Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, do đó việc xúc tiến thương mại ngoại thương cần được chú trọng.
SĂN KIẾM CÁC NHÀ MUA LỚN
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), nhận định do dịch bệnh nên việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại năm 2020 và 2021 gặp khó khăn không thể thực hiện trực tiếp đã hạn chế khả năng tìm kiếm, mở rộng thị trường của doanh nghiệp nước ta.
Năm 2022, việc Chính phủ thực hiện chủ trương mở cửa kinh tế và các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ góp phần giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả được tiếp xúc trực tiếp với các đối tác tiềm năng ở các nước, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.
Song, theo đại diện VINAFRUIT, khi Chính phủ đẩy nhanh việc cấp hộ chiếu vaccine giúp công tác xin visa được thuận lợi nhanh chóng. Hiệp hội cũng đề nghị thương vụ quan tâm tổ chức các hội nghị, hội thảo tại hội chợ hay tại sứ quán để doanh nghiệp Việt Nam tham gia xúc tiến thương mại (XTTM) có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp đối tác nước ngoài hoặc chính quyền nước sở tại để kết nối giao thương các mặt hàng rau quả của Việt Nam.
Đối với một số thị trường và khu vực trọng điểm của xuất khẩu rau quả Việt Nam như thị trường Mỹ, Hiệp hội đề nghị thương vụ cần tìm kiếm các doanh nghiệp Mỹ có khả năng tiêu thụ các mặt hàng rau quả tươi Việt Nam đã được phép xuất khẩu sang Mỹ, cùng các mặt hàng chế biến để kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng thích hợp.
Đối với thị trường EU, ông Nguyên đề xuất các thương vụ ở EU cần nhấn mạnh vai trò thông tin, kết nối, tìm kiếm doanh nghiệp EU có khả năng để giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước tiếp xúc, tiến tới làm ăn mua bán rau quả tươi và chế biến lâu dài.
Riêng với thị trường rộng lớn Trung Quốc, thương vụ cần nỗ lực quảng bá các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường này góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc nhằm góp phần tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch.
Hiện mặt hàng hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 110 thị trường thế giới, đứng đầu là thị trương EU, châu Mỹ, Trung Đông… Năng lực sản xuất hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 200.000 tấn năm 2021.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cũng đồng tình khẳng định, thương vụ kết nối với nhà mua lớn, những nhà bán buôn có tiềm năng, các siêu thị để thuyết phục họ quan tâm tới hồ tiêu Việt Nam hơn nữa.
CẬP NHẬT KỊP THỜI CÁC THAY ĐỔI HÀNG RÀO KỸ THUẬT
Bên cạnh việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng, các hiệp hội đều nhấn mạnh, vấn đề hàng rào kỹ thuật cũng cần được cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đơn cử như các thay đổi trong hàng rào kỹ thuật của Mỹ cũng như kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này.
Với thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyên, cần thúc đẩy sớm ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch để giảm tỷ lệ kiểm tra của Trung Quốc. Thúc đẩy góp phần mở cửa thị trường thêm cho một số mặt hàng rau quả của nước ta như sầu riêng, chanh dây, chanh không hạt, bưởi, na dai…
Đồng thời, thông tin kịp thời các thay đổi (nếu có) trong các quy định về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề kiểm tra kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, các chủ trương xuất nhập khẩu mới áp dụng… tránh cho doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại do bất ngờ, bị động như tình trạng ùn tắc xe container ở biên giới trước đây và hiện nay.
Về thị trường EU, kịp thời thông báo cho nhà xuất khẩu biết sớm các thay đổi về dư lượng MRL của các sản phẩm rau quả nhập khẩu của EU. Thương vụ làm việc với các cơ quan hải quan EU giảm bớt tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra MRL đối với rau quả Việt Nam như thanh long, xoài.. giúp doanh nghiệp sớm giải phóng hàng tránh tăng chi phí lưu kho bãi.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại hay xâm phạm bản quyền thương hiệu nếu có.
Nhấn mạnh thách thức với ngành thép trong thời gian tới khá lớn, đó là nguồn cung thép dư thừa toàn cầu; xu hướng bảo hộ gia tăng trên thế giới, trong đó có ngành sản xuất thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lo ngại, nguy cơ đối mặt các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam tại các quốc gia nhập khẩu. Trong thời gian kể từ 2004 – 3/2022, số vụ nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam là 66 vụ việc.
Mỹ là thị trường quan trọng ở cả hai chiều của ngành gỗ. Mỹ cũng là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng là nước tiêu thụ nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Mỹ đứng thứ hai sau Trung Quốc.
Do đó ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này để doanh nghiệp trong nước chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và đối phó hiệu quả với các biện pháp điều tra.
ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU VIỆT
Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt tại thị trường nước ngoài cũng vô cùng quan trọng với doanh nghiệp. Theo ông Nguyên, các thương vụ nước ngoài cần quảng bá, xây dựng, tư vấn bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam cũng như của doanh nghiệp tránh bị xâm phạm, như vụ gạo ST-25 vừa qua.
Ông Hoài mong muốn thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải thông điệp Việt Nam đang trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới.
Ngành gỗ Việt Nam tham vọng trong 3 năm tới sẽ vươn lên trở thành một trong những trung tâm chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Đồng thời kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững với nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp.
Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu nhiều dăm gỗ, viên nén gỗ sinh khối, ván gỗ nhân tạo… Tất cả những sản phẩm này các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng lượng gỗ sạch. Nhưng đâu đó vẫn còn nghi ngại, hiểu sai cho rằng Việt Nam không đảm bảo gỗ sạch vì thế thời gian qua bị ách tắc một vài chuyến tàu viên nén gỗ sinh khối.
Hiệp hội Gỗ sẵn sàng cung cấp tài liệu chứng minh Việt Nam chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, với nguồn cung ứng nguyên liệu sạch, tin cậy để sản xuất chế biến sang thị trường Nhật.
Sản lượng sản xuất thép thô của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Hiện Asean là thị trường xuất khẩu thép truyền thống và lớn nhất của Việt Nam với 26,8%, tiếp đến là Trung Quốc, EU, Mỹ, Đài Loan (TQ).
Vì thế ông Thái mong muốn các thương vụ tham gia kết nối nhu cầu nước bạn về sản phẩm thép với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thép trong nước có uy tín.
Cần tổ chức đối thoại thường niên để tạo điều kiện cho hiệp hội và doanh nghiệp giao lưu với các doanh nghiệp phía bạn. Hỗ trợ doanh nghiệp thép quảng bá sản phẩm thông qua catalogue hoặc đưa các đoàn xúc tiến thương mại của Việt Nam ra nước ngoài để tìm hiểu, mở rộng thị trường. Cung cấp và cập nhật thông tin về các quy định, quy trình xuất nhập khẩu ưu đãi; thủ tục xuất khẩu của các thị trường tiềm năng thường niên…
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định ngay các tham tán Việt Nam tại nước ngoài cũng không nghĩ năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đã lớn như hiện nay.
Vì thế, theo ông Phú, các công sứ nước ngoài cần hỗ trợ tổ chức các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để thăm quan thực địa tại các cơ sở sản xuất chế biến thép trong nước.
Bởi chỉ có “nhìn tận mắt, sờ tận tay” mới giúp khách hàng nước ngoài hiểu rõ về ngành thép Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp và Hiệp hội Thép cần cung cấp các tài liệu truyền thông cho các tham tán để các đối tác hiểu hơn về ngành thép Việt Nam.