khẩu gạo ra nước ngoài".
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp.
Với việc chiếm tới 15,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 15,3% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của cả nước, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên dẫn đầu nước ta về xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 174 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo, ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo năm 2024 đạt 2,1 triệu tấn, tăng 17,25% so với năm 2023.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dây chuyền công nghệ chế biến hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.
Đối với sản xuất lúa, nông dân tỉnh Đồng Tháp ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao. Đa số bà con nông dân sản xuất 3 vụ lúa trong năm 2024 sử dụng các giống lúa chất lượng cao như lúa Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 6976, OM 4900, Nàng hoa 9, VD 20, lúa Nhật. Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, bà con sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình-khá. Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu bà con sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.
Đặc biệt, giống lúa OM18 được nhiều nông dân ưa chuộng hơn, vì giúp tăng thu nhập từ việc bán với giá cao hơn lúa OM5451 từ 500-700 đồng/kg và cao hơn lúa IR50404 từ 700-800 đồng/kg. Hạt gạo từ giống lúa OM18 thon dài, trong, cho cơm trắng, mềm, có mùi thơm nhẹ, đây là một trong những loại gạo có giá trị kinh tế cao, đặc biệt gạo từ giống lúa OM 18 đạt chuẩn xuất khẩu.
XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2025 SẼ KHÓ HƠN
Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ đối diện với nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ. Dự báo năm 2025, Ấn Độ có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.
Thực tế, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.
"Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, dự báo sẽ giảm nhập khẩu trong năm 2025. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh trong năm 2024 cũng là điều đáng chú ý".
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Sự sụt giảm này phản ánh rõ nét bối cảnh cung cầu toàn cầu, khi Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới.
Theo báo chí Philippines, lượng dự trữ gạo tại nước này đang dư thừa và phải bán ra thị trường với giá thấp để tránh hư hỏng. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác giữa Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ nhằm tạo sân chơi bình đẳng về giá cũng gây áp lực lên gạo Việt Nam.
Để gỡ khó cho xuất khẩu gạo hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến nghị các ngân hàng hỗ trợ vay vốn và ngành thuế nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiềm năng và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho doanh nghiệp.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao, đồng thời chuyển đổi cơ cấu trồng lúa kết hợp với các mô hình nông nghiệp bền vững như lúa-tôm, lúa-cá.
Bà Hương cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có chiến lược linh hoạt và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định. Dù giá xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung toàn cầu tăng, nhưng gạo Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh nếu giữ vững tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn, và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.