Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ASEAN là thị trường lớn với gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, nên gạo của Việt Nam có nhiều tiềm năng tại thị trường này.
TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU LỚN
Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020.
Mặc dù là nước sản xuất lúa gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng Indonesia cũng được đánh giá là thị trường lớn của gạo Việt Nam. Diện tích canh tác lúa gạo của Indonesia năm 2021 là 10,41 triệu ha đạt 54,42 triệu tấn thóc, năng suất bình quân 5,22 tấn/ha.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết lượng gạo tiêu thụ bình quân ở Indonesia là 93kg/người/năm, với tổng nhu cầu 30,1 triệu tấn/năm.
Tuy là nước sản xuất lúa gạo nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu gạo do phải đảm bảo lượng gạo dự trữ quốc gia, năng suất trồng lúa gạo của Indonesia thấp, giá thành cao, thu nhập mang lại cho người nông dân thấp nên họ không thiết tha với sản xuất lúa gạo…
Trong vài năm gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Indonesia tương đối ổn định. Năm 2019, nước này nhập khẩu 444.500 tấn, trị giá 184 triệu USD; năm 2020 là 356 nghìn tấn, 195 triệu USD và đến năm 2021 là trên 407 nghìn tấn, với trị giá 184 triệu USD.
Gạo nhập khẩu vào Indonesia chủ yếu từ Pakistan, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Trong đó Pakistan chiếm 31% sản lượng gạo nhập khẩu của Indonesia năm 2020, Việt Nam chiếm 24,9%, Thái Lan chiếm 24,8%.
Năm 2021, Ấn Độ cung cấp cho Indonesia là 215.380 tấn chiếm 52,8% tổng lượng gạo nước này nhập khẩu, còn Thái Lan chiếm 17%, Việt Nam 16,1%, Pakistan chiếm 12,8%. Ngoài ra, một lượng nhỏ gạo nước này nhập khẩu từ Myanmar.
Về cơ cấu, chủ yếu Indonesia nhập khẩu gạo chất lượng cao từ Việt Nam, Thái Lan, còn nhập từ Pakistan và Ấn Độ là gạo 100% tấm.
Với thị trường Malaysia, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, bà Trần Lê Dung cho biết, Malaysia có 32,7 triệu dân, gạo được coi là lương thực chính. Nhưng nước này chỉ có 0,7 triệu ha trồng lúa gạo (diện tích ít nhất Đông Nam Á về trồng lúa gạo) nên không đáp ứng nhu cầu về cung cấp lúa gạo.
Gạo sản xuất tại Malaysia chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên hàng năm vẫn phải nhập trung bình 1 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và dự trữ.
“Gạo Việt Nam chiếm vị trí quan trọng nhất trong sản lượng nhập khẩu gạo hàng năm của Malaysia. Số liệu thống kê của quốc gia Malaysia cho thấy, số lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng tăng cao. Năm 2018 gạo Việt Nam chiếm 26,3 lượng gạo Malaysia nhập khẩu, đến 2019 chiếm 44%, năm 2020 là 41,9%. Tuy nhiên sang 2021, gạo Việt Nam chỉ chiếm 23,1% do hợp đồng gạo với Việt Nam kết thúc và giá gạo Ấn Độ rẻ hơn”, bà Dung thông tin.
XÂY DỰNG, QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU ĐỂ TĂNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH
Dù là các thị trường tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu gạo sang các nước ASEAN, nhưng trước mắt vẫn có những thách thức không nhỏ để giữ vững và mở rộng thị phần.
Đối với thị trường Indonesia, ông Cường cho biết nước này bảo hộ nền sản xuất lúa gạo trong nước nên có chính sách quản lý nhập khẩu gạo khá chặt chẽ, theo cơ chế cấp phép và giới hạn chủng loại gạo được phép nhập khẩu.
Các loại gạo nhập khẩu vào nước này là những loại trong nước chưa thể sản xuất hoặc không đáp ứng được như gạo chất lượng cao từ 0-5% tấm, gạo dành cho những người tiểu đường và gạo 100% tấm phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, gạo xuất sang Indonesia phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước này như quy định về hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật; đáp ứng quy định về hàm lượng tối đa các độc tố vi nấm… Đặc biệt, phải được kiểm nghiệm bởi 1 trong 10 phòng kiểm nghiệm Việt Nam đã được Indonesia phê duyệt.
Mặc dù gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Indonesia (top 3 trong những nước cung cấp gạo cho Indonesia), song theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới. Đó là chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước khiến nhu cầu nhập khẩu gạo có xu hướng sụt giảm.
Hơn nữa, Chính phủ Indonesia ngày càng thúc đẩy trồng lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng lúa chuyên canh, tập trung, phát triển và mở rộng hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm nhiều hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, đưa ra các chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa như trợ cấp phân bón, phát triển nhiều giống lúa, đảm bảo đầu ra cho nông dân, hỗ trợ và khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp…
Ngoài ra là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa gạo Thái Lan và Việt Nam ở phân khúc gạo chất lượng cao trong bối cảnh nhập khẩu gạo của Indonesia sụt giảm.
“Nhận diện thương hiệu gạo của Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự mạnh. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có nhiều dấu hiệu nhận biết với người tiêu dùng nước này.
Tầng lớp trung lưu của Indonesia đông đảo, gần 60 triệu người, tương đương Hàn Quốc, Tây Ban Nha… nên nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao cũng ngày càng gia tăng trong bối cảnh khả năng cung ứng gạo chất lượng cao trong nước còn nhiều hạn chế. Các loại gạo thơm hay đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 hoàn toàn có khả năng gia tăng thị phần tại thị trường này.
Nhưng nhiều doanh nhân nhập khẩu gạo lớn chưa biết đến gạo chất lượng cao của Việt Nam như ST24, ST25. Do đó, trước sức ép cạnh tranh này, công tác quảng bá gạo Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nhiều”, ông Cường đề xuất.
Cùng quan điểm trên, bà Dung cho rằng, Công ty Bernas Berhad là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu gạo trắng dài của Việt Nam nhưng họ nhập theo container gạo thô, sau đó về nước đóng gói và dán nhãn mác dưới thương hiệu của họ. Vì thế, người tiêu dùng Malaysia chỉ biết đến thương hiệu gạo của Bernas Berhad mà không biết đó là gạo của Việt Nam. Đây là điểm bất cập cần được cải thiện.
Theo bà Dung, để người tiêu dùng biết đến gạo Việt Nam, cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông về gạo Việt. Hiện tại một số siêu thị Malaysia có hình thức gửi hàng mẫu tại các gian hàng. Doanh nghiệp sẽ mất phí thời gian đầu để giới thiệu hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý đến hình thức quảng bá này, bởi trong quá trình trưng bày, quảng bá, sản phẩm có nhiều người hỏi mua thì siêu thị sẽ nhập hàng, đồng thời các doanh nghiệp khác cũng sẽ quan tâm. Mặt khác, để đa dạng mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh xuất khẩu gạo nếp vì nhu cầu tại Malaysia cũng rất cao.
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, lượng gạo của Việt Nam vào Singapore tăng đặc biệt với mặt hàng gạo tẻ trắng, năm 2021 tăng gần 30% so với năm 2020.
Trong 10 quốc gia xuất khẩu gạo vào Singapore năm 2021, Việt Nam vẫn duy trì ở vị trí thứ 3, sau Thái Lan và Ấn Độ. Gạo Việt Nam chiếm gần 26% thị phần, tuy nhiên so với vị trí số 1 là Thái Lan (36,46%) còn rất xa. Gạo Ấn Độ chiếm hơn 28% thị phần gạo nhập của Singapore.
Để cạnh tranh được với vị trí số 1 và số 2, các doanh nghiệp gạo Việt Nam cần rất cố gắng. Các doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn có thể mở các chi nhánh hoặc công ty con tại Singapore để mở rộng và phát triển thị phần gạo Việt Nam.