December 29, 2024 | 14:24 GMT+7

"Xuất khẩu" nhân lực công nghệ thu về hàng trăm triệu USD cho Việt Nam mỗi năm

Ngô Huyền -

Gia công phần mềm tại nước ngoài (IT outsourcing) trở thành ngách đi của nhiều doanh nghiệp công nghệ, mang về cho Việt Nam hàng trăm triệu USD mỗi năm… 

Statista dự báo trong năm nay thị trường outsourcing của Việt Nam ước đạt giá trị gần 698 triệu USD.
Statista dự báo trong năm nay thị trường outsourcing của Việt Nam ước đạt giá trị gần 698 triệu USD.

Mới đây, FPT, một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đã ký kết biên bản hợp tác cung cấp kỹ sư bán dẫn cho Toshiba Information Systems giúp giải quyết thách thức thiếu hụt nhân lực bán dẫn hiện tại của Nhật Bản. 

Dĩ nhiên, Toshiba không phải là đối tác nước ngoài duy nhất FPT hợp tác chuyển giao nhân lực. Và FPT cũng không phải công ty công nghệ Việt Nam duy nhất đang đưa các kỹ sư người Việt phục vụ thị trường quốc tế.

MẢNH ĐẤT VÀNG CHO CÁC NỀN CÔNG NGHỆ MỚI NỔI 

Theo Research and Markets, thị trường outsourcing toàn cầu ước đạt giá trị 769,7 tỷ USD trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5,54%, giá trị thị trường có thể vượt 900 tỷ USD vào năm 2027. 

Trong khi đó, thị trường bán dẫn toàn cầu, cuộc đua khốc liệt của không chỉ các doanh nghiệp mà còn của các nền kinh tế, ước đạt doanh thu khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Giả sử nếu tiếp tục tăng trưởng kép khoảng 5,5% mỗi năm, việc giá trị thị trường outsourcing chạm mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi. 

Rõ ràng, cùng giá trị dự báo, song outsourcing sẽ là mảnh đất “dễ thở” hơn nhiều, nhất là khi đây còn là hướng đi phù hợp với lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Giá trị thị trường outsourcing toàn cầu, nguồn Research and Markets. 
Giá trị thị trường outsourcing toàn cầu, nguồn Research and Markets. 

FPT hiện có hơn 80.013 nhân sự làm việc tại 30 quốc gia trên thế giới. Một tập đoàn công nghệ khác, CMC cũng đang có đến 70% nhân lực phục vụ cho thị trường công nghệ nước ngoài… Bên cạnh những tập đoàn này, còn rất nhiều doanh nghiệp công nghệ có quy mô nhỏ hơn của Việt Nam cũng đang bước ra ngoài để chinh phục thị trường quốc tế. 

Chính sách mở cửa, những ưu đãi pháp lý cùng các khoản đầu tư đáng kể của Chính phủ vào doanh nghiệp, hạ tầng, cơ sở giáo dục trong những năm qua đã thúc đẩy lĩnh vực công nghệ Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhất là nguồn nhân lực ngày càng dồi dào. 

Dù mỗi bảng xếp hạng sử dụng các tiêu chí đánh giá khác nhau, song có thể khẳng định, trong hai năm qua, Việt Nam gần như chưa từng vắng mặt trong top 10 quốc gia hàng đầu về cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia châu Á có đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ về gia công phần mềm. 

 

“Thời điểm hiện tại, thật khó để các công ty mang sản phẩm tấn công được các thị trường nước ngoài, sản phẩm thành danh còn hiếm. Thế nên outsourcing là con đường tất yếu và phù hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện tại”ông Đặng Văn Tú, CTO CMC Global

Trao đổi với VnEconomy, ông Đặng Văn Tú, CTO CMC Global, nhận định gia công công nghệ là hướng đi phù hợp với Việt Nam thời điểm hiện tại. Các thị trường phát triển như Nhật, Mỹ hay châu Âu,... đang rất thiếu nguồn lực. Họ cũng cần tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, Việt nam lại có nhân lực công nghệ dồi dào, giá rẻ,... chưa kể công nghệ thay đổi liên tục và nhân lực chúng ta lại nhanh nhạy, đủ khả năng đáp ứng. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Thiện Nghĩa, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. 

HƯỚNG ĐI “VỪA VẶN” PHÙ HỢP VỚI VIỆT NAM 

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại, trong khi đó, thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Vậy để ra nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoặc phải bán được sản phẩm, hoặc phải “xuất khẩu” nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. Giữa hai điều kiện này, rõ ràng “outsourcing” đang là hướng đi được đại đa số doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn. 

Ông Đặng Văn Tú nhận định thẳng thắn: “Thời điểm hiện tại, thật khó để các công ty mang sản phẩm tấn công được các thị trường nước ngoài, sản phẩm thành danh còn hiếm. Thế nên outsourcing là con đường tất yếu và phù hợp với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện tại”. 

Dẫu vậy, việc Việt Nam được đánh giá cao trong lĩnh vực gia công phần mềm cũng là tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Việc đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường công nghệ lớn cũng là minh chứng cho năng lực của các kỹ sư người Việt, đồng thời là cơ hội để các kỹ sư học hỏi những kỹ năng, công nghệ mới. 

Việt Nam qua mỗi năm lại có thêm khởi sắc trong chính sách, trong ưu đãi,... để thúc đẩy nhiều hơn hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Không chỉ số lượng kỹ sư công nghệ tốt nghiệp tăng lên, chất lượng nhân lực Việt Nam cũng đang dần nâng cao. 

Sự hiện diện của các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam hay những thay đổi từ chính trong chủ trương đào tạo của các trường đại học, của Chính phủ, hay các doanh nghiệp, đã giúp hoàn thiện năng lực công nghệ của nhân sự Việt Nam. 

Khi cơn khát nhân lực công nghệ ngày càng tăng, đặc biệt tại các thị trường phát triển, gia công phần mềm là mảnh đất đầy tiềm năng đối với Việt Nam. Và trùng hợp, chính Việt Nam cũng muốn làm chủ một phần mảnh đất này…

Song đứng từ góc độ trong ngành, nhiều chuyên gia cho biết thị trường nước ngoài cũng rất khốc liệt, đặc biệt khi phải cạnh tranh với nguồn nhân lực không hề nhỏ từ Ấn Độ hay Trung Quốc, song Việt Nam có những lợi thế riêng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Statista dự báo trong năm nay thị trường outsourcing của Việt Nam ước đạt giá trị gần 698 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm 16,38% trong giai đoạn từ nay đến 2028, có khả năng Việt Nam sẽ thu về 880 triệu USD từ lĩnh vực này vào năm 2028. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate