March 05, 2024 | 18:19 GMT+7

Xuất khẩu rau quả kỳ vọng vượt mục tiêu

Chu Khôi -

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng cả năm 2024 có thể đạt 6,5- 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD…

Giá sầu riêng ngày càng tăng cao do thị trường Trung Quốc đang "hút hàng".
Giá sầu riêng ngày càng tăng cao do thị trường Trung Quốc đang "hút hàng".

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã mang về trên 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng tới 89 % so với tháng 1/2023.

Sang tháng 2/2024, do trùng với Tết Nguyên đán, nên hoạt động xuất khẩu tạm ngừng trong 1 tuần. Tuy nhiên, ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy kết quả xuất khẩu rau quả tháng 2/2024 vẫn đạt 460 triệu USD, tăng 56% so với tháng 2/2023.

TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG CAO

Ông Nguyễn Huy Hoàng Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, xoài, dừa tươi), cho biết từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu trái cây của Hoàng Phát sang các thị trường Nhật, Hàn, Úc, New Zealand tăng 10- 15% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho rằng xuất khẩu rau quả trong năm 2024 mặc dù có một số khó khăn, nhưng vẫn rất nhiều thuận lợi. Cụ thể, tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mang hương vị riêng, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng 15-20%. Thậm chí, nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Nghị định thư mang lại, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5-7 ty USD".

 

"Chỉ 2 tháng đầu năm ngành rau quả đã mang về gần 1 tỷ USD, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đến gần 73%. Nếu duy trì tốt đà tăng trưởng này, xuất khẩu có thể đạt 6,5 tỷ USD Còn nếu mở thêm được thị trường mới, thì có thể đạt 7 tỉ USD”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam.

Theo ông Nguyên, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, nhất là mặt hàng sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài… Đặc biệt, dừa trái hứa hẹn cho kim ngạch từ 500-600 triệu USD nếu Nghị định thư được ký kết.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2023, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều “visa” cho nhiều loại trái cây được phép xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2024 sẽ tiếp tục đàm phàn mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho xuất khẩu rau quả.

“Trong thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu, đóng góp giá trị kim ngạch lớn cho các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Nhìn lại năm 2023 là một năm thành công vang dội của ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,7% (tương ứng tăng 2,24 tỷ USD) so với năm 2022. Điều đáng mừng là xuất khẩu các sản phẩm chế biến cũng tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, đây là xu hướng của thị trường và các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam cũng mang lại kết quả tăng trưởng tích cực, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2022.

XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG DỰ BÁO ĐẠT 3,5 TỶ USD

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là trái sầu riêng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Năm 2023, với sản lượng xuất khẩu hơn 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.

2 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt vẫn đang "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc, bởi hiện không phải là mua thu hoạch trái sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, sầu riêng trái vụ được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, trong đó Tiền Giang có diện tích lớn nhất, nên thời điểm này vẫn có sầu riêng thu hoạch và xuât khẩu.

Trong khi đó, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua sầu riêng để biếu tặng của người dân Trung Quốc tăng cao. Trung Quốc hiện chiếm đến 99% thị phần sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, khiến giá sầu riêng đang tăng cao do thị trường Trung Quốc "hút hàng". Thời điểm hiện tại, giá sầu riêng tăng bình quân 20% so với ngày 31/12/2023.

Theo các hệ thống khảo sát giá cả hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 5/3/2024, giá trái sầu riêng Ri6 loại đẹp được chọn lựa tai Miền Tây Nam Bộ ở mức 138.000 – 142.000 đồng/kg; tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ở mức 135.000 – 140.000 đồng/kg; Sầu riêng Ri6 mua xô ở Miền Tây Nam Bộ là 120.000 – 123.000 đồng/kg; tại Tây Nguyên là 115.000 – 120.000. đồng/kg.

 

"Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh".

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Đối với trái sầu riêng giống Thái, loại đẹp chọn lựa hiện có giá bán lên tới 195.000 – 200.000 đồng/kh tại vườn ở Miền Tây Nam Bộ, giá bán 190.000 – 195.000 đồng/kg tại vườn ở khu vực Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đối với sầu riêng giống Thái mua xô: ở Miền Tây Nam Bộ đạt 175.000 – 180.000 đồng/kg; Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ở mức 170.000 – 175.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - một thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cơ sở của ông bắt đầu thu mua sầu riêng trở lại từ ngày 15/2. Tuy nhiên từ đó đên nay, hàng Monthong (sầu riêng giống Thái) loại A gom không đủ để trả đơn cho các đầu mối xuất khẩu nên giá thu mua tăng liên tục.

“Hiện mỗi kg sầu riêng loại này phải thu mua với giá tới 200.000 đồng/kg. Sầu riêng Monthong trái vụ đang khan hàng nên mỗi ngày chỉ mua được 1-2 tấn", ông Tuấn chia sẻ.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, doanh nghiệp đã kín đơn hàng sầu riêng nhưng hiện nay đã cuối vụ, đang không có đủ sản phẩm để xuất khẩu. "Chúng tôi hiện không đủ số lượng sầu riêng cho nhiều thị trường, đang phải đợi sầu riêng chính vụ vào tháng 5 tới. Các đơn hàng bưởi, xoài, vú sữa... vẫn đang được xuất khẩu tốt", bà Tường Vy nói.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam có trên 131.000 ha sầu riêng được trồng ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây. Với giá bán trái sầu riêng tại vườn trong năm 2023 từ 70.000 đồng – 150.000 đồng/kg, nông dân trồng sầu riêng đạt lợi nhuận bình quân trên 1,5 tỷ đồng/ha, cao hơn 526 triệu đồng/ha so với năm 2022.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, với 876 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp. Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. 

Theo dự báo của ông Đặng Phúc Nguyên, với các Nghị định thư đã được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng sẽ mang về 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate