August 29, 2023 | 13:06 GMT+7

Xuất khẩu khởi sắc, thặng dư thương mại đạt trên 20 tỷ USD

Huyền Vy -

Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực…

Với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, kỳ vọng xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý 4/2023.
Với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi, kỳ vọng xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý 4/2023.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/8 cho thấy trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, về xuất khẩu tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tám giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.

Trong 8 tháng năm 2023 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,25 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 giảm 8,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73,95 tỷ USD, giảm 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,57 tỷ USD, giảm 17%.

Trong 8 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2023.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 194,65 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 12,87 tỷ USD, chiếm 6,2%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 53 tỷ USD giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 34,5%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38,4%.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu 8 tháng năm 2023.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2023 ước tính xuất siêu 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.

Về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, tại hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết thời gian tới, với nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi thì kỳ vọng xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý 4/2023. Bên cạnh đó, việc Anh gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023, dẫn đến dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý 4/2023.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển. Việt Nam có nhiều sản phẩm mà người Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, đồ may mặc, dệt may, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới.

Hơn nữa, Việt Nam là một trong số ít những nước trong châu Á có Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, nên hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Ngoài ra, Đức đang tách dần sự phụ thuộc hàng hóa vào Trung Quốc và đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate