Ngày 26/4/2024, tại Cần Thơ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới”.
QUÝ 1/2024 KHẢ QUAN NHƯNG VẪN TIỀM ẨN KHÓ KHĂN
Nhận định về thị trường thương mại gạo toàn cầu năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết vẫn phải đối mặt với những thách thức như nguồn cung gạo toàn cầu giảm do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam quý 1/2024 vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 1/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý 1/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Gạo Việt Nam trong quý 1/2024 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý 1/2023.
Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức.
Trong đó, chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, việc tận dụng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế.
Từ khi ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP đến nay, xuất khẩu chủng loại gạo này vẫn đang do các thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan.
Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông cũng khiến sức cạnh tranh của gạo Việt Nam giảm.
CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
Để xuất khẩu gạo vượt qua các thách thức trong năm 2024, ông Sơn cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ,…
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Ông Sơn cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông qua trao đổi với các thương nhân, doanh nghiệp hội viên và các đối tác liên quan, chủ động tìm hiểu và thông tin tới Bộ Công Thương những yếu tố cần lưu ý từ các thị trường gạo thế giới, đặc biệt với các thông tin dự báo chính sách, động thái của Chính phủ các nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu gạo.
Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh để lệ thuộc vào một thị trường trong đó tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thế hệ mới mang lại như các khu vực thị trường mới như châu Mỹ (Peru, Mexico), EU.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng nhận định, xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo.
Hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với thóc, gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đối với các thương nhân xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Thắng yêu cầu cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam để khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết.
Chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.