December 17, 2021 | 16:48 GMT+7

Xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản sẽ lập kỷ lục 15,6 tỷ USD

Chu Khôi -

Năm 2021 là một năm đầy biến động, đã từng có thời điểm các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất, người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê, Thế nhưng ước tính giá trị xuất khẩu lâm sản cả năm 2021 sẽ đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18 % so với năm 2020. Con số này vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 14 tỷ USD…

Hội nghị đánh giá kết quả ngành gỗ năm 2021
Hội nghị đánh giá kết quả ngành gỗ năm 2021

Thông tin tích cực trên được công bố tại “Hội nghị đánh giá kết quả năm 2021 và bàn các giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cho năm 2022”, do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) phối hợp tổ chức ngày 17/12/2021.

XUẤT SIÊU CẢ NĂM 2021 SẼ ĐẠT 12,6 TỶ USD

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 11 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 14,27 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó: nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 (bao gồm: sản phẩm đồ gỗ đạt 10,87 tỷ USD, tăng 14%; gỗ các loại 3,6 tỷ USD, tăng 28%.

 

Phân tích cụ thể về đồ gỗ xuất khẩu trong 11 tháng: đồ gỗ nội thất 9,46 tỷ USD, tăng 7,7 %; đồ gỗ xây dựng 461 triệu USD, tăng 17,1%; sản phẩm gỗ khác 941 triệu USD, tăng 172%.

Xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ trong 11 tháng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 29,5%, gồm: sản phẩm từ mây, tre 841 triệu USD, tăng 38,1%; sản phẩm từ quế, hồi 265,4 triệu USD, tăng 8,1%.

Đề cập về thị trường, ông Bùi Chính Nghĩa cho hay, gỗ và lâm sản được xuất sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 89,5 % giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.

Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất là vào Hoa Kỳ, đạt tới 9,1 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 21,4 % so với năm 2020. Tại thị trường này, kim ngạch gỗ nguyên liệu 526,7 triệu, tăng 34,4%; sản phẩm gỗ đạt 8,12 tỷ USD, tăng 19,9%, (đồ nội thất 7,77 tỷ USD, tăng 19,9 %, trong đó sản phẩm đồ nội thất nhà bếp 614,8 triệu USD, giảm 2%, sản phẩm gỗ xây dựng 261,9 triệu USD, tăng 27,7 %, sản phẩm gỗ khác 85,9 triệu USD, giảm 2,7%); lâm sản ngoài gỗ 414,7 triệu USD, tăng 56,4 %.

Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2020. Trong đó: gỗ nguyên liệu 710,6 triệu tăng 9,8 %; sản phẩm gỗ 669,3 triệu USD, tăng 3,4%; lâm sản ngoài gỗ 6,8 triệu USD, tăng 8,7%.

Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 trong các thị trường mua đồ gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu vào thị trương này đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: gỗ nguyên liệu 1,4 tỷ USD, tăng 26,2%; sản phẩm gỗ 98 triệu USD, tăng 1,4%; lâm sản ngoài gỗ 8,9 triệu USD, giảm 24,7%.

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU đạt 1,1 tỷ USD, tăng 14,4 % so với năm 2020. Trong đó: gỗ nguyên liệu 13,1 triệu, giảm 22,8%; sản phẩm gỗ 806,4 triệu USD, tăng10,1%; lâm sản ngoài gỗ 256,4 triệu USD, tăng 34,2%.

Thứ 5 là thị trường Hàn Quốc với 0,95 tỷ USD, tăng 5,7 % so với năm 2020. Trong đó: gỗ nguyên liệu 600,9 triệu, tăng 13,5%; sản phẩm gỗ 265,6 triệu USD, giảm 8%; lâm sản ngoài gỗ 28 triệu USD, giảm 0,8%.

Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản cả năm sẽ ước đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 18% so với năm 2020, vượt kế hoạch đặt ra (14 tỷ USD). Điểm nhấn thành tựu nữa của ngành là xuất siêu cao, ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.

“Giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản vào một số thị trường truyền thống giữ mức tăng trưởng cao: Trung Quốc tăng 23,7%; Hoa Kỳ tăng 21,4%; EU tăng 14,4 %; Nhật Bản tăng 6,7%; Hàn Quốc tăng 5,7 %. Điều này cho thấy các doanh nghiệp chế biến đã tranh thủ tận dụng thời cơ phát triển mở rộng thị trường trong bối cảnh cuộc chiến Thương mại Mỹ -Trung và cơ hội từ các hiệp định AFTA mà Việt Nam tham gia”, ông Bùi Chính Nghĩa nói.

NHIỀU CƠ HỘI MỞ RỘNG, PHÁT TRIỂN THỊ PHẦN

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, năm 2021 là một năm đầy biến động. Đã từng có thời điểm trong năm, bức tranh của ngành gỗ chủ đạo là màu xám, các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất, người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê.

"Việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác khiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lao dốc, các mục tiêu phát triển của ngành mà Chính phủ đề ra có tín hiệu không hoàn thành. Lúc đó, có một số dự đoán đưa ra rằng, thành quả của ngành trong thập kỷ qua có thể sẽ đảo chiều, thậm chí rơi vào suy thoái”, ông Lập nói.

Nhưng đến thời điểm này, theo ông Lập, bức tranh của ngành đã chuyển từ màu xám sang màu sáng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2021 tăng 34% so với kim ngạch của tháng 10, trên 90% lao động của ngành hiện đã quay trở lại sản xuất.

Yếu tố tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm là nhờ Chính phủ đã chuyển từ diệt dịch sang sống chung với dịch. Các điểm sáng trong bức tranh là sự nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất và xuất khẩu.

 

Các doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian tới cần thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng hàng. Ví dụ như, từ chỗ đóng hàng hoá cồng kềnh, tốn diện tích container làm tăng cước phí vận chuyển sang hình thức đóng rời từng bộ phận, nhằm ứng phó với tình trạng cước phí vận chuyển và giá thuê container quá cao như hiện nay.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest.

Ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Nhà nước sớm cho các doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận với nguồn vắc xin Covid để tiêm mũi thứ ba cho lao động trong ngành. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cùng “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước. Muốn vậy, cơ chế chính sách về đất đai phải thay đổi mang tính đột phá.

“Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan chứ năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung gỗ nhập khẩu, gian lận thương mại, kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI có tính rủi ro cao”, ông Lập nhấn mạnh.

Nhận định về triển vọng thị trường năm 2022, Tổng cục Lâm nghiêp cho rằng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần thương mại gỗ và lâm sản của thế giới, nên các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều đơn hàng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Hoa Kỳ dịch chuyển sang các thị trường khác.

Mục tiêu Tổng cục Lâm nghiệp đề ra cho năm 2022: Phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7 % so với 2021. Cụ thể: sản phẩm gỗ 11,47 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ các loại 3,84 tỷ USD, tăng 5,5 %; lâm sản ngoài gỗ là 1,19 tỷ USD, tăng 7,7%.   Các thị trường: Hoa Kỳ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 6,8%; Nhật bản 1,5 tỷ USD, tăng 2,1%; Trung Quốc 1,6 tỷ USD, tăng 7,4%; 1,1 tỷ USD, tăng 4,5 %; Hàn Quốc 0,9 tỷ USD, tăng 1,8 %; các thị trường còn lại 1,7 tỷ USD, tăng 4,1%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate