Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu đạt 37,2 tỷ USD, tăng 5,8%.
Như vậy, sau 10 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu 7,7 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021.
8 SẢN PHẨM ĐẠT TRÊN 2 TỶ USD
Trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022. Trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…
Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; xuất khẩu vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp đạt gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
"Đến ngày 31/10, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đã có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%); cao su 2,8 tỷ USD (tăng 11,2%); gạo trên 2,9 tỷ USD (tăng 7,4%); hồ tiêu 829 triệu USD (tăng 4,7%); sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD (tăng 16,5%), cá tra trên 2,1 tỷ USD (tăng 76,5%), tôm 3,8 tỷ USD (tăng 20,3%), gỗ và sản phẩm gỗ 13,5 tỷ USD (tăng 11,4%); phân bón các loại 961 triệu USD (gấp 2,5 lần); thức ăn gia súc và NL 942 triệu USD (tăng 9,2%).
Những mặt hàng giảm gồm: Nhóm hàng rau quả gần 2,8 tỷ USD (giảm 6,5%), hạt điều gần 2,6 tỷ USD (giảm 15,3%), sản phẩm chăn nuôi 326,9 triệu USD (giảm 8,7%); dù giá trị XK nhóm sắn và SP sắn tăng 16,5% nhưng giá trị XK của sản phẩm sắn lại giảm 0,6% với giá trị trên 190 triệu USD.
Một số sản phẩm có giá xuất khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 616 USD/tấn, tăng 72,7%; hạt tiêu khoảng 4.372 USD/tấn, tăng 26,9%; cà phê khoảng 2.301 USD/tấn, tăng 20,6%,…
Đáng chú ý, dù giá xuất khẩu gạo từ tháng 9 bắt đầu tăng nhẹ so với tháng 8 nhưng tính bình quân 9 tháng thì giá xuất khẩu khoảng 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu trong 10 tháng, khu vực châu Á chiếm 44,1% thị phần; châu Mỹ chiếm 27,9%; châu Âu chiếm 11,5%; châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm1,7%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 11,4 tỷ USD (chiếm 25,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD (chiếm 18,5% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 7,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 2,1 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định: Hạn hán tại Trung Quốc ảnh hướng đến sản xuất là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Trong khi đó, lạm phát tại Châu Âu, chiến sự tại Ucraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực, đã khiến giá nhiều loại nông sản, thủy sản tăng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
"Hiện EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này dần chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logitics lớn", ông lưu ý...
Đối với thị trường Hoa Kỳ, đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam thông tin thêm, trong tháng 10/2022, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường này. Trước đó, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương thức mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường.
Để phục vụ nhiệm vụ kỹ thuật và kiểm soát chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đến nay, đã cấp 4.814 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
EC VẪN CHƯA GỠ “THẺ VÀNG” CHO THỦY SẢN VIỆT NAM
Một vấn đề được mong đợi nhất trong tháng 10/2022 là việc phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) đến kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), xem xét việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 20-27/10/2022, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến kiểm tra tại nhiều tỉnh ven biển nước ta, làm việc với Ban chỉ đạo IUU của một số tỉnh và các đơn vị liên quan về nỗ lực chống khai thác IUU.
Chiều 28/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tiếp Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU (Tổng Vụ các vấn đề về biển và thủy sản), làm trưởng đoàn. Cùng dự có ông Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam và lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam.
Làm việc với phái đoàn của EC, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết chính sách và định hướng của Việt Nam là khuyến khích ngư dân đăng ký ngành nghề khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.
"Việt Nam đang rất tích cực triển khai hoạt động bảo tồn biển, thả giống, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; triển khai cấp hạn ngạch giấy phép khai thác, đã có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để từng bước giảm cường lực khai thác cân bằng với nguồn lợi thuỷ sản", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.
Khẳng định chống khai thác IUU là ưu tiên ngày càng cao trong chương trình nghị sự của EU, ông Roberto Cesari cho rằng với cách tiếp cận không khoan nhượng với khai thác IUU, EU coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của cả khối và từng quốc gia thành viên với các nước đối tác.
Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua.
Qua thực tế kiểm tra ngẫu nhiên tại các địa phương ven biển, đoàn công tác đã được chứng kiến những tiến bộ, cải thiện đáng kể trong triển khai thực hiện chống IUU. Đoàn ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương có biển.
Tuy vậy, kết thúc chuyến kiểm tra và làm việc, phía EC vẫn chưa có động thái gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Ông Roberto Cesari thông báo rằng đến tháng 4/2023, phái đoàn của EC sẽ tiếp tục sang kiểm tra và sau đợt kiểm tra đó mới xem xét có quyết định gỡ thẻ vàng hay không.