September 13, 2022 | 17:46 GMT+7

Xuất khẩu sang vương quốc Anh đối mặt với ba thách thức lớn

Vũ Khuê -

Sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thương mại song phương giữa Việt Nam và vương quốc Anh đã hồi phục trở lại tuy nhiên vẫn còn một số thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này...

Xuất khẩu cà phê sang thị trường UK 6 tháng đầu năm 2022 tăng 138,8%.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường UK 6 tháng đầu năm 2022 tăng 138,8%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021 thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2020.

Các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%.

Sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,91 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu đạt 492,8 triệu USD, giảm 26,8% (so với cùng kỳ năm 2021), chiếm tỷ trọng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp đến là mặt hàng dệt may, trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 378,3 triệu USD, tăng 39%, chiếm tỷ trọng 12,9%. Giày dép các loại đạt 357,2 triệu USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 12,2%.

Các mặt hàng khác có tốc độ tăng trưởng khá gồm: cà phê tăng 138,8%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 31,5%; hạt tiêu tăng 26,7%; dây điện và dây cáp điện tăng 98,9%.

Mặc dù vậy, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng vẫn còn 3 thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tiếp cận thị trường UK.

Thứ nhất, khi xuất khẩu sang UK, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu bài bản.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến một số quy định về phát triển bền vững như lao động, môi trường… vì UK là nước rất quan tâm đến các vấn đề này.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp của UK cũng như của các nước khác, đặc biệt là các nước đến từ vùng thuộc địa cũ của UK.

Đối với các doanh nghiệp của UK, áp lực cạnh tranh đến từ sự hiểu rõ tập quán tiêu dùng của người UK cũng như hệ thống tổ chức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh đến từ các nước khác, bao gồm các vùng thuộc địa cũ của UK là việc tiếp cận thị trường UK lâu hơn, có những kết nối về văn hóa sâu sắc hơn và kể cả khả năng phối hợp với các hệ thống kinh doanh tại UK hiệu quả hơn.

Thứ ba, thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng. Bộ Công Thương cho rằng nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể gặp khó khăn khi đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu cao.

Đơn cử, hiện các đơn hàng xuất khẩu gỗ đang giảm sút do phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn khi các thị trường lớn như UK, Hoa Kỳ, EU đang có tỷ lệ lạm phát cao tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động.

Đối với nhóm hàng dệt may, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam gặp một số khó khăn đối với nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu do bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng mới hoặc mở rộng sản xuất.

Một số nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc. Song điều lo ngại là các biện pháp phòng chống dịch từ phía Trung Quốc khiến việc nhập khẩu các sản phẩm phục vụ sản xuất không dễ dàng, thời gian giao hàng bị kéo dài…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate