January 21, 2025 | 07:35 GMT+7

Xuất khẩu sang Liên bang Nga đạt trên 2,3 tỷ USD, nhiều nhóm hàng duy trì mức tăng trưởng cao

Vũ Khuê -

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 4,59 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2023. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong thương mại giữa hai nước dù còn nhiều khó khăn trong vận tải, thanh toán...

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng gần 70% so với năm 2023. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng gần 70% so với năm 2023. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 4,59 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,34 tỷ USD, tăng 34,5%; nhập khẩu đạt 2,25 tỷ USD, tăng 19%. Thặng dư thương mại với Liên bang Nga đạt khoảng 90,3 triệu USD.

Đánh giá về kết quả trên, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga nhận định: "Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong thương mại giữa hai nước dù còn nhiều khó khăn trong vận tải, thanh toán".

Trong năm 2024, nhiều nhóm hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như: Hàng thủy sản đạt 231,4 triệu USD (tăng gần 70% so với năm 2023); gạo đạt 7,8 triệu USD (tăng 134% về giá trị và 112% về khối lượng); bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 34,6 triệu USD (tăng 126%); hàng dệt may đạt 762,5 triệu USD (tăng 55,6%); gỗ và sản phẩm gỗ gần 5 triệu USD (tăng 42,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt hơn 240 triệu USD (tăng 44,6%); sắt thép các loại đạt 1,2 triệu USD (tăng 144% về giá trị và 203% về khối lượng).

Đáng chú ý, một số mặt hàng tăng trưởng cao do thị trường tăng giá như hạt tiêu đạt 33,3 triệu USD (tăng 72,5% về giá trị, tăng 10,7% về khối lượng), cà phê đạt 306,2 triệu USD (tăng 25% về giá trị, giảm 23% về khối lượng), cao su đạt 45,4 triệu USD (tăng 45,1% về giá trị, tăng 17,5% về khối lượng).

Xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại năm 2024 đạt 15,4 triệu USD (giảm 25,4%); sản phẩm gốm sứ đạt 1,26 triệu USD (giảm 31,1%); sản phẩm từ cao su đạt 7,6 triệu USD (giảm 28,6%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 18,5 triệu USD (giảm 36,3%).

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Nga các sản phẩm phục vụ sản xuất, đặc biệt duy trì đà tăng trưởng cao liên tục trong nhiều tháng liền như mặt hàng phân bón đạt 228,6 triệu USD (tăng 73% về giá trị và 89,7% về khối lượng); than các loại đạt 913,2 triệu USD (tăng 7,7% về giá trị và 23,4% về khối lượng); hóa chất đạt 102 triệu USD (tăng 93,4%); giấy các loại đạt 12,4 triệu USD (tăng 103%).

Một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng đột biến so với 2023 như lúa mì đạt 139,3 triệu USD (tăng 149%); sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 13,1 triệu USD (tăng 379%); linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 21,3 triệu USD (tăng 125%); phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 11,1 triệu USD (tăng 127%).

Đáng chú ý, nhập khẩu xăng dầu các loại trong năm 2024 đạt hơn 345 ngàn USD, tăng gần 15 lần so với tổng giá trị và gấp hơn 20 lần về khối lượng nhập khẩu trong năm 2023. 

Nhóm hàng giảm nhập khẩu mạnh gồm: Sắt thép các loại đạt 564 ngàn USD (giảm 45,2%); sản phẩm từ sắt thép đạt 28,7 triệu USD (giảm 34,1%); dây điện, dây cáp điện, đạt 437 ngàn USD (giảm 43%); ô tô nguyên chiếc các loại đạt 16,4 triệu USD (giảm 42,8%); chất dẻo nguyên liệu đạt 100,9 triệu USD (giảm 5%); cao su đạt 32,1 triệu USD (giảm 6,5%) so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, năm 2024 dù đạt được mức tăng trưởng khá, song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn còn thấp so với mức 5,5 tỷ USD của năm 2021.

Hiện nay thương mại giữa hai nước mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của mỗi nước, với khoảng 0,6% đối với Việt Nam và 0,8% đối với Nga.

Bộ Công Thương cho rằng năm 2025 cần đẩy mạnh trao đổi thương mại hai bên lên mức cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định Thương mại Tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA), trong đó Nga là thành viên chủ chốt.

Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, đến nay nhiều dòng thuế được cắt, giảm nhưng tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (form EAV) của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga hiện chưa được khai thác hết. 

Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị, để mở rộng thị trường Nga, doanh nghiệp cần tận dụng lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định, đặc biệt với các nhóm sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như cà phê, trái cây, chè, hạt tiêu...

Đồng thời cần thiết lập sự tương tác tích cực hơn giữa các doanh nghiệp hai bên, bao gồm việc tổ chức trao đổi thường xuyên các diễn đàn doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm. Bên cạnh đó, mở văn phòng đại diện, thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu rõ hơn về thói quen tiêu dùng của người dân Nga, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate