October 03, 2022 | 08:48 GMT+7

Xuất khẩu sang Nga có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn bấp bênh

Vũ Khuê -

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng dự báo trong thời gian tới Hoa Kỳ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với Nga, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề thanh toán hàng xuất nhập khẩu...

Xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 sang Nga đạt 1,1 triệu USD.
Xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 sang Nga đạt 1,1 triệu USD.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga 8 tháng năm 2022 đạt 2,48 tỷ USD, giảm 27,74% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga tháng 8 đạt 130,8 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng 7/2022 nhưng giảm 47,5% so với tháng 8/2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 triệu USD, giảm 49,34% so với cùng kỳ 2021.

Đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, từ tháng 5/2022 xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, kim ngạch tháng sau tăng so với tháng trước. Trong tháng 8/2022 kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trên (trừ hạt điều giảm 22,8%) đều tăng khá cao so với tháng 8/2021.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại, thiết bị máy móc tiếp tục xu hướng giảm mạnh trong tháng 8, trong khi đó mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng dệt may và giày dép có xu hướng giảm.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga tháng 8/2022 đạt 119,9 triệu USD, tăng 26,1% so với tháng 7/2022, nhưng giảm 26,3% so với tháng 8/2021. 8 tháng đầu năm 2022 kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính từ đầu năm đến nay có thể thấy một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga có sự tăng trưởng đáng kể như: than tăng 57,1%, thủy sản 73,50%, dược phẩm 114,91%, gỗ và sản phẩm gỗ 59,38%, chất dẻo nguyên liệu 155,04%,…

Phân tích một số vấn đề tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, cho rằng từ cuối tháng 2/2022, do tác động của các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, đồng rúp mất giá sâu, giá cả hàng hóa tại Nga tăng mạnh, tâm lý doanh nghiệp bất an, các hãng tàu, hãng hàng không lớn dừng hợp tác với Nga… thương mại giữa Việt Nam và Nga gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là về vận tải và thanh toán.

Sau giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, tình hình thị trường Nga dần ổn định, giá trị đồng rúp phục hồi, doanh nghiệp thích nghi dần với điều kiện mới... Bên cạnh đó, Nga từng bước điều chỉnh, xây dựng các tuyến đường vận tải logistics mới, áp dụng các phương thức thanh toán xuất nhập khẩu phù hợp.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 3 (-85% so với cùng kỳ 2021) đang có dấu hiệu phục hồi.

Thương vụ thông tin, hiện nay 4 vùng tại Ukraine (Donest, Lugansk, Kherson và Zaparozhie) đang tiến hành trưng cầu dân ý, dự kiến Liên bang Nga sẽ tiến hành sát nhập các khu vực này trong thời gian ngắn sắp tới.

Dự báo, trong thời gian tới Hoa Kỳ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với Nga, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề thanh toán hàng xuất nhập khẩu, như ngắt toàn bộ các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nga khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư ngày càng tăng. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị Cục xúc tiến thương mại, các địa phương, hiệp hội quan tâm hỗ trợ các đối tác Nga.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate