August 10, 2009 | 12:08 GMT+7

Xuất khẩu lao động: Chưa có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp mạnh?

Quỳnh Lam

Vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện có quá nhiều doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: QL
Hiện có quá nhiều doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: QL
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ về xuất khẩu lao động của Ủy ban  Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện có quá nhiều doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước và tư nhân được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp quá nhỏ, lực lượng mỏng, thiếu cả kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng cả năm không đưa được lao động nào.

Quá nhiều doanh nghiệp được cấp phép

Theo thống kê từ 1/7/2007 đến hết tháng 6/2009, chỉ có 54 doanh nghiệp đưa được trên 1.000 lao động, 16 doanh nghiệp đưa dưới 100 lao động và có đến 29 doanh nghiệp không đưa được lao động nào đi xuất khẩu.

Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, sự cấp phép quá nhiều sẽ nảy sinh 2 vấn đề: thứ nhất, doanh nghiệp tự tung, tự tác, cơ quan Nhà nước khó kiểm soát. Thứ 2 là lao động sẽ bị mất niềm tin trong một “rừng” doanh nghiệp môi giới. Họ không biết  tin ai, nghe ai và lựa chọn doanh nghiệp nào.

Ông Lợi cũng chỉ ra những điều thiếu minh bạch từ phía doanh nghiệp trong các khâu thực hiện hợp đồng, có đơn vị khoán trắng cho chi nhánh hoặc trung tâm thực hiện hợp đồng; tuyển chọn lao động thông qua môi giới, liên kết tràn lan, công tác tuyển dụng qua môi giới, tư vấn nhiều hơn doanh nghiệp tuyển trực tiếp.  Vì thế, giá dịch vụ không thống nhất, kinh phí tuyển dụng và các khoản đóng góp thiếu minh bạch. Thậm chí, tại nhiều chi nhánh, chi phí cho đi lao động xuất khẩu gấp tăng gấp 1,5 đến 2 lần, thậm chí có thị trường gấp đến 10 lần so với thông báo của các doanh nghiệp tuyển dụng.

Trao đổi với VnEconomy bên lề  Hội thảo  thực hiện chính sách pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài,  đại diện một số địa phương cho rằng, nếu xem việc làm tại các thị trường là một loại  hàng hóa, thì mặt hàng này đang rơi vào tình trạng chất lượng kém, người bán nhiều hơn người mua.

Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dich vụ thương mại hàng không, 164 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay là quá nhiều. Nếu kiểm tra, giám sát kỹ chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp đạt yêu cầu.

Chưa có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp mạnh

Một thực trạng phổ biến hiện nay theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội  của Quốc hội là đang tồn tại việc chính quyền nhiều địa phương vẫn  áp dụng cách cấp giấy giới thiệu, công văn cho doanh nghiệp đi xuống huyện, xã để tuyển người mà không hề có một đánh giá nào về doanh nghiệp đó.

“Thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa nghe tên tuổi bao giờ cũng được gọi là những doanh nghiệp mạnh, uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động”, một cán bộ xã bức xúc.

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho người đứng đầu Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh xung quanh  tiêu chí đánh giá doanh nghiệp. Doanh nghiệp như thế nào được cho là mạnh, doanh nghiệp vi phạm đến ngưỡng nào thì bị rút giấy phép?....

Về vấn đề này, ông Quỳnh cho biết, trong số 164 doanh nghiệp được cấp phép thì chỉ có 30% doanh nghiệp đưa được nhiều lao động xuất ngoại và ít vi phạm.

Ông Quỳnh thừa nhận, cho đến nay Cục vẫn chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp.hoạt động hiệu quả. Đánh giá năng lực của doanh nghiệp từ trước đến nay chủ yếu vẫn dựa vào số lượng hợp đồng  khai thác và số lao động được doanh nghiệp đưa đi …

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thiếu tiêu chí đánh giá doanh nghiệp chứng tỏ cơ quan quản lí Nhà nước chưa chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép. Đồng thời chưa xử lý nghiêm và đầy đủ các vi phạm của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate