Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 268,37 nghìn tấn, với trị giá 136,49 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 9/2023 và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 12,6% về lượng và tăng 33% về trị giá.
Trong tháng 10/2023, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 508,6 USD/tấn, tăng 8,8% so với tháng 9/2023 và tăng 18,1% so với tháng 10/2022.
TRUNG QUỐC CHIẾM 90% THỊ PHẦN XUẤT KHẨU SẮN CỦA VIỆT NAM
Trong tháng 10/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,01% về lượng và chiếm 91,49% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 241,55 nghìn tấn, trị giá 124,88 triệu USD, giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với tháng 9/2023; so với tháng 10/2022 tăng 16,6% về lượng và tăng 40,2% về trị giá.
"Trong tháng 10/2023, giá bình quân xuất khẩu các sản phẩm tinh bột sắn sang Trung Quốc ở mức 517 USD/tấn, tăng 11,5% so với tháng 9/2023 và tăng 20,2% so với tháng 10/2022".
Hiệp hội Sắn Việt Nam.
Lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,39 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD; giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, mặc dù tổng lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, như thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, EU. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc 2,18 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 929,57 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-550 USD/tấn FOB giao tại cảng TP.HCM. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.100 - 4.350 CNY (Nhân dân tệ)/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu sắn lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 295 USD/tấn FOB tại cảng Quy Nhơn; còn giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 335 USD/tấn FOB tại cảng Quy Nhơn.
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, nước này sẽ áp dụng chính sách nhập khẩu cư dân biên giới từ ngày 1/11/2023. Theo đó, hàng hóa không thuộc loại hình gia công chế biến tại địa phương như bột sắn, lá chè khô, hạt điều và các mặt hàng tạp hàng khô khác sẽ không được áp dụng quy định thông quan đi thẳng “cả xe nhập, cả xe xuất” như thời gian vừa qua, mà khôi phục quy định bốc dỡ sang xe.
Đáng chú ý, phí đón hàng tại khu vực cửa khẩu bên phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 100 CNY/tấn cho chi phí bốc xếp, xe trung chuyển và tiền thuế, phí khác. Như vậy, mỗi xe hàng xuất qua cửa khẩu sẽ phải mất tổng chi phí 8.000 CNY.
Về nguồn cung sắn trong nước, Hiệp hội Sắn Việt Nam thông tin, năm nay, tình trạng mưa lớn kéo dài tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và cả Campuchia khiến chất lượng sắn thu hoạch kém hơn mọi năm. Dự kiến nguồn cung sắn lát khi bước vào vụ sản xuất tháng 12 sắp tới sẽ giảm, do dự báo nguồn nguyên liệu sắn củ tươi giảm mạnh.
Dự báo trong niên vụ 2023/24, các đơn vị kinh doanh mặt hàng này có thể phải tăng nhập khẩu sắn lát từ Lào và Campuchia về Việt Nam để đáp ứng cho nhu cầu của nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước, cũng như cho xuất khẩu.
NGÀNH SẮN ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU 2 TỶ USD NĂM 2028
Tây Ninh là địa phương đứng đầu về số lượng nhà máy chế biến sắn cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 65 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết Tây Ninh hiện là thủ phủ của ngành sắn cả nước, hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sắn hàng năm thuộc về các doanh nghiệp Tây Ninh.
Tuy nhiên, diện tích vùng trồng của Tây Ninh không phải lớn, toàn tỉnh hiện có khoảng 62 ngàn ha, năng suất khoảng 2 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng 50% nguyên liệu cho ngành chế biến sắn địa phương. Để đủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp thu mua sắn từ các tỉnh lân cận và cả các tỉnh Campuchia giáp ranh.
Theo ông Xuân, ngành sắn Tây Ninh vẫn còn hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân, chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài. Để cây sắn của Tây Ninh phát triển ổn định và thật sự bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng sản xuất lớn. Đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
Bà Võ Thị Linh Phượng, Giám đốc Công ty CP Khoai mì Tây Ninh (Tây Ninh Tapioca JSC) cho hay hầu hết các nhà máy đều tăng công suất. Tuy nhiên, do nguồn sắn tại địa phương không theo kịp với việc chế biến nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra không biến động nhiều khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Doanh nghiệp nào làm chủ được vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp đó mới thắng lợi.
"Hiện vùng nguyên liệu trồng sắn trong nước chỉ mới đáp ứng nhu cầu 30-40% công suất của nhà máy. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trước mắt, cần phải giải được bài toán mất cân đối giữa chế biến và nguyên liệu. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cái bắt tay liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông".
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, diện tích trồng sắn cả nước hiện có khoảng 530.000 ha, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam nhận định trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Để đạt được con số này, ông Nghiêm Minh Tiến cho rằng ngành sắn cần phải giải quyết 3 điểm yếu hiện nay. Đó là: Xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…
“Để cho ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột”, ông Nghiêm Minh Tiến nhấn mạnh.